Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân cùng những căn bệnh mà nó sinh ra trong cán bộ, đảng viên Quân đội là vấn đề vừa cấp bách, trước mắt, vừa thường xuyên, lâu dài, trực tiếp góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trong di sản để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh có rất nhiều bài viết, bài nói tổng kết những vấn đề lý luận, thực tiễn về thực hành đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, làm cơ sở cho các hoạt động của Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Theo Người, chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể và xã hội. Nó là một thứ vi trùng rất độc hại, đẻ ra hàng trăm thứ bệnh nguy hiểm. “Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”1. Nó là kẻ thù ở bên trong mỗi cá nhân, tổ chức nên rất khó nhìn thấy, khó đấu tranh và rất nguy hiểm, không những ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân, tổ chức mà còn làm giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng và đội ngũ cán bộ, đe doạ sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa. “Cho nên thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”2. Tuy nhiên, Người cũng lưu ý, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải “giày xéo lên lợi ích cá nhân”3 và nêu lên nguyên tắc tối cao đối với mỗi cán bộ, đảng viên là: “Nếu lợi ích cá nhân mâu thuẫn với lợi ích tập thể, thì đạo đức cách mạng đòi hỏi lợi ích riêng của cá nhân phải phục tùng lợi ích chung của tập thể”4. Người chính là tấm gương mẫu mực về thực hành đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta học tập, noi theo.
Hiện nay, đội ngũ cán bộ, đảng viên có bước phát triển cả về số lượng, chất lượng và về cơ bản đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, phát huy tốt vai trò tiền phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ cách mạng trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, một bộ phận đảng viên nói chung, trong Quân đội nói riêng vì lợi ích cá nhân, có những biểu hiện phai nhạt bản chất cách mạng, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, sa sút ý chí phấn đấu, ngại khó, ngại khổ, đùn đẩy trách nhiệm, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội,… ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng Quân đội. Vì vậy, để làm theo lời Bác dạy, quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 847-NQ/QUTW, ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới, cần đẩy mạnh đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên Quân đội; trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao ý chí đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Hiện nay, trong nền kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập quốc tế, chủ nghĩa cá nhân có điều kiện nảy sinh, phát triển và tác động đến đội ngũ cán bộ, đảng viên Quân đội ở những mức độ khác nhau. Do vậy, cấp ủy đảng, cán bộ chủ trì các cấp phải xác định đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng ở cơ quan, đơn vị mình. Nội dung giáo dục không những trang bị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội; những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ và âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng và Quân đội, mà còn phải làm rõ những biểu hiện và tác hại của chủ nghĩa cá nhân; trên cơ sở đó xác định nhiệm vụ, yêu cầu, giải pháp đấu tranh cụ thể, sát thực tiễn cơ quan, đơn vị mình. Cùng với đó, luôn coi trọng bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao ý chí của cán bộ, đảng viên trong đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cùng với những căn bệnh mà nó sinh ra. Kết hợp chặt chẽ giữa các hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục truyền thống với sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông đại chúng; tạo dư luận xã hội tích cực để ủng hộ cái đúng, đấu tranh, phê phán những biểu hiện chủ nghĩa cá nhân và hành vi sai trái, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên về nhận thức, thái độ và hành vi, nâng cao chất lượng các hoạt động, các mặt công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Hai là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng, cán bộ chủ trì và tổ chức quần chúng đối với cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”5. Vì thế, công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy đảng, cán bộ chủ trì các cấp và các tổ chức quần chúng có vai trò rất quan trọng trong quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên và phát hiện, xử lý kịp thời những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Để thực hiện tốt nội dung này, cấp ủy đảng, cán bộ chủ trì các cấp phải nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định chặt chẽ để đội ngũ cán bộ, đảng viên không thể nảy sinh những tư tưởng và hành vi của chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng, tiêu cực; đồng thời, thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ, khoa học và toàn diện cả về tư tưởng chính trị, động cơ, thái độ, năng lực công tác, phẩm chất đạo đức, lối sống và kết quả hoàn thành nhiệm vụ theo chức trách được giao. Quá trình thực hiện, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan, lực lượng chuyên trách và các tổ chức quần chúng; gắn kết chặt chẽ giữa công tác kiểm tra, giám sát với thi hành kỷ luật theo đúng quy định của Đảng. Cùng với đó, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt, đối thoại dân chủ để lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức quần chúng đối với cán bộ, đảng viên nhằm kịp thời phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với các biểu hiện chủ nghĩa cá nhân và hành vi tham nhũng, tiêu cực; có cơ chế khen thưởng để động viên, khích lệ và bảo vệ đối với cá nhân, lực lượng tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh này.
