TCCS - Trong những năm qua, Thành ủy Hà Nội luôn xác định phát huy quyền làm chủ của nhân dân là động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô; đặc biệt, đã gắn việc thực hiện dân chủ ở cơ sở với triển khai thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội, hướng tới xây dựng chính quyền đô thị tinh gọn, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ.
Đảng bộ thành phố Hà Nội là Đảng bộ lớn nhất cả nước với 50 đảng bộ cấp trên cơ sở, gần 47 vạn đảng viên, chiếm khoảng 9% đảng viên của cả nước, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên khá cao so với mặt bằng chung cả nước. Thành ủy Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc thể chế hóa quyền làm chủ của nhân dân trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.
Phát huy dân chủ ở cơ sở trong triển khai thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn Thủ đô Hà Nội - Những kết quả đạt được đáng ghi nhận
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hành dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân được tăng cường.
Thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14, ngày 27-11-2019, của Quốc hội, về “Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội” từ ngày 1-7-2021, tại 175 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây, Thành ủy Hà Nội đã chú trọng lãnh đạo các quận, thị xã triển khai thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị gắn với phát huy dân chủ, nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phù hợp với tính chất đô thị, hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Thành ủy, chính quyền và các đoàn thể thành phố đã khẩn trương xây dựng, ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị và tổ chức nhiều hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị bảo đảm công khai, dân chủ, tạo điều kiện thuận lợi và tăng cường trách nhiệm trong triển khai thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát huy quyền làm chủ của nhân dân; về thực hiện mô hình chính quyền đô thị, trong đó tập trung vào những điểm mới, những lợi ích của việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị, tạo không khí phấn khởi, đoàn kết, đồng thuận cao trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tăng cường tuyên truyền trên cổng/trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và thành phố.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp của thành phố Hà Nội tăng cường công tác vận động, nắm chắc tình hình, dư luận của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là những vấn đề khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân trong thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị để phản ánh, tham mưu, đề xuất với Thành ủy, các cấp ủy trong công tác định hướng dư luận, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.
Công khai, minh bạch trong công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy; phát huy vai trò lãnh đạo của đảng ủy phường trong điều kiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị.
Thành ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố lãnh đạo, chỉ đạo các quận ủy, thị ủy và UBND các quận, thị xã tập trung chỉ đạo việc phát huy dân chủ trong sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự; phát huy vai trò lãnh đạo của đảng ủy phường.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy và công tác cán bộ tại UBND các phường được tiến hành công khai, minh bạch, bảo đảm phù hợp với vị trí việc làm, năng lực chuyên môn. Đến ngày 1-7-2021, các quận và thị xã Sơn Tây đã hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tại 175 UBND phường. Thực hiện chuyển công chức phường tại 175 phường thành biên chế công chức thuộc UBND quận, thị xã. Đội ngũ cán bộ chuyên trách khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở phường vẫn được giữ ổn định theo quy định. Công tác sắp xếp, bố trí công tác và giải quyết các chế độ, chính sách đối với chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng nhân dân (HĐND) phường sau sắp xếp, kiện toàn được thực hiện đúng quy định, không có đơn, thư khiếu nại, tố cáo.
Sau sắp xếp, cơ quan hành chính phường đã tích cực, chủ động điều hành, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn, quyết định nhanh những vấn đề cấp bách trên địa bàn, trên cơ sở xác định rõ người, rõ trách nhiệm, rõ việc, hướng đến phục vụ người dân tốt hơn. Đảng ủy các phường đã thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc, đổi mới trong việc ban hành và tổ chức thực hiện nghị quyết bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Phương thức lãnh đạo được đổi mới theo hướng sâu sát cơ sở; việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, phát huy dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo được chú trọng; phát huy vai trò lãnh đạo theo đúng thẩm quyền, trách nhiệm theo quy định.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính nhà nước; phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Những quy định mới trong mô hình chính quyền đô thị đã tăng cường cơ chế trách nhiệm, phối hợp trong giải quyết và thực hiện thủ tục hành chính giữa quận, thị xã và phường. Chủ tịch UBND phường chủ động, có quyền tự quyết định và chịu trách nhiệm cá nhân về mọi vấn đề trong phạm vi thẩm quyền của phường do mình quản lý; nâng cao tính tự chủ, phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm, sáng tạo của các phường trong quá trình phục vụ người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của phường, quận, thị xã nhanh và hiệu quả.
