Thứ Ba, 22 tháng 8, 2023

ĐÔI LỜI VỀ SÁCH GIÁO KHOA HIỆN NAY!

 Giải trình trước Đoàn Giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết "mức chiết khấu phát hành sách giáo khoa theo chương trình phổ thông mới từ năm 2020 đến nay là 23% cho sách giáo khoa lớp 1, 2, 6; 22,5% cho sách giáo khoa lớp 3, 7, 10. Còn sách giáo khoa lớp 4, 8 và 11 có mức chiết khấu 21%. Xin có đôi lời như sau:

Khoảng năm 700 trước Công nguyên, Quản Di Ngô, vị quân sư lỗi lạc của nước Tề, người đã giúp Tề Hoàn Công đứng đầu Ngũ bá đã có tư tưởng về giáo dục cực kỳ tiến bộ, đúng với mọi thời đại. Quản Trọng cho rằng: nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc; thập niên chi kế, mạc như thụ mộc, chung thân chi kế, mạc như thụ nhân. Nghĩa là, kế sách trong một năm là trồng lúa, mười năm là trồng cây và trọn đời là trồng người. Sinh thời Bác Hồ rất quan tâm đến giáo dục, mong muốn đào tạo ra những thế hệ "vừa hồng, vừa chuyên". Bác dạy: "vì lợi ích mười năm, trồng cây. Vì lợi ích trăm năm, trồng người".
Câu chuyện loạn sách giáo khoa như hiện nay là vấn đề cả xã hội hết sức quan tâm. Đất nước thống nhất hơn 48 năm nhưng sách giáo khoa vẫn mạnh ai người ấy làm, đủ loại nhà xuất bản, đủ loại sách khiến cho người ta liên tưởng đến nồi canh rau tập tàng. Bộ trưởng giải trình rằng: "“Nhiều sách giáo khoa góp phần làm phong phú nguồn học liệu để giáo viên và học sinh được tiếp cận” nhưng liệu có thuyết phục? Nếu nói như vậy thì tại sao không thống nhất một bộ sách giáo khoa và cho phép xuất bản các bộ sách tham khảo khác nhau. Điều này cho phép phụ huynh, nhà trường chủ động sách giáo khoa và sách tham khảo thì tùy điều kiện chứ không bắt buộc...Như hiện này, thầy cô giáo cũng khó khăn trong việc nghiên cứu để giảng cho học sinh, phụ huynh khó khăn khi chuẩn bị sách cho con vì không biết trường sẽ dùng loại sách gì. Người nghèo, yếu thế trong xã hội khó khăn vì giá sách cao mà nguyên nhân chính là mức chiết khấu cao.
Mức chiết khấu đối với sách giáo khoa, sách tham khảo hiện nay quá cao, là nguyên nhân đẩy giá lên cao? Đề nghị làm rõ vấn đề này để rộng đường dư luận! Phải kiểm soát giá trần để sách giáo khoa không bị đẩy giá cao, ảnh hưởng đến phụ huynh. Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) đã tiếp tục khẳng định: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”. Thế nhưng nhân dân luôn phải lo lắng khôn nguôi khi mà chương trình cải cách chưa mang lại hiệu quả cao. Sách giáo khoa thay đi, đổi lại kiểu đẽo cày giữa đường, gây lãng phí ngân sách nhà nước và khó khăn cho phụ huynh.
Sách tăng giá, gây áp lực cho phụ huynh, đặc biệt là những hộ gia đình chẳng khá giả gì. Giáo dục XHCN phải mang tính nhân bản như nội hàm vốn có của nó. Nhiều nước trên thế giới đã xoá bỏ học phí và hỗ trợ cho phụ huynh, học sinh rất nhiều nhằm ươm mầm những thế hệ tương lai. Triều Tiên, Cu Ba hay nhiều nước phát triển trên thế giới đều thực hiện theo hướng đó. Chúng ta chẳng những không miễn giảm mà còn tăng thêm Gánh nặng ngàn cân đối với những phụ huynh khó khăn liên quan đến sách giáo khoa. Bản chất ưu việt của Chủ nghĩa xã hội nhất định không phải như vậy../
----------

1 nhận xét: