Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2023

CÓ BAO NHIÊU ĐẢNG VIÊN KHI ĐẢNG TA THÀNH LẬP?


Có bao nhiêu đảng viên khi đảng ta mới thành lập? Đó là câu hỏi được nhiều người quan tâm.
Thực tế cho thấy, năm 1929, khi đang hoạt động ở Xiêm, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh được nghe báo cáo về tình hình không thống nhất giữa các tổ chức cộng sản ở trong nước và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên bị tan rã, Nguyễn Ái Quốc từ Xiêm tới Trung Quốc vào ngày 23-12-1929. Người triệu tập đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng họp tại Hồng Kông để bàn việc hợp nhất việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị nhất trí tiến hành theo chương trình: Tự phê bình và phê bình về những thành kiến của các tổ chức cộng sản dẫn đến tình trạng xung đột, công kích lẫn nhau. Hội nghị thảo luận, tán thành ý kiến chỉ đạo của Nguyễn Ái Quốc, thông qua kế hoạch thành lập một Đảng cộng sản lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam; thống nhất phương pháp cử Ban Trung ương lâm thời: Bắc Kỳ, Trung Kỳ có 5 ủy viên do Đảng Cộng sản Đông Dương cử; Nam Kỳ có 2 ủy viên do Đảng Cộng sản Đông Dương và An Nam Cộng sản Đảng cử. Tổng số ủy viên Ban Trung ương lâm thời là 7.
Trong Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản của đồng chí Nguyễn Ái Quốc ngày 18-2-1930, có viết ngoài Ban Trung ương lâm thời gồm có 7 ủy viên chính thức, ngoài ra còn có 7 ủy viên dự khuyết. Về các đảng viên khi tham gia thành lập trực tiếp tại Hội nghị có: “hai đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng là Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức cảnh, hai đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng là Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu. Do chưa nhận được tin Đông Dương Cộng sản Liên đoàn mới được thành lập, nên lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc không triệu tập tổ chức này dự Hội nghị”.
Theo đồng chí Hà Huy Tập trong tác phẩm “Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương” cho biết: “Công việc thống nhất thực sự chỉ tiến hành vào tháng 2-1930 và kéo dài trong nhiều tuần lễ. Các tổ chức sau đây gia nhập tập thể vào Đảng Cộng sản Việt Nam thống nhất: Đông Dương Cộng sản Đảng (85 đảng viên), An Nam Cộng sản Đảng (61 đảng viên), Tân Việt Cộng sản Liên đoàn (119 đảng viên) và phân bộ Đảng Cộng sản Tàu ở Đông Dương (300 đảng viên). Như vậy là khi thống nhất, đảng có 565 đảng viên, phân ra làm 40 chi bộ. Cần nói thêm là khi thống nhất, còn có 40 người cộng sản Đông Dương ở Xiêm và 14 ở Hồng Công”. Báo cáo của đồng chí Hà Huy Tập cũng cho biết số lượng Ban Chấp ủy Trung ương lâm thời là 7 ủy viên chính thức và 7 ủy viên dự bị khuyết, gồm toàn đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng. (Hồng Thế Công (Hà Huy Tập), Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương, in trong Văn kiện Đảng toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr.409).
Như vậy, với số Đảng viên nhỏ bé ban đầu, đến nay đảng ta đã có trên 5 triệu đảng viên sau hơn 90 năm hình thành và phát triển. Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản năm 1930 đã “đóng một vai trò lịch sử to lớn” (Hồng Thế Công). Như đồng chí Hà Huy Tập đã viết: “Hội nghị đã có sáng kiến thống nhất các lực lượng cộng sản lại, đã cố gắng tập trung phong trào cộng sản, tạo cho nó một trung tâm duy nhất góp phần làm cho công cuộc tranh đấu phát triển thuận lợi, những điều ấy đã ứng đáp được một yêu cầu của lịch sử và đó là một công lao lớn” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và những lớp đảng viên đầu tiên kiên trung của Đảng. Thực tiễn đã chứng minh, với khoảng 5.000 đảng viên sau 15 năm thành lập Đảng đã lãnh đạo cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam./.

1 nhận xét: