Ngày 15-7-1967, Bộ Chính trị mở phiên họp bất thường do Bí thư thứ nhất Lê Duẩn chủ trì, quyết định lưu giữ thi hài Bác lâu dài và sẽ xây một ngôi lăng của Người.
Sau sinh nhật lần thứ 77, sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh có dấu hiệu giảm sút rõ rệt. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị đã có cuộc họp bất thường, khẩn trương và bí mật do Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn chủ trì. Cuộc họp đã bàn hai việc quan trọng. Một là, tiếp tục bằng mọi cách chăm lo sức khỏe của Bác. Mặt khác, không thể tránh khỏi quy luật của tạo hóa, tuổi Bác ngày càng cao mà bệnh tình như vậy có thể không lâu nữa Người sẽ “nằm xuống”. Do đó phải tính tới việc tổ chức lễ quốc tang và có ngay quyết định lưu giữ thi hài Bác lâu dài cho nhân dân cả nước, nhất là nhân dân miền Nam được thấy hình ảnh thật của Bác.
Chính vì vậy, để đáp ứng nguyện vọng của toàn dân, Bộ Chính trị quyết định lưu giữ thi hài Bác lâu dài và sẽ xây một ngôi lăng của Người. Quân ủy Trung ương được trao nhiệm vụ lưu giữ thi hài Bác nếu vạn nhất Người “nằm xuống”. Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng) được trao cho vai trò chủ yếu trong việc xây dựng lăng, với yêu cầu công trình phải làm sao tương xứng với công lao trời biển của Bác, với uy tín và lòng kính phục Bác của nhân dân ta và bạn bè thế giới. Trong phân công nhiệm vụ, Bộ Chính trị chỉ định đồng chí Nguyễn Lương Bằng (sau này được bầu là Phó chủ tịch nước) trực tiếp theo dõi và chăm sóc sức khỏe Bác hằng ngày.
Đồng chí Lê Thanh Nghị (Phó thủ tướng Chính phủ) được phân công bí mật, thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ sớm sang Liên Xô, đề nghị bạn giúp đỡ ta đào tạo gấp một số cán bộ y tế chuyên về lưu giữ thi hài. Đồng thời giúp ta những phương tiện chuyên dùng và thuốc men đặc biệt cần thiết cho công việc này. “Sau cuộc họp chỉ vài ngày, cha tôi đã lên đường đi Liên Xô. Ông kể rằng, trong các cuộc hội đàm, mọi yêu cầu của ta về đề nghị giúp đỡ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã được bạn đồng ý. Đồng thời, Chính phủ Liên Xô cũng cam kết sẵn sàng đào tạo cán bộ y tế cho Việt Nam về chuyên môn sâu”, bà Lê Thanh Bình-con gái của đồng chí Lê Thanh Nghị cho biết.
Về nước, đồng chí Lê Thanh Nghị báo cáo Bộ Chính trị, giao cho Quân ủy thành lập gấp tổ y tế gồm 3 bác sĩ: Lê Ngọc Mẫn (Chủ nhiệm Khoa Nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai), Nguyễn Gia Quyền (Chủ nhiệm Khoa Giải phẫu bệnh, Quân y viện 108-nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) và Lê Điều (phụ trách Khoa Ngoại, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô), đưa sang Liên Xô để học về lưu giữ thi hài lâu dài. Tháng 8-1968, sau 7 tháng học tập ở nước bạn, tổ y tế về đến Hà Nội.
Bác sĩ Lê Ngọc Mẫn được điều ngay sang nơi Bác ở, cùng với bác sĩ Nhữ Thế Bảo đã ở đây từ lâu để chăm sóc sức khỏe cho Bác. Các bác sĩ Nguyễn Gia Quyền và Lê Điều được Quân ủy bổ sung vào Tổ y tế đặc biệt mới thành lập, do bác sĩ Quyền làm Tổ trưởng, có nhiệm vụ chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và bí mật làm các thực nghiệm khoa học trong điều kiện nước ta, để khi Bác “nằm xuống” có thể chủ động được công việc nếu chuyên gia Liên Xô chưa sang kịp.
Tại nhà riêng ở ngõ 38 đường Xuân La (Hà Nội), Đại tá, bác sĩ Lê Điều, thành viên của Tổ y tế đặc biệt năm xưa kể với chúng tôi: “Ngay khi được Trung ương cử sang Liên Xô học tập kỹ thuật bảo quản thi hài, 3 người chúng tôi biết rằng đây là bước chuẩn bị cho một nhiệm vụ đặc biệt đang chờ chúng tôi trở về đảm nhận. Mọi việc tiến hành gần như song song. Quân ủy đã quyết định làm một cơ sở thí nghiệm dựa vào Khoa Giải phẫu bệnh lý của Quân y viện 108 giao cho tổ phụ trách, mang mật danh 75A. Ngoài ra còn làm một cơ sở tương tự ở ngay Hội trường Ba Đình để đưa thi hài Bác từ 75A tới làm lễ quốc tang mang mật danh 75B”.
Sáng 2-9-1969, như có linh cảm nào đó mà trừ những người đi công tác xa, các đồng chí trong Bộ Chính trị đều tới thăm Bác khá sớm, dù trời mưa từ đêm vẫn chưa tạnh. Các đồng chí phục vụ ở nhà H67 đã căng sẵn bạt trước nhà và bày nhiều ghế. Mọi người đến khá đông, nhưng không một tiếng nói to, không khí im lặng bao trùm. Hơn lúc nào hết, các bác sĩ đã biết được tình thế khó biến chuyển. Bác bắt đầu thở gấp, các cơn đau dữ dội kéo đến. Mọi cố gắng day, xoa lồng ngực hồi sức cho Người đều không có hiệu quả. Bác sĩ Nhữ Thế Bảo nhấc điện thoại quay số máy đặc biệt gọi gấp về 75A, nghẹn ngào: “Chuẩn bị!...”.
Lúc đó ở 75A, các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Lê Quang Đạo, Phùng Thế Tài, Trần Kinh Chi cùng Tổ y tế đặc biệt cũng đã nhận được chỉ thị từ đêm trước, sẵn sàng đợi lệnh. Đúng 9 giờ 47 phút sáng 2-9, đồng chí Phùng Thế Tài là người đầu tiên nhận được tin, dù có tiếng là vô cùng gan góc mà lúc ấy ông cũng đã bật khóc. Nhưng rồi nhanh chóng nén lại, ông ra lệnh: “Tất cả về vị trí”. Thế là cán bộ, chiến sĩ, mặt còn đầy nước mắt và cả sự bàng hoàng, đều bật dậy nghiêm trang đáp: “Sẵn sàng!”.
Khi Bác mất, Tổ y tế đặc biệt đã cùng chuyên gia Liên Xô triển khai thực hiện tốt ngay từ những giờ đầu nhiệm vụ giữ gìn thi hài của Người. Sau lễ truy điệu, việc bảo vệ và giữ gìn thi hài Bác vẫn do Quân đội đảm trách theo nghị quyết của Bộ Chính trị. Từ đây, nhiệm vụ chính thức được giao cho Tổ y tế đặc biệt, lúc này đã có khoảng 30 thành viên cùng sự hỗ trợ trực tiếp, tại chỗ của các chuyên gia bạn.
“Từ Tổ y tế đặc biệt, một thời gian sau, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn 69-đơn vị tiền thân của Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nay. Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong điều kiện chiến tranh ác liệt, thi hài Bác phải di chuyển nhiều lần nhưng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn bảo đảm giữ gìn thi hài Bác tuyệt đối an toàn, tạo ra những tiền đề rất cơ bản cho các giai đoạn tiếp theo. Ngày 2-9-1973, công trình lăng được khởi công xây dựng. Bộ Quốc phòng và Bộ Xây dựng được giao là lực lượng chủ công, nòng cốt trong quá trình tổ chức thi công. Sau khi khánh thành Lăng Bác, Viện 69 (thuộc Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) có nhiệm vụ trọng tâm là cùng các chuyên gia Liên Xô trực tiếp tiến hành những biện pháp y tế chăm sóc, giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài của Người phục vụ nhân dân và khách quốc tế thăm viếng”, bác sĩ Lê Điều cho biết.
Ngày 29-8-1975, sau hai năm kể từ ngày khởi công xây dựng và sau hơn 3 tháng miền Nam giải phóng, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được khánh thành trọng thể, chính thức mở cửa đón khách đến thăm viếng. Đây là một kỳ đài lịch sử của thế kỷ 20, công trình của lòng dân-ý Đảng, của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Nói về việc phát huy ý nghĩa của công trình Lăng trong điều kiện hiện nay, mới đây chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Đinh Quốc Hùng, Bí thư Đảng ủy Đoàn 969, Chính ủy Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh khẳng định: “Từ khi mở cửa Lăng đến nay, đơn vị đã đón tiếp, phục vụ chu đáo, an toàn cho 70 triệu lượt người, trong đó có 11 triệu lượt khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; hàng nghìn hoạt động quan trọng của Đảng, Nhà nước, các buổi mít tinh, diễu binh, diễu hành mừng những ngày lễ lớn của dân tộc; các sinh hoạt chính trị, văn hóa của những tổ chức chính trị, đoàn thể... Điều đó đã cho thấy ý nghĩa và giá trị đặc biệt của công trình Lăng. Giá trị ấy không phải ở sự nguy nga, tráng lệ của Lăng Bác mà bởi ở đó đang giữ gìn và lan tỏa những giá trị của một vĩ nhân đã đi vào lịch sử nhân loại-nơi hội tụ tình cảm, niềm tin thiêng liêng và cao quý!”.
St
bài viết rất ý nghĩa
Trả lờiXóa