Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2023

Loại bỏ thói xu nịnh trong cơ quan, đơn vị.


Từ xưa đến nay, trong xã hội đã hình thành nét văn hóa ứng xử để làm cho con người có những hành vi chuẩn mực với nhau hơn. Văn hóa ứng xử là nét đẹp của mỗi người được hình thành trong quá trình tương tác giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với cộng đồng, giữa các thế hệ thông qua hành vi giao tiếp (ngôn ngữ, cử chỉ) nhằm hướng tới các giá trị chân, thiện, mỹ.

Tuy nhiên, trong thực tế, bên cạnh những nét đẹp trong văn hóa ứng xử lại xuất hiện những hành vi lệch chuẩn như thói xu nịnh, làm ảnh hưởng đến nhân cách con người, gây nên những hệ lụy khó lường.

Thói xu nịnh có nhiều kiểu, nhiều cách, nhiều cấp độ khác nhau, với muôn hình vạn trạng, biến hóa khôn lường, nịnh trên, nịnh dưới, ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành trong các cơ quan, đơn vị, có khi tiềm ẩn rất lâu, đến một thời điểm nhất định nào đó mới bộc lộ. Kẻ nịnh trên thì thường chèn dưới, thích báo cáo vẽ vời, ba hoa, khoác lác. Họ sẵn sàng uốn lưỡi, cong lưng, hạ mình để được trọng dụng, cất nhắc, thăng quan tiến chức, lên lương, khen thưởng, thậm chí có thể được che chở khi “lâm nạn”…

Ngày nay, cùng với việc số người có bằng cấp ngày càng gia tăng, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thói xu nịnh cũng có sự “đổi mới”, đa dạng, phong phú và tinh vi hơn, nhiều người “mượn” cả phê bình để xu nịnh. Họ thường tùy cơ ứng biến, bất kể trường hợp nào cũng nịnh được, thậm chí nịnh rất hay, như câu chuyện sinh hoạt tại cơ quan công quyền có anh cấp dưới đứng lên hùng hồn phát biểu: “Tôi thẳng thắn phê bình thủ trưởng. Thủ trưởng làm việc nhiều quá, ảnh hưởng đến sức khỏe, mà sức khỏe của thủ trưởng là vốn quý của cơ quan”; hay họ mượn các cuộc rượu để nịnh nọt “Em kính thủ trưởng một ly!”, “Em kính sức khỏe sếp!”…

Người nịnh nọt và người ưa nịnh là hai mặt của một vấn đề. Có người nịnh bởi vì có người ưa nịnh.

Hai “đối tác” này kết thành phe cánh, tạo nguồn lợi cho nhau. Tuy nhiên, chúng ta cần khẳng định, người nịnh và người được nịnh đều tự làm mất nhân cách của họ.

Thói nịnh bợ gây tác hại không nhỏ. Nó làm cho chính người nịnh mất hết bản lĩnh, trở thành biến chất, thoái hóa.

Nó làm cho người được nịnh không đánh giá đúng bản thân mình, sinh ra chủ quan, tự mãn. Nếu người được nịnh là cán bộ có chức, có quyền thì có thể sẽ làm tổn hại đến công việc chung, dẫn đến đánh giá sai lệch cán bộ dưới quyền. Hậu quả là người tốt không được trọng dụng, người xấu lấn lướt lộng quyền và là một trong những nguyên nhân gây mất đoàn kết nội bộ, chia bè, kéo cánh trong cơ quan, đơn vị, làm suy yếu tổ chức…

Trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên khá nhiều khuyết điểm của không ít cán bộ, đảng viên, dẫn ra nhiều “căn bệnh”, trong đó có “bệnh xu nịnh, a dua”.

Bác khẳng định: Mắc những căn bệnh đó là do “kém tính đảng”, mắc một trong những bệnh đó “là hỏng việc”. Người căn dặn “chúng ta phải ráo riết dùng phê bình và tự phê bình để giúp nhau chữa cho hết những bệnh ấy”.

Giờ đây, khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, việc chống thói xu nịnh theo quan điểm của Bác cần phải được quán triệt sâu rộng trong Quân đội nói chung, trong Quân chủng nói riêng, theo đó các cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện tốt Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27-12-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt “Đề án văn hóa công vụ” và Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong các đơn vị Quân đội”, trọng tâm giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ có lối sống văn hóa lành mạnh, đạo đức cách mạng, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường giai cấp của người quân nhân cách mạng.

Thông qua xây dựng môi trường văn hóa, tạo phong trào tự giác rèn luyện của mọi quân nhân theo những chuẩn mực văn hóa, không ngừng củng cố mối quan hệ tốt đẹp, lành mạnh, hành vi ứng xử có văn hóa trong đơn vị, giải quyết mối quan hệ cấp trên, cấp dưới, đồng chí, đồng đội, giữa đơn vị với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương nơi đóng quân. Nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, đấu tranh loại bỏ thói xu nịnh và mọi biểu hiện ứng xử thiếu văn hóa; tạo môi trường và điều kiện tốt nhất cho bộ đội tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu vươn tới các giá trị chân, thiện, mỹ, góp phần xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong Quân đội.

Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì phải gương mẫu, đi đầu trong rèn luyện, phấn đấu theo các chuẩn mực về lối sống văn hóa, thực sự là tấm gương để cán bộ, chiến sĩ noi theo. Tự thân mỗi cán bộ, chiến sĩ phải luôn nghiêm khắc với bản thân, thường xuyên tỉnh táo, sáng suốt để không bị mê hoặc, quyến rũ bởi những lời lẽ vuốt ve, ngợi ca mình không đúng mực, đúng lúc, đúng chỗ của người khác; đồng thời cần tạo môi trường giao tiếp, ứng xử lành mạnh để mọi người trong tập thể được bày tỏ chính kiến, lập trường đúng đắn của mình, bảo đảm cho mỗi tập thể là một “Đơn vị văn hóa”, góp phần hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao

 

1 nhận xét:

  1. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì phải gương mẫu, đi đầu trong rèn luyện, phấn đấu theo các chuẩn mực về lối sống văn hóa, thực sự là tấm gương để cán bộ, chiến sĩ noi theo.

    Trả lờiXóa