Theo tinh thần “7 dám” mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương yêu cầu và giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội, thì tinh thần dám chịu trách nhiệm là một trong những yêu cầu cao nhất, đặt ra cho mỗi cán bộ, đảng viên. Dám chịu trách nhiệm vừa là yêu cầu, vừa là phẩm chất cần thiết phải có của người cán bộ, nhất là người chỉ huy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Chỉ có tinh thần dám chịu trách nhiệm, chúng ta mới có thể mở đường, khai thông những bế tắc, tạo ra những hướng đi mới.
Dám chịu trách nhiệm và có trách nhiệm là hai tính chất, mức độ, yêu cầu khác nhau. Người có trách nhiệm là người luôn suy nghĩ, hành động và làm việc với tinh thần, thái độ nghiêm túc, có ý chí, quyết tâm cao và nỗ lực hết mình để hoàn thành công việc.
Người dám chịu trách nhiệm là người dám nhận, dám làm và sẵn sàng chấp nhận những điều bất lợi cho bản thân. Có thể đó là những nghi kỵ, hiểu lầm của đồng chí, đồng đội. Cũng có thể đó là những hình thức kỷ luật của cơ quan, đơn vị và tổ chức. Bởi khi đã dám chịu trách nhiệm, là nói đến những vấn đề hệ trọng, cấp bách mà người đứng đầu, người lãnh đạo, chỉ huy đơn vị phải ra quyết sách và triển khai hành động. Trong những tình thế mà không được sự đồng thuận của số đông, có nhiều ý kiến trái chiều, phản biện, hoặc đang đứng trước nhiều sự lựa chọn thì rất cần thiết, người đứng đầu phải đứng lên chịu trách nhiệm để đưa ra quyết định.
Trong những tình huống đó, không phải ai cũng đủ bản lĩnh, dũng khí để hành động. Người cán bộ, chỉ huy, người đứng đầu hay người lãnh đạo khi đưa ra quyết định, là họ nhân danh tập thể, đại diện cơ quan, đơn vị, tổ chức, đại diện quốc gia, dân tộc và chịu trách nhiệm trước những hành động, việc làm của mình. Do đó, khi đưa ra quyết định và dám chịu trách nhiệm, cần có thái độ cẩn trọng, nghiêm túc, tránh những quyết định vội vàng, dám chịu trách nhiệm một cách hời hợt, qua loa, đại khái.
Trong môi trường quân đội, tinh thần dám chịu trách nhiệm của người chỉ huy rất quan trọng. Bởi, trong thực tế hoạt động quân sự, luôn có những tình huống phát sinh, đột xuất. Trong những tình huống đó, người chỉ huy khi điều hành đơn vị cần linh hoạt xử lý tình huống và dám chịu trách nhiệm trước những quyết định của mình. Nếu người cán bộ, đảng viên không dám chịu trách nhiệm, sẽ dẫn đến tình trạng đùn đẩy, bàn lùi, không dám nhận công việc, không dám đưa ra quyết định, không dám hành động trước thực tế đang thay đổi. Như vậy, quả bóng trách nhiệm sẽ được đưa đẩy, chuyền đi chuyền lại hết người này qua người khác, mà cuối cùng không ai dám nhận. Như thế, công việc sẽ luôn trong tình trạng trì trệ, bế tắc. Những tình huống phát sinh sẽ không được giải quyết kịp thời, dẫn đến đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ.
Người dám nhận trách nhiệm và dám chịu trách nhiệm là người có nhiệt huyết, vì lợi ích chung, có tinh thần can đảm, có dũng khí. Bởi đôi khi, những người tiên phong dám nhận và dám chịu trách nhiệm, họ sẽ phải trả giá bằng sinh mạng chính trị của mình. Một quyết sách đưa ra, một việc làm được triển khai, đôi khi phải mất thời gian dài có thể vài năm, thậm chí vài chục năm, trải qua thực tiễn mới kiểm nghiệm là đúng.
Với tinh thần dũng cảm, tiên phong dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Tổ quốc, trước nhân dân, chúng ta đã có được một thế hệ cán bộ, đảng viên và những người đứng đầu, những người lãnh đạo kiệt xuất. Họ đã có những quyết sách quan trọng làm thay đổi diện mạo đất nước. Đó là Thủ tướng Võ Văn Kiệt với tinh thần quyết đoán, dám chịu trách nhiệm khi quyết định triển khai đường dây cao thế 500KV đưa điện từ Bắc vào Nam.
Trên cương vị là Thủ tướng Chính phủ, Tổng Chỉ huy công trình, ông đã mạnh dạn quả quyết: “Nếu đóng điện không thành công sẽ xin từ chức”. Đó là tấm gương của Đại tướng Lê Đức Anh, khi làm Tư lệnh Quân khu 9 đã quyết định tổ chức chiến đấu, đẩy lui 75 tiểu đoàn địch, khi chúng mở cuộc hành quân “tràn ngập lãnh thổ”, đánh vào Chương Thiện. Mặc dù trong thời điểm đó, chưa có chủ trương của trên về tiến công quân sự. Nhưng với tinh thần dám chịu trách nhiệm và vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì sự sống còn của Tổ quốc, Tư lệnh Lê Đức Anh đã chỉ đạo lực lượng vũ trang Quân khu 9 không nhân nhượng trước sự tấn công, vi phạm Hiệp định Paris của quân thù.
Nhìn lại những tấm gương trong lịch sử cho thấy, tinh thần quyết đoán, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu, không phải là dám chịu trách nhiệm cho xong, cho vừa lòng tổ chức. Mà khi dám nhận và dám chịu trách nhiệm, đó là một sức nặng, một áp lực rất lớn đặt lên vai người lãnh đạo. Đó là trách nhiệm trước Đảng, trước Tổ quốc và trước nhân dân. Cũng vì thế, tinh thần dám chịu trách nhiệm phải được xuất phát từ cơ sở khoa học, từ tư duy, tầm nhìn chiến lược và tinh thần hết lòng vì đất nước, vì nhân dân.
Vậy để cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phát huy tinh thần dám chịu trách nhiệm, trước hết đòi hỏi tinh thần tự giác, gương mẫu, bản lĩnh tiên phong của mỗi người cán bộ. Cùng với đó, chúng ta cần từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo hành lang pháp luật bảo vệ cán bộ. Đó là cơ sở, nền tảng lâu dài, tạo ra sức lan tỏa, để cán bộ, đảng viên yên tâm dám nhận trách nhiệm và dám chịu trách nhiệm với bản thân, với công việc, với đơn vị. Mà cao hơn nữa là trước Đảng, trước Tổ quốc và nhân dân.
ST
bài rất thực tế
Trả lờiXóa