Việc ủy quyền công chức Tư pháp - hộ tịch được ký chứng thực đã phát huy hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi giải quyết nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, công sức cho tổ chức, công dân đến làm thủ tục hành chính. Công dân có thể nhận kết quả ngay khi đến giao dịch tại UBND phường, không phải chờ đợi, làm giảm đáng kể chi phí tuân thủ thủ tục hành chính; giảm tải áp lực, công việc cho chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường để tập trung giải quyết các nhiệm vụ. Tổng số hồ sơ chứng thực bản sao tại phường do công chức Tư pháp - hộ tịch được ủy quyền ký chứng thực và đóng dấu UBND phường chiếm 63,6%; hồ sơ chứng thực chữ ký do công chức Tư pháp - hộ tịch được ủy quyền ký chứng thực và đóng dấu UBND phường chiếm 59,1% tổng số hồ sơ chứng thực chữ ký tại UBND phường. Nhiều mô hình thí điểm được thực hiện, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, điển hình như UBND quận Hoàn Kiếm đã triển khai thực hiện mô hình “Các thủ tục hành chính không chờ” (Thủ tục hành chính không giấy hẹn, thực hiện ngay) tại các phường với hàng chục loại thủ tục hành chính khác nhau.
Công tác giám sát việc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và thực hiện nghị quyết của HĐND quận, thị xã ở phường, giám sát hoạt động của UBND, chủ tịch UBND phường, HĐND các quận và thị xã được tăng cường. Kết quả cho thấy, các chủ thể này đã thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc quyết định các giải pháp lớn để thực hiện chính sách, pháp luật và các nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn theo phân cấp. Hội đồng nhân dân các quận, thị xã đã tăng cường các hoạt động giám sát đối với hoạt động của UBND phường, tăng cường công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân để lắng nghe ý kiến, phản ánh, kiến nghị của cử tri và nhân dân, bảo đảm thực hiện tốt quyền đại diện cho cử tri trên địa bàn. Các ban HĐND, các tổ đại biểu HĐND quận, thị xã được giao trách nhiệm thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của các phường tại đơn vị bầu cử, tham dự các cuộc họp, hội nghị đối thoại, hội nghị tiếp xúc cử tri để kịp thời tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri chuyển đến cơ quan có thẩm quyền theo dõi, giải quyết theo quy định. Hội đồng nhân dân, thường trực HĐND, các ban của HĐND và các tổ đại biểu HĐND quận, thị xã đã tiến hành các cuộc giám sát chuyên đề đối với UBND phường. Ngoài giám sát chuyên đề, các tổ đại biểu HĐND quận, thị xã thực hiện giám sát thường xuyên về giải quyết kiến nghị của cử tri.
Mối quan hệ công tác giữa UBND, chủ tịch UBND phường với đảng ủy, bí thư đảng ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường được quy định cụ thể rõ ràng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp, giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cũng như của người dân trên địa bàn phường đối với hoạt động của UBND phường.
Công tác đối thoại với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân được thực hiện tốt, đã phát huy hiệu quả quyền làm chủ của nhân dân.
Chủ tịch UBND các phường đã thực hiện tốt việc đối thoại định kỳ hằng năm với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn phường theo Quyết định số 2200-QĐ/TU, ngày 25-5-2017, của Thành ủy Hà Nội, về “Ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố”.
Thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, UBND các phường đã tổ chức thực hiện nghiêm túc hội nghị đối thoại giữa chủ tịch UBND phường với nhân dân theo đúng quy định tại Điều 12, Nghị định số 32/2021/NĐ-CP, ngày 29-3-2021, của Chính phủ, “Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019, của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội” (được tổ chức mỗi năm ít nhất 2 lần trước các kỳ họp thường kỳ của hội đồng nhân dân các quận và thị xã); theo đó, đã có 389 buổi đối thoại được tổ chức, các buổi đối thoại đều được tổ chức đúng thời gian quy định. Tại các hội nghị đối thoại, lãnh đạo phường đã báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn...; đồng thời, giải đáp các kiến nghị, phản ánh của nhân dân trên địa bàn. Qua đối thoại, chủ tịch UBND các phường đã tiếp nhận 2.940 kiến nghị của tổ chức, cá nhân; các kiến nghị của công dân, tổ chức được chủ tịch UBND các phường trao đổi trực tiếp, giải đáp công khai, dân chủ tại hội nghị (có 2.732/2.940 kiến nghị, đạt 92,9%). Đối với những kiến nghị chưa thể giải đáp ngay tại hội nghị, chủ tịch UBND các phường sẽ trả lời bằng văn bản sau hội nghị; các nội dung vượt thẩm quyền sẽ được báo cáo lên UBND các quận, thị xã để tổng hợp, trả lời.
Thông qua công tác đối thoại, người đứng đầu chính quyền đã có thể kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, quan tâm giải quyết các kiến nghị, đề nghị chính đáng của nhân dân; đồng thời, cung cấp thông tin tuyên truyền, vận động, giải thích để nhân dân hiểu rõ hơn những việc chính quyền các cấp đã làm được, cũng như những vướng mắc đang gặp phải để cùng tháo gỡ, giải quyết trên tinh thần xây dựng, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhìn chung, công tác tiếp dân được UBND các phường thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.
Giai đoạn từ 1-7-2020 đến 30-6-2021, có 175 phường của 13 quận, thị xã đã tiếp 15.376 lượt công dân, tiếp nhận 4.408 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Ủy ban nhân dân các phường đã giải quyết, trả lời 4.239 kiến nghị (chiếm 96,2%), với các kiến nghị còn lại đang giải quyết, tiến hành báo cáo lên cơ quan cấp trên các nội dung vượt thẩm quyền.
Giai đoạn triển khai thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tiếp theo (từ 1-7-2021 đến 30-6-2022), có 175 phường của 13 quận, thị xã đã tiếp 14.022 lượt công dân (giảm 9% so với trước thời điểm thực hiện thí điểm), tiếp nhận 3.462 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (giảm 20% so với trước thời điểm thực hiện thí điểm). Ủy ban nhân dân các phường đã giải quyết, trả lời 3.110 kiến nghị (chiếm 89,8%).
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các phường đã tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội.
Mặc dù không tổ chức HĐND ở phường, nhưng quyền dân chủ và giám sát của nhân dân vẫn được duy trì và ngày càng được nâng cao, thông qua các hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở thành phố Hà Nội; trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn theo Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gắn với thực hiện có hiệu quả quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn thành phố; qua đó, nâng cao được vị thế, vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố Hà Nội trong việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Qua hơn một năm thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các phường trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tổ chức 447 cuộc giám sát và hàng nghìn cuộc giám sát của các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng; trong đó, có 582 cuộc về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các phường đã tổ chức 153 cuộc phản biện xã hội, tập trung vào dự thảo nghị quyết, đề án, chương trình, quyết định của UBND các phường.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị gắn với thực hiện dân chủ ở cơ sở vẫn còn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, như việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức. Ở một số nơi, công tác kiểm tra, giám sát của một số cấp ủy và hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở chưa đạt hiệu quả cao. Đội ngũ cán bộ, chuyên trách ở phường gồm các chức danh bí thư đảng ủy, phó bí thư đảng ủy, chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chủ tịch hội liên hiệp phụ nữ, chủ tịch hội cựu chiến binh, bí thư đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phường vẫn là cán bộ cấp xã, chưa được chuyển thành cán bộ thuộc biên chế quận, thị xã; do đó, chưa có sự đồng bộ, thống nhất quản lý biên chế cán bộ, công chức phường.
Theo đó, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận, thị xã tăng lên, trong khi số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND quận, thị xã còn ít, nên việc tổ chức các hoạt động giám sát mới chỉ được duy trì ở mức độ như trước khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, chưa có sự thay đổi rõ nét, chủ động thực sự về số lượng và chất lượng khi không tổ chức HĐND ở phường. Hoạt động của HĐND ở một số địa phương còn mang tính hình thức. Công tác tiếp công dân của các đại biểu HĐND quận, thị xã tại các phường đạt hiệu quả chưa cao. Một số tổ đại biểu HĐND quận, thị xã chưa chủ động trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhất là việc tổ chức giám sát hoạt động của UBND, chủ tịch UBND phường.
Việc nắm bắt và tổng hợp tình hình, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân trước, trong tiếp xúc, đối thoại còn chưa kịp thời; công tác tham mưu giải quyết các ý kiến, kiến nghị trong quá trình tiếp xúc, đối thoại có nơi còn hạn chế, thiếu tính chủ động, chưa sâu sát; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, bộ phận trong thực hiện kết luận sau tiếp xúc, đối thoại còn lúng túng, chưa đồng bộ, chưa thực sự rõ trách nhiệm.
Một mặt, với quy mô dân số trung bình của các phường thuộc các quận lớn, với hơn 22.300 người (theo tiêu chuẩn là 15.000 người), trong đó có 41 phường, có quy mô dân số hơn 30.000 người; với một số phường có quy mô dân số rất lớn, như phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) là 82.891 người, phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) là 54.295 người, phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) là 54.770 người, thì khối lượng công việc tại các phường là rất lớn, gây áp lực khi thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với công chức phường. Số lượng biên chế công chức làm việc bình quân tại các phường là 15 người/phường, về cơ bản bằng mức bình quân công chức cấp xã, mà chưa có cơ chế, chính sách đặc thù đối với các phường có quy mô dân số lớn.
Mặt khác, ngoài các nhiệm vụ theo chuyên môn được tuyển dụng, thì đội ngũ cán bộ, công chức phường đều được giao thêm nhiệm vụ theo dõi, nắm bắt tình hình tại các tổ dân phố, trong khi chế độ, chính sách không có gì thay đổi, nên chưa động viên được đội ngũ cán bộ, công chức phường tận tâm, tận lực trong công việc, công tác. Thực hiện theo cơ chế quản lý mới, phường là một đơn vị dự toán, phụ thuộc vào dự toán của cơ quan cấp trên, nên một số nhiệm vụ phát sinh đột xuất không có trong dự toán sẽ gặp phải khó khăn trong triển khai, thực hiện. Việc bố trí kinh phí chi lương, phụ cấp, các khoản theo lương và chi hoạt động của đảng ủy, ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội nằm trong kinh phí dự toán của UBND phường chưa thật sự thuận lợi, chưa bảo đảm tính chủ động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của đảng ủy và hoạt động của ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tại phường.
Nguyên nhân khách quan: Tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Đồng thời, việc triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị là việc mới và khó; trong khi đó, hệ thống các văn bản quy định, hướng dẫn ở một số lĩnh vực ban hành còn chậm, thiếu đồng bộ, nên không tránh khỏi những khó khăn, hạn chế nhất định. Chính sách cán bộ còn nhiều bất cập, chậm đổi mới, vừa chưa khuyến khích cán bộ phát huy hết năng lực, tâm huyết với công việc, vừa khó thu hút được cán bộ về làm việc ở những lĩnh vực khó khăn, nhất là ở cấp cơ sở.
Nguyên nhân chủ quan: Một số cấp ủy và cán bộ, đảng viên, công chức chưa nhận thức đầy đủ, toàn diện, sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị, nên việc thực hiện dân chủ ở cơ sở chưa thực sự quyết liệt, sâu sát, năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Vai trò tham mưu của một số cơ quan, đơn vị trên một số lĩnh vực công tác chưa được thể hiện rõ nét, chưa thật sự chủ động tham mưu trong rà soát, đề xuất, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở. Công tác phối hợp triển khai nhiệm vụ ở một số cơ quan, đơn vị, có lúc, có việc còn chưa được thường xuyên, chặt chẽ.
