Xây dựng nông dân văn minh là vấn đề rất lớn, rất quan trọng của Đảng. Để người nông dân đạt đến trình độ văn minh, đảm nhận được vai trò chủ thể, vị trí trung tâm, thì phải có thời gian, phương pháp, bước đi tích cực, cụ thể. Theo đánh giá của Trung ương, thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, số hộ khá và giàu tăng. Tuy nhiên, “Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn còn nhiều bất cập; lao động nông thôn có xu hướng già hóa; năng suất lao động và thu nhập bình quân của cư dân nông thôn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Người nông dân văn minh trước hết phải là người nông dân có tri thức. Muốn vậy, cấp ủy phải lãnh đạo cả hệ thống chính trị làm tốt công tác tuyên truyền, để mỗi người nông dân chuyển biến được nhận thức của mình về vai trò chủ thể, có tâm thế tự chủ, có kiến thức, kỹ năng, năng lực, bản lĩnh làm chủ bản thân, làm chủ xây dựng, phát triển cộng đồng dân cư nông thôn. Các cơ quan thông tấn báo chí là công cụ sắc bén, thường xuyên chuyển tải thông tin đến người nông dân.Trên cơ sở đó, các ban, bộ, ngành chức năng của Trung ương, cấp ủy, chính quyền các cấp có các giải pháp đồng bộ, khoa học, sát thực tế với từng vùng, miền nông thôn, để từng bước thực hiện trang bị tri thức cho nông dân.
Đảng, Nhà nước sớm bổ sung cơ chế, chính sách để hỗ trợ nông dân tiếp cận; đào tạo kiến thức, huấn luyện kỹ năng, cập nhật kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, trang bị kiến thức mới, khả năng làm chủ máy móc, thiết bị công nghệ,… cho nông dân. Qua đó, người nông dân sẽ tự cập nhật các vấn đề mới phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh, để nghiên cứu, phân tích và giải quyết các yếu tố liên quan đến năng suất, chất lượng, giá thành sản phẩm; đồng thời, chủ động hơn trong xử lý tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, sử dụng hiệu quả giống mới, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Nhà nước tiếp tục bổ sung cơ chế, chính sách để tạo môi trường, điều kiện tốt nhất cho sự gắn kết “bốn nhà”: Nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp. Sự gắn kết này ngày càng chặt chẽ, thì tri thức người nông dân được nâng cao, nông nghiệp sẽ phát triển nhanh, bền vững. Cần nghiên cứu để quy hoạch và phát triển các trường đào tạo cho nông dân, con em nông dân, vì muốn có một nền nông nghiệp chuyên nghiệp, phải có đội ngũ nông dân chuyên nghiệp hóa. Muốn có một nền nông nghiệp tri thức, người nông dân phải được trang bị tri thức cần thiết.
Ngoài trang bị kiến thức về sản xuất, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, hợp tác xã, cần trang bị cho người nông dân kiến thức về văn hóa để họ chủ động tham gia với cộng đồng, tổ chức các hoạt động vui chơi, thể dục – thể thao, rèn luyện sức khỏe, xây dựng đời sống tinh thần ở nông thôn; đồng thời, trang bị kiến thức để người nông dân tự chủ, tự giác đóng góp sức mình nhằm bảo vệ, tôn tạo, phát huy các di sản, truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc anh em ở các vùng, miền trong cả nước.
Người nông dân văn minh là người có ý thức bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường, xây dựng “tình làng, nghĩa xóm”, ủng hộ, tự nguyện xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã, xây dựng các mối liên kết để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và phát triển toàn diện nông thôn./.
bài rất hấp dẫn
Trả lờiXóa