Thứ Hai, 7 tháng 8, 2023

Không thể phủ nhận những thành tựu về dân chủ và bản chất chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta

Phản bác những luận điệu xuyên tạc vấn đề dân chủ ở Việt Nam Giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch và bọn cơ hội chính trị coi vấn đề dân chủ là một “mũi nhọn” tập trung xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Những luận điệu xuyên tạc về dân chủ là đặc biệt nguy hiểm, dễ gây nên sự hoài nghi, dao động trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và bản chất, tính ưu việt của chế độ dân chủ nước ta. Vì vậy, cần phải chủ động đấu tranh, phản bác thủ đoạn này cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Vấn đề dân chủ không đứng riêng một cách biệt lập, mà được các thế lực thù địch xuyên xoáy, xen lồng trong các vấn đề nhân quyền, dân tộc, tự do tín ngưỡng, tôn giáo,… tạo “hợp lực” chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Những luận điệu xuyên tạc dân chủ được chúng thực hiện trên tất cả các lĩnh vực; trong đó, xuyên tạc dân chủ trên lĩnh vực chính trị là trọng điểm, mang tính bao trùm, được triển khai trên hai “mảng miếng”, hai hướng chính: thứ nhất, bóp méo, xuyên tạc những biểu hiện dân chủ trong đời sống hiện thực; thứ hai, xuyên tạc bản chất, căn nguyên của tình trạng “mất dân chủ”, “không có dân chủ” ở nước ta. Các luận điệu xuyên tạc được thực hiện với nhiều hình thức, biện pháp rất xảo quyệt và tinh vi, tạo nên “ma trận”, dàn “hợp xướng” tiến công ta từ nhiều phía. Chúng kết hợp bên trong và bên ngoài với nhiều lực lượng; kết hợp dùng “lý luận cao siêu” với kiểu “hàng tôm hàng cá”; kết hợp chống quan điểm với trực tiếp tiến công vào con người, tổ chức. Chúng ra sức lợi dụng những thiếu sót, khuyết điểm của ta; khai thác các thông tin trong nước và quốc tế liên quan để lồng ghép các luận điệu xuyên tạc. Các luận điệu họ đưa ra đều cố tỏ vẻ khách quan, khoa học, tâm huyết với vận mệnh quốc gia, dân tộc; khoác cái áo “nhà dân chủ”, “yêu nước” để chống phá, xuyên tạc. Họ triệt để lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng mạng xã hội để móc nối, tập hợp, huấn luyện các đối tượng, lập các trang, nhóm, tài khoản có số người theo dõi lớn nhằm lan truyền những luận điệu xuyên tạc. Không thể bóp méo, phủ nhận những thành tựu về dân chủ và bản chất chế độ dân chủ nước ta; không thể vu cáo Việt Nam “không có dân chủ”, “vi phạm dân chủ”, “mất dân chủ”. Thực tiễn cho thấy, kể từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đến nay, nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đứng lên làm chủ, tự mình tổ chức và xây dựng xã hội mới, chăm lo cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của chính mình; bản chất tốt đẹp và tính ưu việt của nền dân chủ nước ta ngày càng thể hiện sinh động, cụ thể trong cuộc sống của nhân dân. Người dân Việt Nam thấu hiểu những giá trị to lớn của độc lập, tự do, dân chủ, hiểu rõ quyền con người và cũng nhận rõ thế nào là dân chủ. “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước”. Đó là thành tựu vĩ đại của cách mạng, của nền dân chủ nước ta. Chỉ cần có cái nhìn khách quan, thiện chí thì sẽ hiểu được những thành tựu dân chủ mà nhân dân ta với bao mồ hôi, công sức và cả máu xương mới có được, thấu hiểu được xã hội Việt Nam là thực sự dân chủ. Những ai cố tình vu cáo Việt Nam “không có dân chủ”, “vi phạm dân chủ” cần thấy rằng: sau hơn 35 năm đổi mới, “thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; quyền làm chủ của nhân dân không chỉ thể hiện trong Hiến pháp, pháp luật, mà ngày càng thể hiện sinh động trong đời sống hiện thực trên tất cả các lĩnh vực. Đời sống cả về vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Nếu như năm 1989, quy mô nền kinh tế đất nước chỉ là 6,3 tỉ USD, thì năm 2022 đã đạt 409 tỉ USD, xếp thứ 37 thế giới, đứng thứ năm trong ASEAN và nằm trong nhóm 14 nước hàng đầu châu Á. Thu nhập bình quân đầu người những năm đầu đổi mới chỉ đạt khoảng 250 USD/năm, đến năm 2022 đã đạt 4.110 USD, đứng thứ năm trong ASEAN. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 03% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều, được Liên hợp quốc xếp là một trong những nước đứng đầu trong thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân được quy định rõ trong Hiến pháp, pháp luật, được tôn trọng và bảo đảm trên thực tế, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Mọi công dân đều “có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Hệ thống báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ với đội ngũ “khoảng 50.000 người đang làm việc trong lĩnh vực báo chí; gần 1.000 cơ quan báo chí thuộc 04 loại hình báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử, trong đó có 165 cơ quan báo, 663 tạp chí, 23 cơ quan báo điện tử độc lập, 02 đài phát thanh - truyền hình quốc gia, 64 đài địa phương, 05 kênh truyền hình3. Ở Việt Nam, có hơn 70% dân số dùng mạng xã hội với nhiều mạng xã hội lớn phổ biến như Facebook, YouTube, Lotus, Zalo, Twitter, Instagram, v.v. Những con số trên chưa phải là đầy đủ, nhưng nó đã khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ và sự thụ hưởng nền dân chủ nước ta. Không thể cho rằng, bầu cử ở Việt Nam “không dân chủ”?! Bởi, ở Việt Nam, mọi công dân đều có quyền bầu cử, có quyền tham gia quản lý xã hội một cách trực tiếp, hoặc thông qua người đại diện do mình lựa chọn. Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là hình thức dân chủ trực tiếp, là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng Nhà nước và cơ quan đại diện, cơ quan quyền lực nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Trong các cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao. Tỷ lệ đại biểu là nữ, người dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo trong Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp ngày càng nhiều. Việc thực hiện nguyên tắc dân chủ trong bầu cử đã tập hợp, phát huy trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng Nhà nước, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy công quyền. Các kênh bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được mở rộng và hiệu quả. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trở thành quy chế, thiết chế dân chủ; là phương châm hành động của người dân trong xây dựng hệ thống chính trị; là yêu cầu ứng xử của cán bộ trong tiếp xúc, quan hệ và chăm lo đến dân. Nhân dân là chủ thể mọi quyền lực; quyền lợi và nghĩa vụ, quyền hạn và trách nhiệm, cống hiến và hưởng thụ gắn bó chặt chẽ với nhau. Việc truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội; những cuộc tiếp xúc của các đại biểu với cử tri chuẩn bị cho các kỳ bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp, các luật,... đã thực sự tạo điều kiện tốt hơn cho người dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp và gián tiếp, thực thi quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của Nhà nước và đề đạt nguyện vọng, ý kiến của mình. Rõ ràng, chế độ dân chủ ở nước ta là chế độ: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”; là chế độ bảo đảm quyền làm chủ trên thực tế của nhân dân trong đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội,...; phát huy cao độ tính tích cực sáng tạo của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và thông qua Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Những ai ra rả kêu gọi hãy “mở rộng dân chủ” hơn nữa cần phải thấy rõ rằng: dân chủ bao giờ cũng gắn liền với chuyên chính, với pháp luật, kỷ luật. Bất cứ nền dân chủ nào cũng vậy, đó không phải là thứ vô nguyên tắc, càng không thể là vô chính phủ, mà phải “gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm”. Họ cũng cần phải thấy rằng: không có quyền lợi nào mà không có nghĩa vụ và ngược lại. “Quyền dân chủ, tự do của mỗi cá nhân không tách rời nghĩa vụ và trách nhiệm công dân”. Mọi sự lợi dụng dân chủ, gây mất ổn định chính trị - xã hội, làm tổn hại tới lợi ích quốc gia và cuộc sống bình yên của nhân dân là không thể chấp nhận, là trái với dân chủ, đều phải bị nghiêm trị. Thực thi dân chủ sai nguyên tắc, vô nguyên tắc là trái với bản chất dân chủ xã hội chủ nghĩa, có thể dẫn đến hậu quả khó lường. Luận điểm “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập” mà các thế lực thù địch tung ra như là một “tiền đề” và “yêu cầu” của thứ dân chủ mị dân, thực chất là nhằm tước bỏ tính chất xã hội chủ nghĩa của nền dân chủ nước ta. Những yêu sách đòi Việt Nam phải “khuôn” theo “mẫu hình” dân chủ tư sản phương Tây là không thể chấp nhận. Chúng ta không phủ nhận nhiều giá trị của dân chủ tư sản, nhưng nền dân chủ ấy, dù có được tô vẽ như thế nào, thì vẫn là dân chủ của giai cấp tư sản, nhằm bảo đảm sự thống trị, bóc lột của giai cấp tư sản đối với xã hội và lao động. Không thể xuyên tạc: sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là căn nguyên của tình trạng mất dân chủ, không có dân chủ. Với sự lựa chọn của lịch sử và bằng kiểm nghiệm thực tế, nhân dân Việt Nam đã lựa chọn và trao cho Đảng Cộng sản Việt Nam quyền duy nhất lãnh đạo, duy nhất cầm quyền ở nước ta. Hiến pháp - đạo luật cơ bản của nước ta không phải là tạo ra vị thế đó, mà đó là sự ghi nhận, khẳng định một thực tiễn chính trị - xã hội đã xác lập trong thực tế, không có lý do nào buộc chúng ta phải từ bỏ Điều 4 Hiến pháp. Đảng ta “là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”; “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích nào khác”. Đảng độc tôn lãnh đạo, cầm quyền chính là vì “lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc”. Vì thế, vấn đề “then chốt của chế độ dân chủ” nước ta không phải là từ bỏ sự lãnh đạo của Đảng, mà là khẳng định, củng cố và tăng cường sự lãnh đạo ấy trong thực tiễn. Từ bỏ sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, thực hiện đa đảng không những sẽ không dân chủ hơn mà còn dẫn tới đất nước mất ổn định, xã hội hỗn loạn, có thể rơi vào thảm họa như đã từng xảy ra ở một số nước.

1 nhận xét: