Chủ Nhật, 6 tháng 8, 2023
“Căn bệnh” sợ trách nhiệm của cán bộ - Mối nguy hại cần chữa trị ngay
Trải qua các thời kỳ cách mạng, đội ngũ cán bộ của Đảng ta cơ bản luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, dám xả thân vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, hầu hết đội ngũ cán bộ đều phát huy tốt vai trò tiền phong, gương mẫu trong chiến đấu và công tác, luôn giành phần khó khăn, gian khổ nhất về mình, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, câu chuyện “cán bộ sợ trách nhiệm” được bàn thảo nhiều trên các diễn đàn; được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước phê bình, nhắc nhở, chấn chỉnh nhiều lần trong các cuộc họp, các văn bản chỉ đạo. Phát biểu bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII), đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc đến tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm, né tránh trách nhiệm: cái gì có lợi thì kéo về cho cơ quan, đơn vị và cá nhân mình; cái gì khó khăn thì đùn đẩy ra xã hội, cho cơ quan khác, người khác. Đồng chí chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí sợ trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn là vấn đề rất đáng lo ngại, diễn biến phức tạp, không thể chủ quan, lơ là”. Đây là thực trạng rất đáng lo ngại, tác động tiêu cực đến sự vận hành của hệ thống cơ quan, tổ chức và trong thực thi công vụ. Nó làm cho công việc bị chậm chễ, ách tắc; nhiều cơ hội đầu tư bị bỏ lỡ; nhiều công trình bị triển khai chậm tiến độ; nhiều nguồn vốn đầu tư công không được giải ngân đúng kế hoạch; nhiều vấn đề bức xúc trong xã hội không được giải quyết kịp thời, v.v. Đặc biệt, người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị sợ trách nhiệm sẽ làm cho cán bộ, nhân viên thuộc quyền thiếu niềm tin, thiếu năng nổ, thiếu nhiệt huyết, làm việc cầm chừng, không muốn cống hiến; bởi họ có tham mưu, đề xuất, hiến kế những ý tưởng, cách làm mới, sáng tạo, đột phá cũng không được người lãnh đạo, quản lý của mình ghi nhận, ra quyết định triển khai trên thực tế. Rộng hơn, cán bộ sợ trách nhiệm sẽ làm giảm sút năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng và sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; làm cản trở sự phát triển của đất nước; làm sa sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, v.v. Đây là nguyên cớ để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng.
“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Vì vậy, sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm, thiếu trách nhiệm của cán bộ ở những cấp độ khác nhau đều hết sức nguy hại, tác động tiêu cực đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm, thiếu trách nhiệm là vấn đề bức xúc hiện nay, gây nên những hệ lụy nghiêm trọng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương. Việc cán bộ sợ trách nhiệm có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng do chủ quan là chính, thuộc về trách nhiệm của cả cá nhân và tổ chức. Để khắc phục, cần có cơ chế, chính sách đúng đắn và tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp: kết hợp giữa tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục và biện pháp hành chính, kỷ luật, kỷ cương; giữa quản lý, giáo dục, rèn luyện của tổ chức và ý thức tự học, tự rèn, tự tu dưỡng của bản thân cán bộ.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
sợ trách nhiệm thì không nên làm cán bộ nữa
Trả lờiXóa