Một số cán bộ, công chức phường còn ngại thay đổi, chậm đổi mới tư duy, làm việc theo “kinh nghiệm”, một bộ phận cán bộ, công chức chưa thật sự tích cực, chủ động học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện kỹ năng và đổi mới phương pháp làm việc để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của mô hình chính quyền đô thị. Tổ chức bộ máy, biên chế của một số địa phương, cơ sở còn chưa được quan tâm kiện toàn, bố trí đầy đủ người và phương tiện cần thiết.
Tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới
Thành ủy Hà Nội xác định, tăng cường phát huy dân chủ ở cơ sở, nhằm thực hiện có hiệu quả mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn Thủ đô Hà Nội là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của Đảng bộ và cả hệ thống chính trị; theo đó, trong thời gian tới cần tập trung lãnh đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn nữa các quan điểm chỉ đạo của Trung ương, thành phố về việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, thực hiện Quy chế dân chủ trong các cơ quan nhà nước, thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại từng địa phương, cơ quan, đơn vị, bảo đảm thực chất và hiệu quả. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự thống nhất ý chí và hành động trong các cấp ủy, cơ quan, đơn vị để tiếp tục triển khai hiệu quả việc tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.
Thứ hai, đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc của các cấp ủy, bảo đảm đồng bộ với đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền. Tăng cường giáo dục đạo đức công vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn thành phố. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực sự là công bộc của nhân dân, luôn lắng nghe ý kiến của nhân dân, vì nhân dân phục vụ. Đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu tổ chức thí điểm chính quyền đô thị của Thủ đô Hà Nội.
Thứ ba, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, ủy quyền, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý chính quyền của thành phố. Huy động mọi nguồn lực đầu tư cho sự phát triển của thành phố, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục hành chính, chuyển đổi số gắn với đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng thành phố thông minh để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, nhằm xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, nâng cao hiệu quả trong công tác phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, tác nghiệp, bảo đảm đồng bộ, liên thông từ thành phố đến cơ sở, để từng bước mở rộng việc cung cấp các loại hình dịch vụ công trực tuyến và vận hành thông suốt hệ thống thông tin trong hoạt động điều hành, tác nghiệp của các cơ quan, đơn vị.
Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thường xuyên tự kiểm tra, giám sát của mỗi cấp ủy, mỗi cấp chính quyền và của cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị; nhất là hoạt động giám sát, tiếp công dân của HĐND thành phố, quận, thị xã.
Thứ năm, đổi mới việc thực hiện quyền giám sát khi không tổ chức HĐND phường. Việc thực hiện quyền làm chủ và giám sát của nhân dân khi không tổ chức HĐND phường được thực hiện thông qua hoạt động giám sát của HĐND thành phố, HĐND quận; giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội hoặc cơ quan nhà nước khác, như thông qua kiểm tra, giám sát của Đảng; giám sát trực tiếp của nhân dân thông qua việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, thông qua báo chí, các kênh thông tin, truyền thông, mạng xã hội,... Vì vậy, tiếng nói của người dân ở cấp cơ sở của các đô thị vẫn được HĐND các cấp, cũng như cơ quan nhà nước lắng nghe, xem xét, giải quyết.
Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, tạo điều để kiện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, đối thoại, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị là nhiệm vụ mới, khó, phức tạp. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao, sự hướng dẫn của các bộ, ban, ngành ở Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, phát huy sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là việc đề cao phát huy dân chủ ở cơ sở trong từng nhiệm vụ tổ chức thí điểm chính quyền đô thị. Do vậy, thời gian qua, việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực, cơ bản bảo đảm các mục tiêu, mục đích, tiến độ đã đề ra. Việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở các địa phương tổ chức thí điểm chính quyền đô thị đạt kết quả tốt./.
dân chủ ở cơ sở rất quan trọng
Trả lờiXóa