Thứ Hai, 21 tháng 8, 2023

NHÀ SÀN BÁC HỒ - DẤU ẤN 65 NĂM

 Những ai từng đến thăm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, hẳn sẽ không thể quên vẻ đẹp mộc mạc, đơn sơ mà vô cùng gần gũi, thân thương của ngôi nhà sàn khiêm nhường nép mình dưới những tán cây xanh mát.

Đây là ngôi nhà cuối cùng mà Bác Hồ đã ở và làm việc trong suốt 11 năm cuối đời (từ tháng 5/1958 đến tháng 8/1969), cũng là nơi mà trong suốt 65 năm qua đã trở thành biểu tượng sống động cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tỏa sáng phong cách sống giản dị, thanh cao
Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, tháng 10/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Chiến khu Việt Bắc về Hà Nội. Dù được Trung ương bố trí chỗ ở và làm việc trong Phủ toàn quyền Đông Dương (nay là Phủ Chủ tịch) nhưng Người kiên quyết từ chối. Bốn năm đầu tiên, Bác lựa chọn sống và làm việc trong một ngôi nhà nhỏ từng là nơi ở của người thợ điện phục vụ cho Phủ toàn quyền Đông Dương.
Nhiều lần Trung ương Đảng đề nghị làm cho Bác nhà mới, nhưng Người đều không nhận. Mãi đến tháng 3/1958, sau chuyến thăm hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên, trên đường trở về, ngắm nhìn những ngôi nhà sàn dọc hai bên đường, gợi nhắc những năm tháng gắn bó với chiến khu xưa, Người mới đề xuất nguyện vọng muốn làm một ngôi nhà sàn nhỏ bên bờ ao trong khu vườn Phủ Chủ tịch, theo kiểu nhà của đồng bào Việt Bắc. Thực hiện ý nguyện và mong muốn của Người, sau hơn một tháng thi công, ngôi nhà sàn hoàn thành vào ngày 17/5/1958.
Ngôi nhà sàn hai tầng, chiều dài 10,5 m rộng 6,2 m, chung quanh có mành che. Tầng dưới để thoáng, chính giữa có bộ bàn ghế lớn là nơi Bác thường làm việc với Bộ Chính trị, gặp các cán bộ đầu ngành đến báo cáo công việc, bàn quyết nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.
Tại đây, Người tiếp tục lãnh đao nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc, đấu tranh giải phóng miền nam, tiến tới thống nhất đất nước. Cũng tại ngôi nhà sàn này, Người đã viết tài liệu “Tuyệt đối bí mật” (Di chúc) trong suốt bốn năm (từ năm 1965 đến 1969). Cũng tại nơi này, Người đã ra Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước (1966), khẳng định chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đây cũng là nơi Người tiếp thân mật một số đoàn khách trong nước, quốc tế.
Nhà sàn Bác Hồ là công trình duy nhất làm bằng gỗ, có kiến trúc hoàn toàn khác với các công trình chung quanh nhưng lại hết sức hài hòa trong không gian thiên nhiên, rợp mát bóng cây, nhiều loại hoa thơm, cỏ mát; trước nhà là ao rộng Bác vẫn thường cho cá ăn sau giờ làm việc.
Thăm nhà sàn của Bác, nhìn những vật dụng đơn sơ, giản dị: chiếc giường đơn trải chiếu cói; cái tủ gỗ nhỏ, lọ hoa, máy thu thanh, vài cuốn sách..., mới thấm thía hơn phong cách sống rất đỗi giản dị, thanh bạch của Người. Trong tập “Chuyện kể của những người giúp việc Bác Hồ” (Nhà xuất bản Thông tấn, Hà Nội, 2003), đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác chia sẻ: “...
Càng ngẫm càng thấy sâu sắc rằng, việc một vị Chủ tịch nước chọn chỗ ở của mình là một ngôi nhà sàn gỗ với hai phòng, mỗi phòng chỉ vẻn vẹn chưa đầy 10 mét vuông, thật có ý nghĩa sâu sắc.
Cũng như đôi dép lốp, chiếc quạt lá cọ, bộ quần áo kaki, những bữa cơm giản dị hằng ngày của quê hương, đó chính là cả một bài học lớn cho mọi thế hệ về đạo đức “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, điều cơ bản cần có trước hết của mỗi cán bộ cách mạng”.
Trải qua 65 năm kể từ khi xây dựng, nhà sàn Bác Hồ đã trở thành “địa chỉ đỏ” phục vụ, đón tiếp nhiều đoàn khách Trung ương, địa phương, các tổ chức đoàn thể, các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế tới tham quan, học tập, sinh hoạt chính trị.
Và từ những hành trình trải nghiệm ấy, mỗi người lại có thêm những tình cảm kính yêu, ngưỡng mộ Bác.
Trong Sổ cảm tưởng của Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, một bạn trẻ đến từ Cần Thơ viết: “Từ miền Nam xa xôi, lần đầu tiên con có cơ hội được viếng Lăng Bác, thăm nơi ở và làm việc của Bác đến những ngày cuối đời, thật đơn sơ giản dị và gần gũi biết bao! Có thật nhiều cảm xúc và con biết ơn Người. Cả cuộc đời Người đã hy sinh vì nước vì dân.
Qua đó con mới thấy, trách nhiệm thế hệ trẻ ngày nay cần học tập, rèn luyện để cống hiến, xây dựng đất nước hùng cường, vững mạnh”. Còn một du khách người Anh nêu cảm nhận: “Tôi thực sự ngạc nhiên và ngưỡng mộ khi tới thăm ngôi nhà sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi không thể hình dung một lãnh tụ, một nguyên thủ quốc gia lại sống giản dị và đơn sơ như vậy. Bác Hồ quả là một nhân cách đáng kính trọng!”.
