Thứ Ba, 8 tháng 8, 2023

 

VỀ MỘT SỐ QUAN ĐIỂM THÙ ĐỊCH, SAI TRÁI

CHỐNG PHÁ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

   

                                               

Suốt nhiều thập kỷ qua, các thế lực thù địch tìm mọi cách, dùng đủ mọi thủ đoạn “công phá” vào Đảng Cộng sản Việt Nam cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức nhằm từng bước hạ thấp vị thế, uy tín, tiến tới xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam.

 Biết rằng sức mạnh của Đảng ta và chế độ xã hội chủ nghĩa là sự thống nhất, gắn bó giữa Đảng với Nhà n­ước và nhân dân, do đó, những phần tử cơ hội, thù địch tập trung “công phá” vào vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội, hòng đối lập Đảng với Nhà nước và nhân dân. Chúng lớn tiếng cho rằng: “sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước là “không cần thiết, là trở ngại lớn của nền dân chủ”, “Đảng chỉ nên lãnh đạo tư tưởng, đạo đức, lối sống và định hướng chung chung; không lãnh đạo kinh tế, văn hoá; không lãnh đạo quân đội…”. Với lý do là: ở các nước tư bản phương Tây, “nhiều việc không có đảng lãnh đạo dân người ta vẫn làm được” (?)  vì vậy “Đảng chỉ cần thiết khi chưa giành được chính quyền, khi đã có chính quyền Đảng nên trao quyền lại cho nhân dân, cho bộ máy nhà nước”, như thế mới thực sự là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Chúng lập luận rằng: “kinh tế tư nhân không cần Đảng lãnh đạo; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không có sự lãnh đạo của Đảng sao vẫn hoạt động hiệu quả, còn các doanh nghiệp nhà nước do Đảng lãnh đạo thì làm ăn yếu kém, thậm chí thua lỗ…”. Đó là hiện tượng có thật, nhưng điều mà họ không hiểu hay cố tình suy diễn sai lệch phương thức lãnh đạo của đảng, Đảng lãnh đạo bằng chủ trương, đường lối, chính sách, định hướng sự phát triển theo mục tiêu đã xác định; Đảng lãnh đạo thông qua bộ máy Nhà nước với luật pháp, chính sách cụ thể - thể chế hoá đúng với đường lối của Đảng; Đảng lãnh đạo thông qua vai trò và hoạt động của các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng; Đảng tiến hành công tác tư tưởng, công tác tổ chức, công tác cán bộ, công tác giáo dục, thuyết phục, vận động quần chúng nhân dân... Đảng chăm lo, bảo đảm lợi ích của toàn xã hội cũng như lợi ích của từng cá nhân…

Gần đây, đã có người đề xuất cách giải quyết vấn đề - Đảng nên lãnh đạo theo kiểu “tế nhị” “vừa có lợi cho dân tộc, vừa có lợi cho Đảng”. Nghĩa là, Đảng hãy theo gương các đảng cộng sản và công nhân ở các nước xã hội chủ nghĩa cũ, sau khi mất vai trò, vị trí lãnh đạo đã lột xác thành lực lượng chính trị quan trọng (đảng đối lập) hoặc đã chuyền thành đảng dân chủ xã hội. Lời lẽ có vẻ bớt thù địch, thô bạo, song ý đồ vẫn là: gạt bỏ sự lãnh đạo của Đảng và thủ tiêu Đảng với tính cách là Đảng cầm quyền. Thực chất những quan điểm thù địch này là thủ đoạn thâm độc, nham hiểm nhằm dọn đường cho sự hình thành tư tưởng “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” để vô hiệu hoá vai trò lãnh đạo của Đảng.

Chúng biện hộ rằng: “sự lãnh đạo của một đảng duy nhất là không dân chủ, là độc tài”; thích ứng với nền kinh tế nhiều thành phần thì không thể “nhất nguyên chính trị”, “không thể duy trì sự lãnh đạo của một đảng duy nhất”. Chúng suy diễn, tình trạng khủng hoảng và đói nghèo ở Việt Nam “là hậu quả của chính sách cai trị độc tài của Đảng Cộng sản Việt Nam”, nên “phải xoá bỏ điều 4 ghi trong Hiến pháp về quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam”.

Để chứng minh chế độ một Đảng lãnh đạo là “sai lầm” “nguy hiểm”, những người có tư tưởng cơ hội, thù địch viện dẫn và xuyên tạc, bôi đen, bóp méo sự thật, họ đánh đồng hiện tượng với bản chất, cường điệu một số sai lầm, khuyết điểm có thật của Đảng thổi phồng thành phổ biến, xem đó là bản chất của Đảng. Lợi dụng những chiêu bài dân chủ, nhân quyền, tôn giáo để bôi đen chế độ, công kích Đảng, Nhà nước. Trong lúc Đảng và nhân dân ta đang ra sức ngăn chặn, đẩy lùi tệ tham nhũng thì họ quy kết rằng “tham nhũng thuộc về bản chất của chế độ độc đảng”; những phần tử thoái hoá, biến chất bị các cơ quan chức năng xét xử theo pháp luật làm trong sạch bộ máy của Đảng và Nhà nước thì họ cho rằng “đó chỉ là thí quân tốt để giữ thế cờ” đồng thời tung tin thất thiệt, nói sai sự thật, vu cáo trắng trợn các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta nhằm gây nghi ngờ, chia rẽ nội bộ Đảng và hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quần chúng nhân dân.

