Tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Trung ương tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khoá XI về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; qua đó đề ra các chủ trương, chính sách, biện pháp phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Lợi dụng sự kiện này, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại cho rằng, bảo vệ Tổ quốc “chỉ cần bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, không cần phải gắn với bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng”. Đây thực chất là quan điểm thù địch, sai trái và phản khoa học, phi thực tiễn nhằm xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) của chúng ta.
Trước hết, cần phải hiểu rằng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN là một trong hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, luôn được Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang và Nhân dân ta đặc biệt quan tâm. Từ Đại hội V của Đảng (1982) đến nay, quan điểm, nhận thức về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam bổ sung, phát triển phù hợp với thực tiễn công cuộc đổi mới trước sự vận động phức tạp, khó lường, khó dự báo của tình hình thế giới.
Thực tiễn cho thấy, việc bổ sung, hoàn thiện quan niệm bảo vệ Tổ quốc phụ thuộc vào điều kiện lịch sử và sự phát triển nhận thức; song, quan điểm nhất quán của Đảng ta là: Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc; bảo vệ vùng đất, vùng trời, vùng biển, biên giới, hải đảo, thềm lục địa; khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên của quốc gia; bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ; bảo vệ Nhân dân, bảo vệ lịch sử truyền thống, văn hóa dân tộc Việt Nam… Tức là bảo vệ cả hai mặt: Tự nhiên – lịch sử và mặt chính trị – xã hội thống nhất biện chứng trong Tổ quốc.
Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đã được luật hóa trong Hiến pháp và pháp luật. Điều 45, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân”; Điều 64 quy định: “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN là sự nghiệp của toàn dân”. Là người Việt Nam yêu nước, yêu Tổ quốc thì đương nhiên phải tham gia thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, đó vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của công dân; đồng thời cũng là tình cảm, trách nhiệm thiêng liêng của mỗi người dân nước Việt.
Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, các nhóm chống đối chính trị trong và ngoài nước ngày càng tăng cường thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, tìm mọi cách tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta mà trực tiếp là tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; suy diễn, xuyên tạc đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng; vu khống, hạ thấp uy tín lãnh đạo của Đảng, Nhà nước hòng làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và tính ưu việt của chế độ ta. Bởi vậy, quan điểm “chỉ cần bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, không cần phải gắn với bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng” thực chất là nhằm hướng tới xóa bỏ tính chất XHCN trong mặt chính trị – xã hội của Tổ quốc Việt Nam hiện nay, làm cho Tổ quốc Việt Nam của Nhân dân ta chệch hướng sang tính chất tư sản. Đây là tư tưởng thù địch, sai trái và phản khoa học, phi thực tiễn. Tính chất sai trái, thù địch và phản khoa học của những quan điểm đó thể hiện ở chỗ: Thứ nhất, mục đích những quan điểm đó là nhằm thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn; thứ hai, việc tách rời mặt tự nhiên – lịch sử và mặt chính trị – xã hội của Tổ quốc là điều không tưởng trong thực tiễn.
Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp hiện nay, quan điểm “chỉ cần bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, không cần phải gắn với bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng” là thực sự nguy hiểm, nó không những làm cho chúng ta lơ là, mất cảnh giác trong thực tiễn bảo vệ Tổ quốc, dễ dẫn đến chỉ chú trọng một chiều, bảo vệ mặt này mà xem nhẹ, thậm chí bỏ qua mặt bảo vệ khác mà còn làm phai nhạt mục tiêu, lý tưởng XHCN trong nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân và chiến sĩ. Cho nên trong nội hàm bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ XHCN là một nội dung quan trọng, là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người Việt Nam yêu nước. Khẳng định sự thống nhất và gắn bó chặt chẽ giữa bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng trong mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN là thể hiện rõ sự kiên định của chúng ta về con đường và mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH trong tình hình mới.
Bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của toàn dân, toàn quân ta, do đó tùy vào nhiệm vụ, công việc và điều kiện cụ thể, mỗi người cần chung tay, góp sức “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, chế độ XHCN, nền văn hóa và lợi ích quốc gia – dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng XHCN”. Xét đến cùng, bảo vệ Tổ quốc trước hết là phải bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, bởi đó là “Kim chỉ nam” để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, đưa cách mạng đến thành công./.
St
bài rất hay
Trả lờiXóa