Lan tỏa giá trị nhà sàn Bác Hồ
Bà Nguyễn Thị Xuân, cán bộ Phòng Bảo quản Môi trường di tích (Khu Di tích Phủ Chủ tịch) cho biết:
“Việc bảo quản di tích nhà sàn Bác Hồ có tính đặc thù vì phải thực hiện trong điều kiện môi trường mở hoàn toàn, phục vụ lượng khách tham quan đông đảo. Các tài liệu, hiện vật nơi đây luôn phải chịu tác động trực tiếp từ môi trường, khí hậu tự nhiên với thời tiết nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, nhiệt độ và độ ẩm luôn dao động, chưa kể ảnh hưởng từ tác nhân con người như độ rung, tiếng ồn, khí thở...
Vì thế, để hạn chế những tác động này, các cán bộ bảo quản đã phải áp dụng biện pháp tạo ra “tiểu môi trường” bảo quản, tạo vật đệm giữa đại môi trường và tiểu môi trường bằng hộp mica chụp lên các hiện vật. Khi đón các đoàn nguyên thủ quốc gia, đại biểu cấp cao tới thăm trực tiếp tầng hai nhà sàn, để giảm lượng bụi bẩn và giảm xây xước sàn nhà, cán bộ bảo quản đã sử dụng tất vải để phục vụ. Bên cạnh đó, công tác chống ẩm, mưa bão, trừ mối, bảo quản theo chế độ định kỳ ngắn hạn, dài hạn và chống xuống cấp di tích cho nhà sàn cũng được thực hiện nghiêm ngặt...”.
Ngay cả việc bê chuyển, làm vệ sinh thường xuyên cũng có thể gây hư hại cho hiện vật. Bà Nguyễn Thị Xuân cho rằng, cần sớm triển khai trưng bày bổ sung các tài liệu, hiện vật như vốn có của Di tích nhà sàn Bác Hồ:
“Việc trưng bày hiện vật như hiện nay chưa phản ánh đúng nguyên gốc của di tích, chưa phản ánh đầy đủ và chính xác so với thời điểm Bác qua đời, thiếu vắng khối tài liệu, hiện vật bằng giấy như sách, báo, tạp chí; cũng như một số hiện vật thể khối. Những hiện vật này nếu được trưng bày sẽ góp phần khắc họa đầy đủ và rõ nét hơn về cuộc sống đời thường và phong cách sống mẫu mực, giản dị, tinh thần cống hiến và tình yêu nhân dân, đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Liên quan công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học cho Di tích nhà sàn Bác Hồ, Tiến sĩ Hoàng Thị Nữ, nguyên Trưởng phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Bảo quản (Bảo tàng Hồ Chí Minh) cho rằng, có một khâu chưa được triển khai đồng bộ, đó là công tác xây dựng hệ thống các bộ sưu tập tài liệu, hiện vật để phát huy giá trị của các sưu tập đó.
Tiến sĩ Hoàng Thị Nữ gợi ý, với tổng số tài liệu, hiện vật liên quan hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người sống và làm việc tại nhà sàn, bước đầu có thể xây dựng thành: Sưu tập tài liệu, bản thảo, bài báo; sưu tập phim ảnh ghi lại hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1958-1969; sưu tập đồ dùng, vật dụng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chỉ riêng với sưu tập các tài liệu, bản thảo, bài báo, đã có thể tổ chức thành nhiều sưu tập nhỏ, cụ thể như: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; các bản thảo viết tay, đánh máy của Chủ tịch Hồ Chí Minh; các bài báo Người viết với các bút danh khác nhau; các bài thơ Người viết khi sống và làm việc ở nhà sàn; các văn bản quan trọng Hồ Chí Minh đã ký tại nhà sàn...
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, cán bộ Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cho biết: Thời gian qua, Khu Di tích đã xuất bản nhiều đầu sách có giá trị tuyên truyền về nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng vẫn chưa có một đầu sách riêng về chính Di tích nhà sàn Bác Hồ.
Phần giới thiệu về nhà sàn mới chỉ là một nội dung trong các đầu sách hoặc được đề cập rải rác trong tập hợp các câu chuyện kể. Vì vậy, để tiếp tục phát huy giá trị Di tích nhà sàn Bác Hồ, cần xuất bản một cuốn sách riêng về nhà sàn, bao gồm hệ thống các sự kiện, câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với nhà sàn; hình ảnh lãnh đạo Đảng, Nhà nước đón tiếp các nguyên thủ trên thế giới đến thăm nhà sàn; cảm tưởng tiêu biểu của đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế khi đến Di tích...
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, bà Hằng cho rằng, cần nghiên cứu thí điểm ứng dụng quét mã QR trong phát huy giá trị Di tích nhà sàn, giúp du khách dễ dàng tiếp cận những thông tin chính xác về ý nghĩa lịch sử, giá trị của các tài liệu, hiện vật của di tích. Bên cạnh đó, cần thí điểm triển khai các hình thức tuyên truyền mới về Nhà sàn Bác Hồ trên website của Khu Di tích Phủ Chủ tịch và các kênh mạng xã hội.../.
Nhân dân

1 nhận xét: