Là quốc gia có phần lớn diện tích nằm ở Trung Á và một phần nhỏ lãnh thổ nằm ở Đông Âu, Kazakhstan có vị trí thuận lợi trong việc kết nối giữa châu Á và châu Âu. Hiện Kazakhstan đang triển khai nhiều chương trình, sáng kiến như: Nurly Zhol (Con đường sáng); Hợp tác kinh tế khu vực Trung Á (CAREC); Tuyến vận tải quốc tế xuyên Caspi (TITR)... nhằm hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm quá cảnh và logistics tại Trung Á, đặc biệt là trung tâm vận chuyển hàng hóa đường bộ nối liền Trung Quốc với châu Âu. Kazakhstan là nước thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất tại khu vực Trung Á, với lĩnh vực đầu tư chính là khai khoáng, đặc biệt là than đá, dầu mỏ, khí gas. 

Xã luận: Vun đắp quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp Việt Nam - Kazakhstan

Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải đón Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev tại Sân bay quốc tế Nội Bài. 

    Kazakhstan thực hiện đường lối đối ngoại đa phương, cân bằng, phấn đấu nâng cao vị thế ở châu Á; là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế như: Liên hợp quốc (LHQ), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Hội nghị về phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA), Đối thoại hợp tác châu Á (ACD), Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO)...

    Hợp tác kinh tế là một trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Kazakhstan. Tháng 10-2016, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) mà Kazakhstan là thành viên bắt đầu có hiệu lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại giữa hai nước. Theo số liệu thống kê, năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam-Kazakhstan đạt 584 triệu USD. Bốn tháng đầu năm 2023, trao đổi thương mại song phương đạt 124,2 triệu USD, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kazakhstan có tiềm năng lớn để tăng xuất khẩu sang Việt Nam các loại hàng hóa thuộc các ngành thực phẩm, xây dựng, hóa chất, luyện kim, hóa dầu. Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu sang Kazakhstan chủ yếu các sản phẩm như điện thoại và linh kiện, máy móc, thiết bị, hàng điện tử, nông-hải sản, quần áo, giày dép...

    Trong các năm vừa qua, Việt Nam có những bước phát triển kinh tế vượt bậc, trở thành một điểm sáng kinh tế trong khu vực. Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Kazakhstan cũng có nhiều điểm nhấn nổi bật khi Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Kazakhstan tại khu vực Đông Nam Á, còn Kazakhstan là đối tác lớn thứ hai của Việt Nam trong EAEU. Hợp tác kinh tế giữa hai nước còn nhiều dư địa để phát triển, nhất là trong các lĩnh vực như du lịch, logistics, nông nghiệp, xây dựng... Hai nước đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 1,5 tỷ USD vào năm 2030.

    Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 29-6-1992, mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp Việt Nam-Kazakhstan ngày càng được vun đắp và phát triển. Hợp tác chính trị, đối ngoại ngày càng được tăng cường trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội. Trao đổi đoàn cấp cao, tiếp xúc song phương được khôi phục mạnh mẽ sau thời gian dài đại dịch Covid-19. Hai nước phối hợp hành động chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại LHQ và các diễn đàn quốc tế khác; chia sẻ nhiều quan điểm và lập trường chung trong các vấn đề quốc tế. Kazakhstan đã ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, Hội đồng chấp hành UNESCO và Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026. Việt Nam đã ủng hộ Kazakhstan vào Nhóm Viễn Đông thuộc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

    Hai bên có tiềm năng hợp tác du lịch lớn, đặc biệt là sau khi mở đường bay thẳng Việt Nam-Kazakhstan từ năm 2022, với tần suất 7 chuyến mỗi tuần. Từ tháng 9-2019, Kazakhstan đã áp dụng quy chế miễn thị thực đơn phương cho công dân Việt Nam trong thời hạn 30 ngày. Hai nước cũng đã ký nhiều hiệp định về hợp tác kinh tế và thương mại, giáo dục, bảo hộ đầu tư, tương trợ tư pháp...

    Trên cơ sở phát huy hơn nữa lợi thế của mỗi nước và truyền thống hữu nghị giữa hai bên, có thể khẳng định, trong thời gian tới, quan hệ Việt Nam-Kazakhstan sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, hai bên tiếp tục duy trì ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế. Chúng ta tin tưởng, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Kassym-Jomart Kemelevich Tokayev sẽ thành công tốt đẹp, góp phần thúc đẩy hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực tiềm năng.