Ba là, phát huy vai trò tích cực, chủ động của cán bộ, đảng viên trong nhận diện và đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Trong đời sống xã hội, mỗi con người đều có mặt tốt và điểm yếu không thể tránh khỏi, vấn đề đặt ra là “... phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu bị mất dần đi,...”6 theo như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo đó, trong các hoạt động, mỗi cán bộ, đảng viên Quân đội phải luôn nhận thức đầy đủ những biểu hiện và tác hại của chủ nghĩa cá nhân; từ đó, đặt ra những yêu cầu cao trong tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức cách mạng, có thái độ cầu thị trong tiếp thu ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên, quần chúng trong đơn vị, không ngừng tự hoàn thiện về mọi mặt; đồng thời, phải luôn tự vượt qua chính mình và dũng cảm trong đấu tranh với biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, tiêu cực trong đơn vị. Trong điều kiện hiện nay, việc phát huy vai trò tích cực, chủ động của cán bộ, đảng viên Quân đội trong đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân phải quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 847 của Quân ủy Trung ương gắn với thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là: Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới; các quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Quân ủy Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung,… nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng và đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân.
Bốn là, kết hợp chặt chẽ giữa tự phê bình và phê bình, “tự soi, tự sửa” của cán bộ, đảng viên với kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện chủ nghĩa cá nhân. Việc tự phê bình và tự đấu tranh với chính mình và với người khác để có nhận thức và hành động đúng, nhân văn, tiến bộ; đồng thời, loại bỏ cái xấu, cái tiêu cực, lạc hậu ra khỏi mỗi cá nhân, tổ chức và môi trường Quân đội là yêu cầu quan trọng trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay. Mặc dù chúng ta đã đề cập nhiều, nhưng thời gian qua, việc thực hiện vấn đề này ở nhiều cơ quan, đơn vị vẫn còn có biểu hiện hình thức, né tránh, ngại va chạm, không dám đấu tranh, v.v. Vì thế, khắc ghi lời dạy của Bác Hồ: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”7, các cấp ủy đảng cần tiến hành hiệu quả các hình thức sinh hoạt tự phê bình và phê bình, “tự soi, tự sửa” của cán bộ, đảng viên. Chú trọng phát huy dân chủ, thái độ thẳng thắn, trung thực của cán bộ, đảng viên trong tự phê bình và phê bình; chống biểu hiện ngại đấu tranh, dẫn đến nội bộ hiềm khích, nghi kỵ lẫn nhau; hoặc lợi dụng phê bình, “tự soi, tự sửa” để thực hiện mưu đồ cá nhân. Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải nêu gương về tự phê bình và phê bình, “tự soi, tự sửa” về thực hành đạo đức cách mạng và đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân cho cấp dưới và quần chúng học tập, noi theo.
Khi phát hiện trong cán bộ, đảng viên có những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, như: thiếu trách nhiệm, vụ lợi cá nhân, tham nhũng, tiêu cực,... các cấp ủy đảng phải kiên quyết đấu tranh, xử lý kịp thời nhằm đảm bảo sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng và kỷ luật Quân đội. Tránh tình trạng bao che, giấu giếm khuyết điểm, không tạo được sự răn đe đối với người vi phạm, không có tác dụng ngăn ngừa, cảnh tỉnh trong cơ quan, đơn vị; làm giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên Quân đội hiện nay.
Đại tá, TS. VŨ ĐÌNH ĐẮC, Trường Sĩ quan Chính trị
Chủ nghĩa cá nhân là căn bệnh rất nguy hiểm cần phải điều trị triệt để
Trả lờiXóa