Thứ Hai, 14 tháng 8, 2023

 NHỮNG TRẬN ĐÁNH, TRẬN THẮNG NỔI TIẾNG TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM

Trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc, quân dân ta đã làm nên nhiều chiến công hiển hách. Mỗi chiến công đã để lại một mốc son chói lọi và làm rạng rỡ nền văn hóa quân sự độc đáo Việt Nam. Xin giới thiệu các trận thắng tiêu biểu nhất từ thế kỷ X đến thế kỷ XX

 TRẬN BẠCH ĐẰNG GIANG - 938

Đức vương Ngô Quyền sinh ngày 12 tháng Giêng năm Mậu Tuất (tức ngày 6 tháng 2 năm 898), tại làng Mông Phụ, Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội ngày nay. Sinh ra trong một dòng họ hào trưởng có thế lực, cha là Ngô Mân làm chức châu mục Đường Lâm, ngay từ nhỏ, ông đã tỏ ra là người có trí dũng song toàn, được dạy bắn cung nỏ, sử dụng giáo gươm, bí mật binh pháp. Ngô Quyền lớn lên trong lúc đất nước mới dành được quyền tự chủ, ông nối chí cha tập hợp lực lượng và trở thành một hào trưởng hùng mạnh trong vùng. Ông được Dương Đình Nghệ, (vốn là một bộ tướng của Khúc Thừa Mỹ, sau tự xưng là Tiết độ sứ) tin yêu, mời về làm Nha Tướng và gả con gái cho. Sau lại được Dương Đình Nghệ giao cho trấn giữ Châu Ái - vùng đất phên dậu của quê hương họ Dương. Năm 937, Dương Đình Nghệ bị nha tướng Kiều Công Tiễn giết hại để cướp ngôi Tiết độ sứ, gây nên sự căm phẫn trong các vị hào trưởng và nhân dân. Ngô Quyền bèn tập hợp lực lượng để tiêu diệt Kiều Công Tiễn. Quá hoảng sợ, Kiều Công Tiễn đã vội vã cầu cứu Nam Hán, vua Nam Hán là Lưu Cung nhân cơ hội đó đã phong con trai là Lưu Hoàng Tháo thống lĩnh thủy quân vượt biển sang xâm lược nước ta.

Đất nước lâm nguy, Ngô Quyền một mặt tiêu diệt Kiều Công Tiễn trừ mối hoạ, mặt khác huy động nhân dân cả nước bước vào cuộc kháng chiến. Tại vùng cửa sông Bạch Đằng, Ngô Quyền đã huy động hàng ngàn binh sĩ và nhân dân địa phương xây dựng trận địa cọc để đón đánh quân xâm lược. Hơn ba nghìn cây gỗ được vót nhọn, bịt sắt rồi đóng xuống lòng sông trên một quãng dài 3 dặm, khi thuỷ triều lên, bãi cọc không bị lộ. Ngô Quyền dự định nhử quân địch vào khu vực này khi thủy triều lên và đợi nước triều rút xuống cho thuyền địch mắc cạn mới giao chiến. Vào một ngày cuối đông năm 938, đoàn binh thuyền do Hoàng Tháo chỉ huy rầm rộ vượt biển tiến vào cửa ngõ Bạch Đằng. Đúng lúc nước triều đang dâng cao, Ngô Quyền cho thuyền nhẹ ra khiêu chiến, nhử địch đuổi theo vượt qua bãi cọc lọt vào trận địa mai phục của ta. Khi đoàn thuyền của Hoàng Tháo vượt qua vùng cửa biển, nước triều rút mạnh, quân ta quay lại phản công quyết liệt. Trận địa cọc nhô lên chặn đứng đoàn thuyền giặc, nhiều chiếc bị cọc gỗ đâm thủng, va vào nhau rồi chìm xuống dòng sông. Chủ tướng Hoàng Tháo bỏ mạng cùng quá nửa quân sĩ. Vua Nam Hán cầm quân tiếp ứng đóng ở biên giới mà không kịp trở tay đối phó. Nghe tin Hoằng Tháo tử trận, Lưu Cung kinh hoàng, đành thu nhặt số quân còn lại mà rút lui. Từ đó, nhà Nam Hán bỏ hẳn mộng xâm lược nước ta. Sau chiến thắng lẫy lừng, năm 939, Ngô Quyền lên ngôi vua, xưng là Ngô Vương, lập ra nhà Ngô, đóng đô ở Cổ Loa (tức Đông Anh, Hà Nội ngày nay).

Đại thắng Bạch Đằng năm 938 được ghi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta như một chiến công chói lọi, chấm dứt nền thống trị hơn 1000 năm Bắc thuộc, mở ra một kỷ nguyên độc lập và lâu dài cho dân tộc Việt Nam. Ngô Quyền - người anh hùng của chiến thắng oanh liệt trên sông Bạch Đằng năm 938 đã trở thành vị vua có "công tái tạo, vua của các vua”, xứng đáng là "vị tổ trung hưng" của dân tộc.

1 nhận xét: