Khoa học về lãnh đạo, quản lý được hình thành từ hàng nghìn năm trước đây đã sản sinh ra nhiều tư tưởng, lý thuyết khác nhau, đặc biệt là có sự khác biệt tương đối giữa tư tưởng phương Đông và phương Tây. Mỗi tư tưởng, lý thuyết về lãnh đạo, quản lý đều có những giá trị riêng, là tham khảo nhất định đối với Đảng ta trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Tư tưởng phương Đông về lãnh đạo học
Những giá trị cốt lõi của các học thuyết về lãnh đạo trong xã hội phương Đông là dựa trên yếu tố tinh thần, những phương diện thuộc về con người và gắn với cộng đồng. Điểm mạnh của các học thuyết này là khuyến khích sự phát triển đầy đủ các khía cạnh thuộc về con người, bằng cách nuôi dưỡng, chăm lo về tâm hồn, cảm xúc, tinh thần và sự tự do của mỗi cá nhân, tuy nhiên điểm yếu chính là thiếu đi tính kỷ luật, tư duy cụ thể, lạm dụng trực giác và kinh nghiệm chủ quan.
Nghiên cứu về một số lý thuyết lãnh đạo điển hình trong xã hội phương Đông cho thấy rằng, Đức trị, Pháp trị và Vô vi là ba hệ thống tư tưởng, lý luận đã đạt tới trình độ học thuyết, là sản phẩm có giá trị lâu dài, bền vững về khoa học lãnh đạo, quản lý của Trung Quốc thời kỳ cổ đại. Các học thuyết này được sinh ra trong thời loạn lạc, cơ sở hạ tầng của xã hội thấp kém, nhưng lại là thời các nhà cầm quyền trọng nhân tài, cho kẻ sỹ được tự do tư tưởng và ngôn luận, nên các học phái “trăm hoa đua nở”, cạnh tranh với nhau để gây ảnh hưởng tới hoạt động lãnh đạo và quản trị quốc gia.
Thuyết “đức trị” là hệ tư tưởng của Khổng Tử, là học thuyết chính trị có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hóa tinh thần không chỉ đối với Trung Quốc, mà còn đối với nhiều nước khác trong khu vực, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Ma-lai-xi-a…; từ đó, hình thành nên không gian “Văn hóa Khổng giáo” của phương Đông. Hạt nhân lý thuyết lãnh đạo, quản lý “đức trị” của Khổng Tử là đạo Nhân. Con người sinh ra đều có bản chất “Người” (đức nhân), nhưng do năng lực, tài năng và hoàn cảnh sống khác nhau nên đã trở thành những nhân cách không giống nhau. Bằng sự học tập, tu dưỡng không ngừng, con người dần dần hoàn thiện bản chất người của mình - trở thành người có “Nhân”. Theo Khổng Tử, người có đạo Nhân (đủ tài đức) được gọi là “người hiền”, mẫu người hiền điển hình là người quân tử. Nhiều đặc điểm của người quân tử được Khổng Tử nói đến, như: Giữ vững tín nghĩa, không cố chấp điều nhỏ nhặt; thân với mọi người mà không kết đảng, hòa hợp với mọi người mà không a dua; lấy nghĩa làm gốc, theo lễ mà làm, nói năng khiêm tốn, nhờ thành tín mà nên việc; hiểu rộng, biết nhiều, làm được nhiều việc, làm việc tác phong nhanh nhẹn...
Nếu Khổng Tử dùng “nhân trị” và “đức trị”, Mặc Tử chủ trương hòa bình, kiêm ái, bình đẳng giữa người với người, thì Hàn Phi Tử kiên trì đề ra “luật pháp” để trị nước, một khái niệm còn mới thời bấy giờ. Trong bốn trường phái tư tưởng lớn của Trung Quốc (Nho, Mặc, Lão, Pháp), học thuyết “pháp trị”(1) của Hàn Phi Tử mang nhiều điểm khác biệt nhất, thể hiện tính thực tế và hiện đại của một nhà cải cách chính trị. Theo học thuyết này, pháp luật là công cụ đắc lực và hiệu nghiệm nhất để duy trì và củng cố quyền lực chính trị (uy thế) của nhà vua - công cụ của đế vương, chỗ dựa vững chắc nhất để bảo đảm an toàn cho sự ngự trị của vua, nên, nhà vua sáng suốt phải đặt pháp luật lên trên đức hạnh và trên cả người hiền (vụ pháp chứ không vụ đức): “Thánh vương không quý nghĩa mà quý pháp luật”(2). Trong học thuyết “pháp trị” của Hàn Phi, “pháp” phải được kết hợp với “thuật” và “thế”. “Pháp” là nội dung của chính sách cai trị được thể hiện bằng luật lệ; “thế” là công cụ, phương tiện tạo nên sức mạnh, còn “thuật” là phương pháp, cách thức để thực hiện nội dung chính sách cai trị. Theo Hàn Phi Tử, phải lấy “pháp” làm gốc để ổn định trật tự xã hội, nhưng chỉ có “pháp” mà thiếu “thế” tức là quyền lực thì dẫu người làm vua cũng không thể bảo đảm cho bề tôi phục tùng sự cai trị của mình.
Cách tiếp cận về quản trị xã hội và đời sống cá nhân của Lão Tử ngược hoàn toàn với quan điểm của Khổng Tử và Hàn Phi Tử. Ông cho rằng, xã hội ngày càng suy đồi, luân lý bị xem thường chính là do các nhà tư tưởng và các nhà cầm quyền can thiệp vào tính tự nhiên của đời sống, đưa ra nhiều giáo lý, chuẩn mực, luật lệ, quy định và duy trì một bộ máy nhà nước, quân đội lớn, tốn kém... Triết lý cơ bản nhất của Lão Tử về lãnh đạo, quản lý là phải thuận và học hỏi tự nhiên, không được làm trái với các quy luật và bản chất của thế giới tự nhiên có trước loài người. Lão Tử phê phán xã hội đương thời, vì đánh mất tính tự nhiên vốn có, tức là không theo Đạo. Ông cho rằng, giải pháp để xã hội phát triển không phải là cải tạo hiện trạng xã hội theo các mục tiêu, chuẩn mực của Nho gia hay Pháp gia, mà là ngược lại, cần đưa con người về những tình cảm hồn nhiên, bẩm sinh, trong sạch, không suy tính. Tuy nhiên, “vô vi” không có nghĩa là nhà lãnh đạo, quản lý không làm gì, mà chính là thuận theo Đạo để đạt được hiệu quả tối đa, làm ít nhưng được nhiều. “Vô vi nhi trị” mà Lão Tử hướng đến tức là phải thông qua “vô vi” để đạt tới mục đích của “trị”. Lão Tử cho rằng, người lãnh đạo cần biết rằng, trách nhiệm của mình chẳng qua chỉ là “phụ trợ vạn vật tự nhiên”, cần tránh xuất phát từ cái riêng của mình để quản lý một cách bừa bãi, chỉ có làm được như vậy mới có thể khiến hiệu suất quản lý đạt tới mức lớn nhất. Người lãnh đạo, quản lý không nên cố áp đặt ý chí của mình cho người khác, lấy tiêu chuẩn của mình làm tiêu chuẩn phán đoán sự vật. “Vô vi nhi trị” về bản chất chính là loại bỏ sức ép cao từ bên trên, tạo ra sức mạnh từ dưới lên. Thuật lãnh đạo này đòi hỏi người lãnh đạo cần thực hiện việc trao quyền đầy đủ, khiến cho cấp dưới có cơ hội và điều kiện phát huy đầy đủ tài năng, đồng thời bảo vệ và khuyến khích nhân tài một cách thỏa đáng.
bài rất hấp dẫn
Trả lờiXóa