Đôi khi tôi viết một vấn đề gì đó, đọc lại mới thấy mình “rất phạm thượng”, đôi khi lại thấy mình rất vô duyên vì cứ “múa rìu qua mắt thợ”. Như hình đại diện trên facebook, tôi đã bộc lộ cái mong muốn của tôi là, “được chiêm nghiệm những sự việc xảy ra quanh mình” để rồi từ đó tạo cho riêng mình một nhận thức về sự việc đó qua con mắt của một anh công nhân. Thế thôi. Chính vì thế, nếu có ai đọc các bài viết của tôi, hoàn toàn chẳng có chút lý luận nào, vì có biết gì đâu mà viết!
Hôm nay bàn về chuyện “cái gốc của văn hóa”, hay nói đúng hơn, phải là “văn hóa là cái gốc”. Khi còn tại thế, cụ Hồ đã nói “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, và để khai triển tư tưởng Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Phú Trọng đã có một bài nói về văn hóa, trong đó có câu, “văn hóa còn thì dân tộc còn; văn hóa mất thì dân tộc mất”. Trong bài này tôi không nói về sự tồn vong của dân tộc, mà tôi muốn nói, văn hóa là cái gốc của mọi vấn đề.
Một điều tôi có thể chiêm nghiệm được, đó là các dân tộc có nền văn hóa khác nhau thì cái “nội hàm” (hay là gì đó mà tôi không tìm được từ thích hợp) cũng khác nhau.
Đã có lần tôi viết, nền tự do dân chủ và nhân quyền của quốc gia khác nhau, dù có là nền dân chủ tổng thống, dân chủ nghị viện hay quân chủ lập hiến cũng vậy. Ngay hai quốc gia có nền dân chủ tổng thống như Mỹ và Nga cũng không giống nhau. Ở Mỹ, tổng thống không có toàn quyền quyết định các vấn đề của quốc gia và về thực chất họ không chịu trách nhiệm trước nhân dân, mà chịu trách nhiệm trước những thế lực đã đặt họ vào chiếc ghế tổng thống, mọi người gọi thế lực đó là “Deepstate”. Còn tổng thống của nước Nga, ông ấy có đủ quyền hành tối thượng, chịu trách nhiệm trước đất nước, trước dân tộc Nga về tất cả những gì mà ông ấy đã quyết định.
Một khi anh đã chịu trách nhiệm trước ai thì tự do, dân chủ và nhân quyền sẽ được đem đến cho đối tượng đó. Từ đó suy ra, đảng cầm quyền cũng vậy. Người ta nói độc đảng là độc tài – có nghĩa là một khi chỉ có một đảng lãnh đạo thì dân nước đó không có tự do, dân chủ và nhân quyền. Họ đã “lớn cái nhầm”. Vấn đề là phải coi đảng ấy phục vụ cho ai, đem quyền lợi đến cho đối tượng nào? Vậy thôi.
Quay trở lại chuyện cái gốc văn hóa. Vấn đề này lớn lắm đó, vì văn hóa của một dân tộc được thể hiện trên mọi lĩnh vực hoạt động, nó len lỏi vào từng ngõ ngách của xã hội, vì thế mới có câu “văn hóa còn thì dân tộc còn” là vậy.
Văn hóa Mỹ đề cao chủ nghĩa vị kỷ, có thể nói một cách thô thiển là “vơ mọi thứ vào cho mình”. Một khi những người lãnh đạo đất nước có thêm thói dối trá, lừa lọc, tham lam thì chủ nghĩa vị kỷ được đẩy lên đến nấc thượng thừa. Ông cựu tổng thống Donald Trump với khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết”, đó là chủ nghĩa vị kỷ, song ông ấy không (hoặc chưa thể hiện) thói dối trá… nên chưa gây ra một cuộc chiến tranh nào. Còn ông già Biden thì có đủ cả các thói hư tật xấu nên mới lôi kéo cả khối NATO đối đầu với nước Nga. Kết cục, giới tài phiệt Mỹ thì giàu lên mà dân các nước đồng minh của Mỹ thì nhận được một cuộc sống khó khăn hơn trước.
Chủ nghĩa vị kỷ, là một nền văn hóa không chỉ mong muốn áp đặt lên quốc gia khác, mà ngay trong nước Mỹ, thứ chủ nghĩa đó đã đề cao lối sống “cá lớn nuốt cá bé”. Ngay từ khi người Anglo Saxon chiếm đất của người da đỏ bản địa, chiếm đoạt tất cả tài nguyên của họ, tạo nên những tập đoàn công, nông nghiệp, tài chính do những ông chủ da trắng điều hành. Quyền tự do chiếm đoạt ấy được dành cho giới tinh hoa, còn người dân bản địa và những người từ quốc gia khác di cư đến Mỹ biến thành những kẻ làm thuê, phụ thuộc vào những nhà giàu chỉ chiếm 1% dân số Mỹ. Đó là tự do, dân chủ và nhân quyền của Mỹ, đó cũng là văn hóa Mỹ.
Văn hóa phương đông (như có lần tôi đã viết) khác hẳn với văn hóa phương tây. Một khi các nền văn hóa khác nhau thì khái niệm về tự do, dân chủ, nhân quyền cũng khác nhau. Những người cầm quyền Mỹ không thể áp đặt tiêu chuẩn và khái niệm về ba thứ quyền này cho bất kỳ nước nào khác. Ở Mỹ, người ta đề cao chủ nghĩa cá nhân, ở Việt Nam ta thì “mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Rõ ràng là khác nhau như ngày và đêm, như nước với lửa vậy làm sao mà hòa hợp với nhau được?
Viết tới đây tôi lại nhớ đến bộ phim “Ba chàng ngự lâm pháo thủ - Les trois mousquetaires” của Pháp do nhà văn Alexandre Dumas “cha”, viết kịch bản. Trong đó có câu, “Một người vì mọi người, mọi người vì một người” (Un pour tous, tous pour un). Không biết câu khẩu hiệu mà Việt Nam ta thường kêu gọi “mọi người vì…” có xuất phát từ đây không?
Tự do, dân chủ hay nhân quyền là gì thì phải được nhân dân quốc gia đó chấp nhận, chứ còn ép người ta uống thứ thuốc của nước khác đem đến, có khi sau khi bị ép buộc đưa vào miệng, người ta lại nhổ ra, chẳng may trúng mặt kẻ ép người ta uống. Tôi muốn nói đến một quốc gia nhỏ bé trên dẫy núi Himalaya – Bhutan với dân số chưa tới 1 triệu người, thu nhập bình quân đầu người chỉ có 1.800 USD/năm (bằng một nửa của Việt Nam ta). Thế mà chính quốc gia này lại giữ ngôi đầu bảng trong những nước hạnh phúc nhất thế giới. Còn trong số các nước công nghiệp phát triển thì Phần Lan là quốc gia dẫn đầu, trong khi đó, giàu có như nước Mỹ cũng chỉ ở thứ 15/30. Như vậy mới thấy rằng, nhiều tiền chưa chắc đã hạnh phúc.
Trong một quốc gia cũng có những nền văn hóa khác nhau, nơi này thì do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, nơi khác lại được thiên nhiên ưu đãi nên tạo thành tính cách con người khác nhau và văn hóa ứng xử cũng khác nhau. Các dân tộc sinh sống ở miền núi, cũng có nền văn hóa khác nhau. Như dân tộc Vân Kiều ở Quảng Trị vẫn giữ chế độ mẫu hệ. Vậy nói kêu gọi “giải phóng” hoặc bình đẳng giới thì “giải phóng” ai đây? Người phụ nữ hay người đàn ông? Rồi đồng bào Mán đỏ ở Lào Cai lại có phong tục đi tìm chồng tìm vợ vào mỗi phiên chợ, vậy ta áp dụng văn hóa nào. Tiêu chuẩn tự do, dân chủ, nhân quyền là gì?
Cho nên, xin đừng ai cứ nhất mực phải đòi cho được cái thứ tự do, dân chủ, nhân quyền phương tây. Đó là thể hiện sự thiếu hiểu biết. Đơn giản như trong cách ăn trong mỗi bữa cũng đã khác nhau rồi. Người phương tây dùng nĩa, thìa để ăn, trong khi người phương đông lại dùng đũa, có dân tộc lại ăn bốc. Đã một lần tôi đi Sri Lanka, ngồi ăn chung mâm với một ông bộ trưởng của nước nọ, tôi rất ngạc nhiên vì ông ấy vẫn ăn bốc. Đó là văn hóa, không thể đồng nhất được. Phải tôn trọng sự khác biệt nếu sự khác biệt đó không đe doạ đến sự tồn vong của quốc gia, như thế mới thực sự là tự do, dân chủ và nhân quyền.
Nhưng các bác làm công tác văn hóa ơi. Văn hóa không phải chỉ là phim ảnh, kịch cọt, báo chí đâu đấy nhé. Văn hóa ứng xử trên đường, ở nhà, trong đời sống của con người và với đất nước nữa, nhưng tôi cứ thấy thiếu thiếu cái gì ấy các bác ạ./.
Hình trong bài: Phụ nữ Vân Kiều lao động chính của gia đình (trên); Mhững cô gái Bhutan (dưới).
Ngày 10/08/2023
Ngã Thị Dã
bài rất hay
Trả lờiXóa