Thứ Ba, 22 tháng 8, 2023

‘Lò’ tiếp tục nóng và sự nghiêm minh với các vụ tham nhũng, tiêu cực

 

Những thành quả quan trọng đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân.

Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận số 12 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

 

Kết luận nêu trên căn cứ từ báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Kết luận số 10, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí (Kết luận 10).

 

Theo Kết luận số 12 của Bộ Chính trị, 5 năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận 10, tạo bước tiến rõ nét, đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về phòng, chống tham nhũng, lãng phí được nâng lên; từng bước hoàn thiện thể chế phòng ngừa tham nhũng; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng được chỉ đạo quyết liệt; tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn. Những thành quả quan trọng đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ.

Nhìn từ thực tế, sự nghiêm minh được thể hiện trong từng vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

 

Ngay như vụ Việt Á, từ cuối năm 2021, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực ra thông cáo về chủ trương chỉ đạo xử lý đối với vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á.

 

Theo đó, để xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân sai phạm, cảnh báo, răn đe mạnh mẽ hơn nữa để ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của nhân dân, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất đưa vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Tiếp sau đó là sự vào cuộc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ… Đến nay, vụ án đang dần được làm sáng tỏ với những tổ chức, cá nhân có vi phạm, có liên quan.

 

Những kết quả như trên được dư luận đồng tình, người dân ủng hộ, tuy nhiên, Kết luận số 12 của Bộ Chính trị vẫn thẳng thắn chỉ rõ, một số nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Kết luận 10 thực hiện vẫn còn chậm, hiệu quả chưa cao. Cụ thể, cơ chế, chính sách, pháp luật trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở, bất cập, chưa ngăn chặn hiệu quả tham nhũng, lãng phí. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn nhiều hạn chế, lãng phí trong cơ quan nhà nước và trong xã hội còn rất nghiêm trọng. Tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp chưa được ngăn chặn kịp thời. Vẫn còn xảy ra những vụ, việc tham nhũng nghiêm trọng, có tổ chức, rất tinh vi, phức tạp gây bức xúc trong dư luận.

 

Và trong những vi phạm có tính chất thách thức đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước mới đây, những xử lý nghiêm minh, kịp thời đã được thực hiện. Tiếp đến là quyết tâm làm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, xử lý nghiêm minh các hành vi thao túng. Một loạt những dấu hiệu vi phạm thao túng thị trường chứng khoán cũng như dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan việc phát hành trái phiếu, huy động tiền của nhà đầu tư đã được điểm tên, những cá nhân liên quan đã bị bắt giữ để điều tra.

 

Tuy nhiên, để tiếp tục đẩy mạnh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận 10; gắn bó chặt chẽ phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực; tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

 

Bộ Chính trị chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; thu hồi triệt để tài sản do tham nhũng mà có. Tiếp tục đẩy mạnh, tạo chuyển biến rõ rệt hơn nữa trong phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở; xử lý nghiêm những trường hợp nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

 

Và với thông điệp rất rõ, không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, nói như người dân ví, “lò” vẫn tiếp tục nóng. Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng chỉ đạo tăng cường quản lý, chống thất thoát, lãng phí trong quản lý vốn và sử dụng ngân sách nhà nước, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, vốn, tài sản của nhà nước ở các doanh nghiệp; đầu tư công, dịch vụ công. Từ đó, nhấn mạnh yêu cầu khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá cho phù hợp với thực tiễn.

 

Trong cuộc chiến này, vai trò của quần chúng nhân dân được đề cao. Nhân dân không chỉ là người giám sát, kiểm tra mà còn là tai mắt phát hiện tham nhũng. Vì thế, Bộ Chính trị yêu cầu phát huy hơn nữa vai trò của cơ quan, đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

 

Đặc biệt, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có bản lĩnh vững vàng, liêm chính, trung thực, có dũng khí bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai, có kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng chuyên sâu, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

 

Nghiêm túc thực hiện Kết luận số 12 càng củng cố niềm tin của nhân dân và công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng sẽ đạt được thêm những thành quả mới.

 

Nguyễn Đăng Tấn

1 nhận xét:

  1. Tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ; do đó phải chống tham những triệt để.

    Trả lờiXóa