Để xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam, các thế lực phản động, thù địch dùng nhiều “ngón đòn” tinh vi và xảo quyệt tập trung chống phá Đảng ta cả trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Tiến công vào đường lối của Đảng, các thế lực thù địch cho rằng: “không  thể làm trái quy luật bỏ qua chế độ tư bản mà là phát triển tư bản dưới sự lãnh đạo của Đảng, giải quyết các vấn đề xã hội ở chừng mực nào đó, theo chủ nghĩa xã hội dân chủ; “giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ không thực hiện được đại đoàn kết dân tộc, sẽ bị cô lập trên trường quốc tế, nên gác định hướng xã hội chủ nghĩa lại”. Chúng rêu rao rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã chọn con đường sai, không thể có chủ nghĩa xã hội”. Chúng ra sức xuyên tạc đường lối đổi mới của Đảng, đặc biệt là đường lối công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đường lối mở cửa, hội nhập của nước ta, đồng thời ra sức tô son cho chủ nghĩa tư bản, rằng “chủ nghĩa tư bản đã thay đổi về bản chất, chủ nghĩa tư bản hội tụ với chủ nghĩa xã hội trong thời đại văn minh hậu công nghiệp... chủ nghĩa tư bản là vĩnh hằng. Không ít người còn lớn tiếng cho rằng; “chủ nghĩa xã hội chính là bước quá độ tiến tới chủ nghĩa tư bản”.

Trên lĩnh vực tư tưởng, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, phản động dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn hòng “đánh sập” hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam - nhân tố quyết định sức mạnh của Đảng và bảo đảm vai trò lãnh đạo đối với toàn xã hội - làm cho Đảng mất phương hướng chính trị... dẫn tới mất vai trò lãnh đạo. Viện cớ chủ nghĩa xã hội hiện tại sụp đổ một mảng lớn trên thế giới, những người chống đối chủ nghĩa Mác - Lênin ở nước ta đi tới kết luận: “Chủ nghĩa Mác - Lênin là không khoa học, không thể kiểm nghiệm được trong thực tế; nó chỉ tồn tại trong những bộ óc hoang tưởng và bệnh hoạn, được Đảng Cộng sản bơm lên thành học thuyết chính thống, để áp đặt sự thống trị của mình lên toàn xã hội”.

Khi Đảng ta chủ trương chống “giáo điều’ và thực hiện “mở cửa”, một số người lợi dụng các diễn đàn trong các cuộc hội thảo tuyên truyền cho các quan điểm dân chủ tư sản và các khuynh hướng cơ hội đang phát triển ở Liên xô và Đông Âu. Trước sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, các nhà tư tưởng chống cộng lại được dịp phê phán, đả kích chủ nghĩa Mác - Lênin. Họ cố tìm cách phủ nhận tính khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, cố chứng minh rằng Mác - Ăngghen không phải là những nhà khoa học. Họ nói dựng đứng rằng; “Chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ là một ý thức hệ hư ảo”, “một thứ nói dối có ý thức”, “những vở kịch giả hình”, “chứa đày tính chất huyễn tưởng”; còn Lênin thì làm tăng sự huyễn tưởng đó “lên hơn một lần nữa”. Họ lớn tiếng cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin đã phá sản. Thất bại của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu là sự thất bại của chủ nghĩa Mác - Lênin, “Vậy mà Đảng Cộng sản Việt Nam lại lấy thứ đó làm kim chỉ nam cho mọi hành động”... Thực chất những quan điểm đó đều nhằm xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng đi tới phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam.

Để thực hiện âm mưu xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các thế lực thù địch ráo riết công kích các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ. Họ cho rằng nguyên tắc tập trung dân chủ nay đã lỗi thời, nó chỉ phù hợp với hoạt động của Đảng khi chưa giành được chính quyền, trong hoạt động bí mật, hoặc khi lãnh đạo chiến tranh, thực hiện tập trung dân chủ là nguyên nhân gây ra độc đoán, chuyên quyền, gây mất dân chủ, vi phạm nhân quyền, nhân đạo trong Đảng, trong xã hội. Thực chất của âm mưu này là nhằm phá vỡ khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, đẩy Đảng về thời kỳ “tiểu tổ, phân tán”, đi theo khuynh hướng dân chủ tự do vô chính phủ, từng bước làm mất sức mạnh và vai trò, uy tín của Đảng đối với toàn xã hội...

Thời gian qua, thông qua các “kênh”: báo, đài, Internet; văn hoá, sách báo, phim ảnh, các diễn đàn chính trị quốc tế… các quan điểm sai trái này đã len lỏi vào tư tưởng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên của Đảng và quần chúng nhân dân. Sự xâm nhập của các quan điểm thù địch, sai trái đã làm cho nguy cơ “tự diễn biến” gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp tới chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận thanh niên, sinh viên và một số văn nghệ sĩ, trí thức “cấp tiến”. Các thế lực thù địch xác định, thanh niên, sinh viên là một trong những mũi nhọn để truyền bá các quan điểm sai trái, thù địch. Một số văn nghệ sĩ, trí thức cũng bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động đấu tranh đòi tự do tuyệt đối về tư tưởng trong sáng tạo. Nguy hiểm hơn, trước sự thâm nhập của những quan điểm tư tưởng sai trái đó có không ít cán bộ, đảng viên suy giảm lòng tin vào mục tiêu, lý tưởng, vào sự lãnh đạo của Đảng, hoang mang dao động, giảm sút ý chí chiến đấu, thậm chí một số người sa ngã, tham gia vào việc truyền bá, phát tán các tài liệu có quan điểm thù địch, sai trái chống đối Đảng, chống đối chế độ.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, trước những yêu cầu đòi hỏi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã sớm nhận thức rằng, để đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, Đảng phải thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu. Phát huy dân chủ trong Đảng, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ vững kỷ cương, kỷ luật; thường xuyên tự phê bình và phê bình, nói thẳng, nói thật; giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đấu tranh kiên quyết đối với những phần tử cơ hội. Chăm lo xây dựng tổ chức bộ máy trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, thẩm quyền, trách nhiệm rõ ràng, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Coi trọng xây dựng tổ chức cơ sở đảng; chăm lo xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ bản lĩnh chính trị, phẩm chất, trí tuệ và năng lực hoạt động thực tiễn. Tạo sự chuyển biến thực sự và đồng bộ trong công tác cán bộ; coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt, trọng dụng nhân tài. Bất luận trong hoàn cảnh nào, Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, quyết định của Đảng để phát huy ưu điểm, phòng ngừa và khắc phục kịp thời sai lầm, khuyết điểm; xây dựng tổ chức đảng, cơ quan nhà nước và cán bộ, đảng viên ngày càng trong sạch, vững mạnh. Mặt khác, Đảng phải thường xuyên đổi mới và hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng; phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, tính tích cực, chủ động, sáng tạo của Mặt trận, các đoàn thể nhân dân.

 Cùng với việc xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cần tổ chức tốt, chặt chẽ cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận. Công tác tư tưởng phải được đổi mới, ngày càng thiết thực và hiệu quả; đẩy mạnh tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, giải đáp cho được những vấn đề cơ bản, vừa bức thiết nảy sinh trong sự nghiệp đổi mới, nhằm bổ sung, hoàn thiện đường lối của Đảng, khắc phục bệnh quan liêu, tham nhũng, chống suy thoái trong Đảng cầm quyền; khắc phục nhanh chống sự sơ hở, yếu kém không để khe hở cho những quan điểm tư tưởng sai trái thâm nhập.

Chủ động có giải pháp đúng đắn để ngăn chặn và vô hiệu hoá mọi thủ đoạn tung tin, truyền bá những quan điểm thù địch, sai trái tạo ra khả năng “miễn dịch” cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ - đây là vấn đề cực kỳ quan trọng ảnh hưởng đến sự sống còn của Đảng, của chế độ trong tình hình hiện nay. Tuyên truyền, giáo dục cho mọi người nâng cao nhận thức, mài sắc tinh thần cảnh giác cách mạng, chống “tự diễn biến” trước các âm mưa, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng lý luận. Kịp thời phát hiện các hoạt động và các luận điệu xuyên tạc, lừa bịp, mị dân của các phần tử cơ hội chính trị và các thế lực thù địch, từ đó có phương sách đối phó một cách hiệu quả.

Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân cần tỉnh táo, sáng suốt phân tích và nhận rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền, lừa bịp của các thế lực thù địch. Cần phân biệt các quan điểm sai trái với các ý kiến phát biểu, kiến nghị của một số người có ý thức tổ chức, tâm huyết với đất nước. Cần có quy chế rõ ràng để tạo điều kiện tăng cường đưa thông tin của Việt Nam lên mạng Internet, đặc biệt cần có đội ngũ phóng viên - các cây viết sắc bén để phản kích lại các thông tin chống phá ta đưa tức thời lên mạng. Chính những thông tin chính thống này sẽ vạch trần sự xuyên tạc, gây hiểu nhầm về chính sách của Đảng và Nhà nước ta./.

 

1 nhận xét:

  1. Mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cần nâng cao cảnh giác với các luận điệu chống phá của các thế lực thù địch; đồng thời tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn hiểm độc, tinh vi của chúng

    Trả lờiXóa