Nghị quyết Đại hội
XIII của Đảng xác định: “Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh
nhuệ, từng bước hiện đại; một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng
lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh. Đến năm
2030 xây dựng một số quân chủng, binh chủng, lực lượng hiện đại”. Để đạt được
mục tiêu này, một trong những biện pháp quan trọng là xây dựng đội ngũ chính
ủy, chính trị viên các cấp trong Quân đội làm nòng cốt với phẩm chất chính trị,
đạo đức, phương pháp, tác phong công tác theo Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chính
ủy, chính trị viên trong Quân đội
Ngay từ những ngày đầu của cách mạng, Chủ tịch
Hồ Chí Minh và Đảng ta đã đặc biệt quan tâm đến xây dựng đội ngũ cán bộ chính
trị trong những tổ chức mầm mống của lực lượng vũ trang cách mạng. Người nhấn
mạnh: “Về mặt chính trị, cấp nào cũng có một người chính trị phái viên do đoàn
thể cách mạng chọn trong bộ đội ấy hoặc phái người ngoài đến làm”. Từ đó đến
nay, ở các đơn vị lực lượng vũ trang cách mạng (lúc đầu từ cấp trung đội, sau
là từ cấp đại đội trở lên) bên cạnh người chỉ huy quân sự bao giờ cũng có người
cán bộ chính trị - người tiêu biểu cho đường lối chính trị, quân sự của Đảng,
được tổ chức đảng lựa chọn và giao nhiệm vụ chỉ đạo, trực tiếp tiến hành công
tác đảng, công tác chính trị, chịu trách nhiệm chủ yếu trước Đảng về bản chất
cách mạng của đơn vị vũ trang mà mình được phân công đảm nhiệm. Là đại biểu của
Đảng bên cạnh người chỉ huy, hơn ai hết, họ là người giữ nghiêm kỷ luật Đảng,
nắm vững và thực hiện tốt các nguyên tắc của Đảng, thật sự tiêu biểu cho sự
đoàn kết thống nhất trong tổ chức đảng và trong toàn đơn vị.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính ủy,
chính trị viên phải có ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm minh. Người chỉ
rõ: “Kỷ luật phải được thi hành từ trên đến dưới. Trách nhiệm của người chỉ huy
quân sự và người chính trị viên phải định rõ ràng”. Theo đó, chính ủy, chính
trị viên không chỉ chấp hành nghiêm túc và triệt để mọi đường lối, chủ trương,
nguyên tắc của Đảng, điều lệnh, điều lệ, kỷ luật của quân đội, mệnh lệnh, chỉ
thị của cấp trên, mà phải thường xuyên chăm lo củng cố, giữ gìn và tăng cường
đoàn kết, kỷ luật trong nội bộ đơn vị, đoàn kết quân dân. Mỗi chính uỷ, chính
trị viên phải là hạt nhân, là trung tâm xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong
cơ quan, đơn vị.
Chính ủy, chính trị viên cũng cần ham
học hỏi, cầu tiến bộ. Bác Hồ cho rằng: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục
suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể
tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân
ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp
nhân dân”. Sự nỗ lực học tập vươn lên là một đòi hỏi tất yếu khách quan, phù
hợp quy luật phát triển của xã hội. Với người cán bộ chính trị, chính uỷ, chính
trị viên, người làm công tác lãnh đạo, công tác giáo dục, xây dựng “hướng dẫn,
dìu dắt quần chúng trên con đường đấu tranh” càng phải tích cực học tập phấn
đấu để không ngừng tiến bộ.
Là người lãnh đạo, quản lý, chỉ huy hằng ngày
tiếp xúc với bộ đội, chính uỷ, chính trị viên phải trong sáng, gương
mẫu về đạo đức lối sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát: “Tư cách của
chính trị viên có ảnh hưởng rất quan trọng đến bộ đội. Người chính trị viên
tốt, thì bộ đội ấy tốt. Người chính trị viên không làm tròn nhiệm vụ, thì bộ
đội ấy không tốt”. Chính vì vậy, Người luôn yêu cầu người cán bộ chính trị,
chính uỷ, chính trị viên phải biết đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của
Nhân dân, của tập thể lên trên lợi ích cá nhân; sống có hoài bão, có lý tưởng,
có niềm tin yêu mãnh liệt đối với bộ đội và Nhân dân; có lối sống trong sáng,
lành mạnh, thẳng thắn, trung thực, khiêm tốn, giản dị với mọi người; kiên quyết
đấu tranh khắc phục mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, để luôn luôn xứng đáng
với lời dạy: “Chính trị viên phải làm người kiểu mẫu trong mọi việc”(5).
Một số nhiệm vụ và giải pháp
Trong bối cảnh hiện nay, tình hình thế giới,
khu vực, trong nước có những diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch ra sức
dùng mọi âm mưu, thủ đoạn thâm độc nhằm lung lạc niềm tin, lý tưởng, ý chí
chiến đấu và lòng trung thành của cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội đối với Đảng,
Nhà nước và chế độ. Xuất phát từ những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ
vị trí, vai trò của chính uỷ, chính trị viên và yêu cầu mới của sự nghiệp xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc, việc thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ, phẩm
chất đạo đức của đội ngũ chính uỷ, chính trị viên là một tất yếu khách quan.
Trong thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng trong Quân đội cần tập trung làm
tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, tăng cường công tác giáo
dục chính trị tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ chính ủy, chính
trị viên, trong đó chú trọng nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, truyền thống
lịch sử, văn hóa của dân tộc; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa đào tạo với rèn
luyện trong thực tiễn. Chú trọng làm tốt việc giáo dục ý thức trách nhiệm, phổ
biến, tuyên truyền các chuẩn mực đạo đức cách mạng theo quan điểm, Tư tưởng Hồ
Chí Minh cho đội ngũ chính uỷ, chính trị viên, làm cơ sở cho việc học tập và
làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, đồng thời làm cơ sở để tuyên
truyền, giáo dục, đạo đức cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị.
Hai là, quán triệt và tổ chức
triển khai thực hiện tốt nội dung quan điểm về rèn luyện phẩm chất đạo đức cách
mạng, chống chủ nghĩa cá nhân theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ XIII của Đảng. Gắn chặt chẽ giữa bồi dưỡng đạo đức cách mạng của
chính uỷ, chính trị viên với việc xây dựng bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng kiến
thức, nâng cao năng lực toàn diện, rèn luyện phương pháp, tác phong công tác
khoa học, dân chủ, sâu sát bộ đội, gắn bó với Nhân dân, lời nói đi đôi với việc
làm.
Ba là, làm tốt công tác
kiểm tra sơ tổng kết, đánh giá đúng thực trạng kết quả bồi dưỡng, rèn luyện đạo
đức của đội ngũ chính uỷ, chính trị viên, chỉ rõ nguyên nhân, kinh nghiệm, làm
tốt công tác biểu dương, khen thưởng, kịp thời nhắc nhở, xử ký các trường hợp
vi phạm phẩm chất đạo đức cách mạng.
Bốn là, mỗi chính uỷ, chính
trị viên cần nêu cao ý thức, trách nhiệm, tân tụy với công việc, thực sự là tấm
gương mẫu mực cả trong chiến đấu cũng như trong lao động và học tập, công tác.
Phải thực sự là tấm gương, là điểm khởi phát, là chỗ dựa đáng tin cậy để đấu
tranh khắc phục những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, kịp
thời ngăn chặn sự tha hóa về đạo đức, lối sống trong đơn vị và ngoài xã hội.
Cán bộ, đảng viên phải thật sự nêu gương trước quần chúng nhân dân về đạo đức, lối sống, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Trả lờiXóa