Thứ Hai, 14 tháng 8, 2023

NHỮNG KHOẢNH KHẮC ĐẸP CỦA NIỀM TIN VÀ LÝ TƯỞNG

 

Trong dịp cuối tuần từ 11 đến 13/8, một cuộc triển lãm kép đã diễn ra tại Nhà Thông tin triển lãm 45 Tràng Tiền (Hà Nội), giới thiệu đến công chúng hàng trăm bức ảnh kể câu chuyện của những con người đặc biệt: Các cựu tù Côn Ðảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) và đội rà phá bom mìn Quảng Trị. Ðây cũng là thành quả mới của nghệ sĩ Nguyễn Á, một nhà nhiếp ảnh ghi dấu ấn với nhiều bộ ảnh độc đáo, mang đậm hơi thở cuộc sống.
Hai triển lãm ảnh Tử tù, cựu tù Côn Ðảo - Ngày trở lại (tập 1) và Biệt đội giữ bình yên “đất lửa” tuyển chọn những bức ảnh tiêu biểu từ hai cuốn sách ảnh cùng tên, cũng ra mắt dịp này. Trước đó, sự kiện đã được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 27/7, thu hút sự quan tâm và phản hồi tích cực từ công chúng. Hai cuốn sách về hai thế hệ, ở hai địa điểm khác nhau, nhưng có điểm chung là tôn vinh những cống hiến và hy sinh ít được biết đến của họ, gửi gắm lòng tri ân sâu sắc và truyền cảm hứng sống đẹp, sống đầy lý tưởng và cống hiến hết mình.
Lễ khai mạc được tổ chức chiều 11/8 tại Hà Nội, có sự góp mặt của năm cựu tù Côn Ðảo và một số thành viên đội rà phá bom mìn Quảng Trị khiến nhiều đại biểu, khách tham quan cảm thấy tự hào và xúc động. Những màn chào hỏi thân mật, những cái ôm và bắt tay thật chặt, những giọt nước mắt xen lẫn nụ cười... phần nào cho thấy sức lay động, lan tỏa của hai bộ ảnh. Ðể thực hiện sách ảnh Tử tù, cựu tù Côn Ðảo-Ngày trở lại (tập 1), nhiếp ảnh gia Nguyễn Á đã xin được đi cùng với đoàn 39 thành viên là các cựu tù nhân từng bị giam giữ tại Nhà tù Côn Ðảo về thăm lại “địa ngục trần gian” một thời.
Năm ngày tác nghiệp tại Côn Ðảo cùng một số hình ảnh tư liệu chụp trước đó được tác giả tập hợp, sắp xếp diễn tả hành trình theo chân cựu tù và tái ngộ đồng chí, đồng đội. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện, khi quá khứ và hiện tại giao hòa trong một khuôn hình buồng giam, một mái tóc bạc trắng của người cựu tù, hay một ánh nhìn biết ơn từ người thanh niên trẻ dành cho những chiến sĩ thế hệ ông bà mình...
Nhiều người xem mắt đỏ hoe khi ngắm nhìn bức ảnh có tên “Chúng tôi đã về, đồng đội ơi”, ghi lại khoảnh khắc các cựu tù đứng trang nghiêm chào người đồng đội đã nằm lại nơi nghĩa trang Côn Ðảo. Cũng gây xúc động mạnh mẽ, nhưng ở thái cực trái ngược là bức “Bên nhau ngày vui”, chụp các cụ ông, cụ bà tận hưởng phút giây thư giãn tắm biển Côn Ðảo - nơi từng là ngục tù khắc nghiệt trong thời thanh xuân của họ...
Bà Trần Thị Trúc Chi (hiện sống tại TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Nhà tù Côn Ðảo thuở ấy là nơi rừng thiêng nước độc, khí hậu khắc nghiệt, đã có hàng vạn người nằm xuống vì độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Không thể tưởng tượng sau 50 năm tôi cùng với những đồng đội một thời sống chết, chiến đấu với nhau nay lại có thể vui cười, cầm tay nhau đi trên bãi cát ở Côn Ðảo. Trước đây, chúng tôi hát Quốc ca trong các phòng giam nhưng đó là hát đấu tranh đòi quyền cho người tù. Còn nay, chúng tôi đứng ở chân cột cờ Côn Ðảo, nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay và hát vang Quốc ca với tư cách công dân của một đất nước tự do, thật xúc động”.
Bà Phan Thị Bé Tư kể lại bối cảnh ra đời bức ảnh có mặt bà đã được chọn làm bìa cuốn sách Tử tù, cựu tù Côn Ðảo-Ngày trở lại. Một nữ du khách đến thăm di tích Nhà tù Côn Ðảo đã không kìm được xúc động ôm chầm bà Bé Tư và khóc khi biết bà chính là một trong những “nhân chứng sống” từng bị giam cầm và tra tấn. Tinh thần yêu nước, ý chí kháng cự đến hơi thở cuối cùng, sự hy sinh anh dũng của nhiều tù nhân, và cả chuyện tình yêu nảy nở giữa những người bạn chiến đấu sau này trở thành vợ chồng... được khắc họa sinh động qua ảnh. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á cho biết triển lãm sẽ được tổ chức tại Côn Ðảo vào dịp 2/9 tới, và toàn bộ số ảnh sẽ được trao tặng Bảo tàng Côn Ðảo.
Cuốn sách ảnh thứ hai Biệt đội giữ bình yên “đất lửa” được tác giả dành chín tháng với ba lần đi thực tế để tác nghiệp tại những điểm nóng nhất có bom mìn sót lại dưới lòng đất ở tỉnh Quảng Trị. Bộ ảnh nhằm giúp người đọc, người xem hiểu thêm về một phần hậu quả chiến tranh vẫn tồn tại trên dải đất quê hương, đồng thời biết đến và trân quý lực lượng làm công việc rà phá bom mìn - những con người quả cảm, thầm lặng trong thời bình. Ðáng chú ý, bên cạnh nam giới, còn có một biệt đội toàn nữ, họ đã và đang góp công sức giữ bình yên cho cuộc sống hôm nay.
Tại triển lãm ở Hà Nội, chị Phan Thị Thu Hương, một thành viên đội NPA/RENEW Quảng Trị bày tỏ: “Chiến tranh đã đi qua nhưng đau thương còn để lại vẫn chưa chấm dứt trên mảnh đất quê hương tôi. Người dân khi lao động, sinh hoạt vẫn gặp tai nạn do bom mìn, dẫn đến cụt chân, cụt tay hoặc không qua khỏi. Bố tôi cũng không may gặp bom và chịu ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe suốt 40 năm qua. Bản thân tôi khi tham gia dự án rất tin tưởng vào quá trình tập huấn, đào tạo bài bản. Ðồng thời, niềm tự hào và mong muốn bảo vệ sự bình yên cho cuộc sống người dân cũng truyền cho chúng tôi động lực lớn”.
Hai triển lãm, hai cuốn sách ảnh song ngữ (do Nhà xuất bản Thông tấn ấn hành) tiếp tục cho thấy lao động nghệ thuật nghiêm túc và sáng tạo theo lối đi riêng của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á. Trong ảnh Nguyễn Á, vẻ đẹp của con người không nằm ở bề ngoài mà ở việc họ làm và ảnh hưởng của họ tới xã hội. Tập 2 của cuốn Tử tù, cựu tù Côn Ðảo-Ngày trở lại đang được tác giả ấp ủ và sẽ ra mắt trong thời gian tới./.
Nhân dân
Có thể là hình ảnh về 10 người và văn bản

1 nhận xét: