Xây dựng các chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội phù hợp với xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội
(LLCT) - Để xây dựng các chính sách phát triển xã hội phù hợp và có hiệu quả cần dựa trên việc nắm bắt và dự báo đúng xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội trong các giai đoạn phát triển. Bài viết tập trung phân tích biến đổi cơ cấu xã hội ở nước ta, từ đó nhận diện một số thách thức chủ yếu, đồng thời đề xuất một số giải pháp góp phần hoạch định chính sách phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội phù hợp với xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Cơ cấu xã hội được hình thành và biến đổi dưới tác động của các tiến trình kinh tế - xã hội, như tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu ngành, nghề trong nền kinh tế dẫn đến biến đổi cơ cấu lao động - việc làm; quá độ dân số dẫn đến biến đổi cơ cấu lứa tuổi của dân số; quá trình đô thị hóa dẫn đến biến đổi cơ cấu dân cư đô thị - nông thôn. Mặt khác, sự biến đổi cơ cấu xã hội còn chịu tác động của các chính sách đặc thù hướng đến phát triển ngành, lĩnh vực hoặc nhóm xã hội nhất định, như chính sách phát triển giai cấp công nhân và chiến lược phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo đều hướng đến gia tăng tỷ trọng công nhân trong cơ cấu lao động việc - làm, hay chính sách dân số và phát triển dẫn đến giảm tỷ trọng trẻ em và gia tăng tỷ trọng người cao tuổi trong dân số.
Trải qua hơn 35 năm đổi mới, dưới tác động của phát triển kinh tế - xã hội cùng các chính sách đặc thù của Đảng và Nhà nước đối với các thành phần kinh tế, các nhóm xã hội, đất nước ta đã có một cơ cấu xã hội đa cấu trúc, nhiều chiều cạnh(1). Với mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao, công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển vào năm 2045, cơ cấu xã hội ở đất nước ta sẽ tiếp tục biến đổi mạnh mẽ tuân theo các quy luật tự nhiên và phù hợp với định hướng đường lối, chủ trương phát triển của Đảng và Nhà nước.
Tại Đại hội XIII, Đảng ta nêu rõ yêu cầu trong xây dựng các chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội là cần: “Trên cơ sở dự báo đúng xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội ở nước ta trong những năm tới, xây dựng các chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội phù hợp, giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, kiểm soát phân tầng xã hội...”(2). Ở tầm chiến lược trung và dài hạn, các vấn đề về phát triển đất nước nói chung và phát triển xã hội nói riêng không thể tách rời ảnh hưởng và tác động của xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội nước ta trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
1. Xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội trong một số lĩnh vực
Dân số
Biến đổi cơ cấu dân số Việt Nam trong thời kỳ quá độ dân số từ mức sinh cao sang mức sinh thấp có tác động sâu sắc đến các yếu tố đầu vào cho phát triển kinh tế - xã hội như: nguồn lực, nhu cầu tiêu dùng... Hiện nay, biến đổi cơ cấu dân số theo chiều hướng già hóa dân số đang đặt ra những thách thức mới trong bảo đảm cung cấp các dịch vụ xã hội cho người cao tuổi, bao gồm cả y tế, chăm sóc sức khỏe, cũng như việc làm và thu nhập.
Số liệu đã công bố của Tổng điều tra dân số năm 2009 và 2019 cho thấy, mức sinh ở Việt Nam ổn định ở mức sinh thay thế (Tổng tỷ suất sinh - TFR tương đương 2,1 con/người phụ nữ). Tuy nhiên, phân tích số liệu tổng thể kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, mức sinh có thể xuống dưới 2,1, thậm chí đạt mức 1,85. Cùng với đó, số liệu phân tích theo 6 vùng kinh tế - xã hội cho thấy, chỉ số TFR của cả 6 vùng đều thấp hơn so với các kết quả đã công bố. Chỉ có 3/6 vùng kinh tế - xã hội có mức sinh bằng hoặc cao hơn 2,09 là trung du và miền núi phía Bắc, (TFR là 2,38, so với kết quả công bố 2,43); Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (TFR là 2,11, so với kết quả công bố 2,43); Tây Nguyên (TFR là 2,32, so với kết quả công bố là 2,43). Ngược lại, vùng Đông Nam Bộ có mức sinh thấp ở mức báo động (TFR là 1,27, so với kết quả công bố là 1,56); tiếp theo là đồng bằng sông Cửu Long (TFR là 1,5, so với kết quả công bố là 1,8) và đồng bằng sông Hồng (TFR là 2,04, so với kết quả công bố là 2,35).
Với mức sinh giảm sâu, kịch bản già hóa dân số và cơ cấu dân số vàng ở nước ta sẽ rút ngắn đáng kể so với dự báo chính thức hiện nay dựa trên TFR là 2,09 (đã ước lượng thời điểm năm 2039 Việt Nam sẽ chuyển sang dân số già với tỷ lệ người già chiếm trên 14% (65 tuổi trở lên) hoặc 20% (60 tuổi trở lên)). Tuy nhiên, với mức sinh là 1,85 thì thời điểm này hoàn toàn có thể đến sớm hơn vào năm 2035 - 2036. Cùng với đó là kết thúc giai đoạn cơ cấu dân số vàng ở nước ta. Tốc độ già hóa dân số nhanh sẽ tăng thêm áp lực lên hệ thống an sinh xã hội vốn chưa được hoàn thiện ở nước ta.
Lao động - việc làm
Về chuyển dịch cơ cấu lao động: giai đoạn 2016 - 2020, cơ cấu các ngành kinh tế có sự dịch chuyển theo xu hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và tỷ trọng ngành dịch vụ. Năm 2020, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 33,1% (giảm 8,5% so với năm 2016); khu vực công nghiệp và xây dựng là 30,8% (tăng 5,6%); khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất 36,1% (tăng 2,9%). Tuy nhiên, khu vực công nghiệp - xây dựng có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất qua 5 năm là 22%, phản ánh sự chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp năng suất thấp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ có năng suất lao động cao hơn và thu nhập tốt hơn.
Với định hướng trở thành quốc gia công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2030, trong 10 năm tới, khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ sẽ tạo việc làm nhiều hơn và thu hút nhiều hơn nữa lao động từ khu vực nông nghiệp.
Về chất lượng việc làm thông qua quan hệ lao động: hiện nay vẫn tồn tại một tỷ lệ lớn người làm việc không có quan hệ lao động, tức là không dựa trên các hợp đồng lao động. Đây là nhóm người lao động không được bảo đảm về quyền lợi, dễ bị tổn thương trước các biến cố sản xuất - kinh doanh hoặc biến cố xã hội lớn (mất việc, mất thu nhập, không có bảo hiểm).
Năm 2020, tỷ lệ việc làm dễ bị tổn thương giảm xuống còn 44% so với 65% vào năm 2011(3). Như vậy hiện nay, cứ 5 người làm việc thì 2 người không có hợp đồng làm việc chính thức, và được xếp vào nhóm lao động dễ tổn thương... Trong năm 2020, số lao động có việc làm phi chính thức là 20,3 triệu người, tăng 119,1 nghìn người, số lao động có việc làm chính thức là 15,8 triệu người, giảm 21,1 nghìn người so với năm 2019. Việc rời khu vực việc làm chính thức để quay trở lại khu vực việc làm phi chính thức, không có quan hệ lao động là một tín hiệu không tốt cho diễn biến thị trường lao động việc làm trong tương lai.
Các số liệu thống kê cho thấy, người lao động không có hợp đồng lao động chiếm đa số trong gần 70% người lao động chưa có bảo hiểm xã hội. Đây sẽ là một khoảng trống lớn trong bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, đặc biệt khi xảy ra các biến cố xã hội lớn, như đại dịch Covid-19. Do đó, trong những năm tới nước ta đứng trước thách thức tạo việc làm cho người lao động, bao gồm tỷ trọng ngày càng cao của việc làm dựa trên hợp đồng lao động chính thức để bảo đảm sàn bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Về trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động: Năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ chỉ đạt 26,1%, không đạt mục tiêu Chiến lược phát triển Dạy nghề thời kỳ 2011-2020 (55% vào năm 2020, trong đó trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề chiếm tỷ lệ là 23%)(4). Đồng thời, tỷ lệ thấp này có biểu hiện lệch về cơ cấu đào tạo nghề đối chiếu với yêu cầu của chuyển đổi cơ cấu ngành nghề kinh tế.
Trong khi tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chung là 26,1% thì tỷ lệ này trong một số ngành công nghiệp lại thấp một cách đáng báo động như: Công nghiệp chế biến, chế tạo, từ 18,5% (năm 2016) giảm xuống 17,9% (năm 2020); Xây dựng là 13,9% (trong suốt giai đoạn 2013-2020)... Tỷ lệ rất thấp lao động qua đào tạo ở khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo tác động trực tiếp đến năng suất lao động. Năng suất lao động ở ngành này thấp, chỉ bằng 9,2% mức năng suất lao động chung cả nước(5).
Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là do phần lớn doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (gồm cả doanh nghiệp FDI) tham gia ở các khâu, công đoạn có giá trị gia tăng thấp, như: gia công, lắp ráp..., không có giá trị gia tăng kinh tế cao. Đồng thời các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo luôn là nơi tập hợp nhiều nhất lao động dôi dư từ quá trình phi nông nghiệp hóa với đa số người lao động đi vào các ngành nghề thâm dụng lao động như dệt, may mặc, da giày, điện tử, hóa chất...). Nếu xu hướng trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp và yếu như hiện nay kéo dài sẽ là một yếu tố cản trở lớn đến mục tiêu phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo để đạt 40% sản xuất công nghiệp vào năm 2030.
Một trong những thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là quá trình tự động hóa và người máy hóa thực hiện sản xuất không chỉ đe dọa việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung (trung cấp, cao đẳng) cũng sẽ bị ảnh hưởng, nếu như họ không được trang bị những kỹ năng mới - kỹ năng sáng tạo cho nền kinh tế 4.0.
Dự báo khoảng 5 - 10 năm tới, sẽ có khoảng 50% máy móc thay thế con người vận hành sản xuất, kinh doanh và các quy trình quản trị, và sẽ khiến khoảng 1 tỷ người lao động trên toàn cầu và hàng triệu người lao động ở Việt Nam bị thiếu việc làm, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thâm dụng lao động(7). Chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh, một mặt góp phần tăng năng suất lao động, thêm giá trị gia tăng, đồng thời đòi hỏi người lao động trong tương lai cần được trang bị kiến thức và kỹ năng số hóa để có thể tham gia thị trường lao động cạnh tranh. Mặt khác, chuyển đổi số đặt ra yêu cầu cấp thiết đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin như nhóm lao động trình độ chuyên môn cao tham gia trực tiếp vào nền kinh tế số và hỗ trợ đắc lực cho chuyển đổi số trong hoạt động nhà nước và cả xã hội.
Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số xác định, kinh tế số sẽ chiếm 25% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030 với nhu cầu nhân lực tương xứng là 1,2 triệu và 1,5 triệu lao động kỹ thuật số(8). Do đó, trong những năm tới, cần đẩy mạnh quy mô đào tạo nghề mới gắn liền với cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho lực lượng lao động. Cùng với đó là bảo đảm cơ hội tái đào tạo nghề cho người lao động để phòng ngừa rủi ro mất việc làm và không tìm được việc làm mới.
Về phân hóa thu nhập
Trong 2 thập niên đầu thế kỷ XXI, khoảng cách thu nhập giữa nhóm 20% giàu nhất với 20% nghèo nhất đã tăng từ 8,2 lần (năm 2002) lên hơn 10,2 lần (năm 2019). Tiến trình này trực tiếp dẫn đến hệ số bất bình đẳng (Gini) đã chạm ngưỡng bất bình đẳng cao từ năm 2016 với mức trên 0,4. Tuy nhiên, hệ số Gini không biến động nhiều và thậm chí còn giảm nhẹ (năm 2016: 0,431; năm 2019: 0,423).
Bên cạnh xu hướng chung về phân hóa giàu nghèo gia tăng thì một xu hướng tích cực trong phân hóa giàu nghèo thời gian qua: vùng miền, địa phương nào có trình độ phát triển kinh tế và thu nhập bình quân đầu người cao hơn thì mức độ bất bình đẳng thu nhập có khuynh hướng giảm đi. Năm 2019, sự bất bình đẳng trong phân phối thu nhập ở nông thôn cao hơn so với thành thị (0,415 điểm so với 0,373 điểm); vùng trung du và miền núi phía Bắc, vùng Tây Nguyên có hệ số bất bình đẳng cao hơn hẳn các vùng khác (0,438 điểm và 0,443 điểm), trong khi đó hai vùng kinh tế trọng điểm của đất nước là đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ lại có hệ số bất bình đẳng thấp nhất là 0,387-0,375 điểm. Thu nhập bình quân đầu người theo tháng của khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng cao hơn từ 2 đến 2,5 lần so với vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2020 là 0,704, đứng thứ 117, chính thức đưa Việt Nam vào nhóm có chỉ số HDI cao (trên 0,7). Khi tính chỉ số HDI điều chỉnh theo bất bình đẳng (HDI – adjusted by inequality) thì Việt Nam đạt con số 0,588, đứng thứ 107 với chênh lệch thứ hạng là +10(9). Nhìn toàn cảnh, mức độ điều chỉnh giảm của chỉ số HDI theo bất bình đẳng ở Việt Nam phụ thuộc nhiều vào bất bình đẳng trong thu nhập, trong khi đó mức độ bất bình đẳng trong tuổi thọ và giáo dục lại ở mức độ thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Như vậy, phân tầng xã hội theo mức sống biểu hiện qua phân hóa giàu - nghèo là một vấn đề chính sách lớn, quan trọng, đòi hỏi sự tác động và điều chỉnh của hệ thống chính sách và quản lý của nhà nước để phòng ngừa và kiểm soát các hệ quả không mong muốn có thể nảy sinh từ bất bình đẳng xã hội - kiểm soát phân tầng xã hội.
2. Phương hướng và giải pháp góp phần hoạch định các chính sách quản lý phát triển xã hội phù hợp với xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội
Thứ nhất, chú trọng vấn đề tạo việc làm song hành với tăng trưởng kinh tế.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, quá trình này tất yếu làm thay đổi tỷ trọng lao động của Việt Nam. Phương châm của chuyển dịch cơ cấu lao động là phải phù hợp với cơ cấu kinh tế, có tác động thúc đẩy tăng trưởng gắn với tạo ra việc làm cho hàng triệu người lao động trong những năm tới. Đặc biệt, nhu cầu rất lớn trong chuyển đổi nghề nghiệp cho các lao động dôi dư từ khu vực nông nghiệp do tác động của công nghiệp hóa. Xét từ góc độ tạo việc làm, chủ trương của Đảng về phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, coi đây là động lực cho tăng trưởng là hết sức đúng đắn và mang tính dẫn dắt thực tiễn. Kinh nghiệm các quốc gia và ở Việt Nam cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân có khả năng tạo việc làm vượt trội so với khu vực kinh tế nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay, với trên 800 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động và 5,4 triệu hộ kinh doanh gia đình, thì kinh tế tư nhân đóng góp 39-40% GDP nhưng chiếm tới 85% việc làm của toàn bộ nền kinh tế(10). Do đó, xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân chính là chiến lược hỗ trợ tạo việc làm hiệu quả nhất.
Đổi mới hệ thống đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường mang tính dự báo cho giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, người lao động không chỉ được đào tạo nghề một lần mà cần có cơ hội và điều kiện tái đào tạo nghề trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể lấy đi nhiều việc làm truyền thống và đặt yêu cầu tái trang bị, đào tạo kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp ở tốc độ cao hơn. Chiến lược phát triển thị trường lao động đến năm 2030 yêu cầu đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo là 30% (vào năm 2025) và 35 - 40% (vào năm 2030)(11) được coi là mục tiêu kỳ vọng cao so với thực tiễn hiện nay (26,1%).
Cần thiết xã hội hóa và tư nhân hóa mạnh mẽ các hoạt động đào tạo nghề với sự tham gia của doanh nghiệp để phục vụ chính nhu cầu của thị trường, coi đây là một hoạt động kinh doanh đáp ứng nhu cầu thị trường.
Thứ hai, tăng chi tiêu cho các lĩnh vực xã hội, trong đó chú trọng an sinh và phúc lợi xã hội để giảm thiểu hệ quả phân hóa giàu nghèo
Chức năng xã hội của Nhà nước chỉ có thể được thực hiện có hiệu lực và hiệu quả khi có nguồn lực chi cho các mục tiêu phát triển xã hội và bảo đảm cơ cấu chi phù hợp cho các lĩnh vực phát triển xã hội. Đồng thời, khi được chi đúng đối tượng, đúng mục tiêu thì chi xã hội sẽ góp phần giảm thiểu phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội. Khảo sát chi ngân sách Trung ương trong 5 năm trở lại đây cho thấy, chi bảo đảm xã hội có khuynh hướng ít thay đổi về số lượng nhưng lại suy giảm về tỷ trọng trong ngân sách Trung ương. Năm 2017: 21,2%, đến năm 2021 còn 17,9%(12). Khuynh hướng này là chưa phù hợp với yêu cầu chung của phát triển xã hội khi trình độ phát triển kinh tế - xã hội càng cao, thì tổng lượng và tỷ trọng chi cho các lĩnh vực xã hội càng lớn. Một mặt, chi của Nhà nước phục vụ các nhu cầu của thế hệ hiện nay, đặc biệt trong các biến cố xã hội lớn như dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, mặt khác chi cho xã hội trong giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe... lại được coi là một nguồn đầu tư quan trọng bậc nhất cho sự phát triển của đất nước trong tương lai.
Ở các nước phát triển, chi tiêu xã hội (bao gồm chi cho giáo dục, y tế, trợ cấp và thay thế) chiếm đến 25 - 35% tổng chi tiêu xã hội. Thậm chí, sự gia tăng chi tiêu của nhà nước cho các lĩnh vực xã hội phản ánh quá trình hình thành nhà nước xã hội (phúc lợi xã hội) trên thế giới hiện nay(13).
Văn kiện Đại hội XIII bổ sung phạm trù dân hưởng lợi bên cạnh yêu cầu dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Do đó, yêu cầu dân hưởng lợi cần thiết được hiện thực hóa thực chất thông qua cơ cấu chi bảo đảm xã hội nói riêng và chi cho các lĩnh vực xã hội nói chung theo hướng gia tăng dần.
Để tạo nguồn thu cho ngân sách, cần thiết hoạch định lộ trình cho các sắc thuế đánh vào nhóm thu nhập rất cao (siêu giàu), đối với tài sản và tích lũy qua thế hệ (thuế thừa kế). Qua 35 năm đổi mới, với sự hình thành tầng lớp giàu có trong xã hội, đã xuất hiện thế hệ thứ hai của nhà giàu được coi là những người thừa kế tài sản, có thu nhập không thông qua lao động, bao gồm cả tích lũy thông qua “phân tầng không hợp thức”. Do đó cần thiết nghiên cứu loại hình và mức thuế phù hợp để bảo đảm công bằng xã hội giữa các nhóm xã hội nhưng đồng thời không kích động chạy trốn tư bản(14).
Thứ ba, đổi mới phương thức hoạch định và thực thi chính sách phát triển xã hội
Tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp ngay từ các bước đầu tiên của xây dựng chính sách phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội. Sự tham gia thực chất của người dân vào quá trình xây dựng và thực thi chính sách là một yếu tố quan trọng tác động đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và đánh giá thực thi chính sách. Đối với phát triển xã hội, vốn là những lĩnh vực gần gũi đời sống của người dân, cần thiết phải coi các đóng góp của người dân là một nguồn lực cả vật chất và tinh thần để xây dựng các phương án chính sách phù hợp với nhu cầu của người dân. Đồng thời, quyền tham gia quyết định khi được hiện thực hóa, sẽ tác động tích cực đến việc huy động nguồn lực xã hội cho các mục tiêu phát triển xã hội.
Cần xây dựng các chỉ báo mới phản ánh khía cạnh chất lượng cơ cấu xã hội phù hợp với trình độ phát triển và mục tiêu phát triển xã hội bền vững. Với mục tiêu quản lý phát triển xã hội bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, việc thụ hưởng các thành quả phát triển của người dân trở thành một tiêu chí quan trọng đánh giá hiệu quả của đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách phát triển của Nhà nước. Mặt khác, do tính chất đa cơ cấu của xã hội cũng như bản thân tiến trình phát triển kinh tế - xã hội lại có khả năng làm mới lại các tiêu chí đánh giá cụ thể kết quả thực hiện các chính sách phát triển. Do đó, hướng đến việc bảo đảm cơ cấu xã hội hài hòa, cần thiết tính toán đến các tiêu chí nhận diện cơ cấu xã hội theo các mục tiêu phát triển xã hội lớn, như cơ cấu xã hội về bảo hiểm xã hội; hay cơ cấu lao động - việc làm bền vững và thỏa đáng...
Tăng cường công tác dự báo trong hoạch định chính sách phát triển, đặc biệt chú trọng kết quả điều tra và dự báo xã hội từ phía người dân và doanh nghiệp, coi đó là nguồn thông tin đầu vào quan trọng cho thảo luận và lựa chọn các giải pháp chính sách phù hợp nhu cầu xã hội. Các quyết định chính sách và quản lý nhằm đạt mục tiêu xác định mà Đảng và Nhà nước đặt ra trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội cũng như giải quyết các vấn đề phát triển cả ngắn hạn và dài hạn.
Thực tiễn cho thấy, các quyết định này có tác động khác nhau đến các nhóm đối tượng xã hội khác nhau. Bên cạnh đó, các quyết định này có tác động thúc đẩy hoặc điều tiết các tiến trình kinh tế - chính trị - xã hội, mà theo đó, các nhóm xã hội, một mặt tham gia vào việc thực hiện triển khai các quyết định, mặt khác được hưởng lợi từ việc thực thi các quyết định này.
Để bảo đảm hiệu quả hoạch định và thực thi các quyết định, cần thiết thực hiện các đánh giá tác động trên cả ba phương diện: kinh tế, môi trường và xã hội. Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, đánh giá tác động xã hội trở thành yêu cầu quan trọng và có tính bắt buộc đối với các quyết sách lớn. Làm tốt công tác dự báo xã hội và đánh giá tác động xã hội chính là thực hiện yêu cầu của Đại hội XIII về “gắn kết chặt chẽ khoa học xã hội và nhân văn với khoa học tự nhiên và công nghệ trong quá trình triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước”(15).
__________________
(1) Nguyễn Đình Tấn: “Sự biến đổi của cơ cấu giai - tầng xã hội và những vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay”, Tạp chí Lý luận chính trị, số 6-2019.
(2), (15) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.148, 227.
(3) Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Tổ chức Lao động quốc tế ILO: Đánh giá chương trình hợp tác quốc gia về việc làm bền vững ở Việt Nam 2017 - 2021.
(4) Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 630-QĐ/TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020, https://thuvienphapluat.vn/
van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Quyet-dinh-630-QD-TTg-phe-duyet-Chien-luoc-phat-trien-Day-nghe-139909.aspx, truy cập ngày 22-11-2021.
(5) Tổng cục Thống kê: Động thái và thực trạng kinh tế - xã hội Việt Nam 5 năm 2016 - 2020, Nxb Thống kê, 2021, tr.190-191.
(6) Lao động đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ bao gồm những người thỏa mãn cả hai điều kiện: (1) Đang làm việc trong nền kinh tế hoặc thất nghiệp; (2) Đã được đào tạo ở một trường hay một cơ sở đào tạo chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ thuộc Hệ thống giáo dục quốc dân từ 3 tháng trở lên, đã tốt nghiệp, được cấp bằng/ chứng chỉ chứng nhận đã đạt một trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ nhất định.
(7) “Xây dựng nguồn nhân lực Cách mạng 4.0 - Nhiều thách thức” https://www.mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/149808/Xay-dung-nguon-nhan-luc-cach-mang-4.0-Nhieu-thach-thuc.html, truy cập ngày 22-11-2021.
(8) “Phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP” http://baochinhphu.vn/Chinh-sach-moi/Phan-dau-den-nam-2025-ti-trong-kinh-te-so-dat-20-GDP/441990.vgp, truy cập ngày 22-11-2021.
(9) UNDP: Human Development Report 2020, The next frontier - Human development and the Anthropocence - (Báo cáo phát triển con người năm 2020 - Giới hạn mới về sự thống trị của loài người 2021).
(10) “Phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam: Cần đổi mới toàn diện cách làm”, https://baochinhphu.vn/Kinh-te/Phat-trien-kinh-te-tu-nhan-o-Viet-Nam-Can-doi-moi-toan-dien-cach-lam/425640.vgp, truy cập ngày 6-1-2022.
(11) Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 176-QĐ/TTg ngày 5-2-2021 về việc Ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Quyet-dinh-176-QD-TTg-2021-Chuong-trinh-ho-tro-phat-trien-thi-truong-lao-dong-den-nam-2030-464832.aspx, truy cập ngày 22-11-2021.
(12) Bộ Tài chính: Công khai ngân sách nhà nước các năm 2016 - 2021, https://ckns.mof.gov.vn/SitePages/home.aspx, truy cập ngày 22-11-2021.
(13) Thomas Piketty: Tư bản thế kỷ XXI, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2021, tr.594.
(14) “Thuế thu nhập của người giàu hiện ở mức cao nhất trong OECD”, https://www.vietnamplus.vn/thue-thu-nhap-cua-nguoi-giau-hien-o-muc-cao-nhat-trong-oecd/739626.vnp, truy cập ngày 6-1-2022.
nguồn: TS BÙI PHƯƠNG ĐÌNH
Viện Xã hội học và phát triển,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
bài rất hấp dẫn
Trả lờiXóa