Từng bị lạc nhịp, cô đơn giữa đàn học trò của mình, bởi các em là người dân tộc thiểu số, nói một thứ tiếng khác, đến nay, sau 23 năm gắn bó với học trò vùng cao ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam), thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ (sinh năm 1979) không chỉ là người gieo chữ mà còn kết nối yêu thương, sẻ chia khó khăn với bà con vùng cao và xây trường, dựng lớp phục vụ cho sự nghiệp giáo dục.
8 năm mới được ăn “tết Nhà giáo”
Anh Nguyễn Trần Vỹ là con cả sinh ra trong một gia đình nghèo có 7 anh chị em, tại huyện Bắc Trà My (Quảng Nam). Học hết phổ thông, do kinh tế gia đình eo hẹp, anh đã chọn học sư phạm để không mất tiền học phí. Hiện nay, anh đang giữ cương vị Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Vừ A Dính thuộc xã Trà Don (huyện Nam Trà My, Quảng Nam).
Gần 6 giờ đồng hồ, đó là số thời gian thầy Vỹ đi bộ sau khi đi 2 chuyến xe khách để tới điểm trường Tu Nất cách nhà hơn 100km, tại xã Trà Mai, huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Đây là nơi anh được phân về công tác sau khi tốt nghiệp vào năm 2000.
“Thú thực lần đầu tiên đến với ngôi trường tại vùng cao tôi đã muốn bỏ nghề, bởi tôi đến với nghề giáo là cần một công việc kiếm sống. Ngôi trường lúc bấy giờ hiện ra trước mắt tôi chỉ là một căn lều tạm được ghép bằng tre, nứa và lợp mấy tấm tôn cũ. Trong lớp chỉ có vài ba bộ bàn ghế siêu vẹo với nền đất ướt nhem nhép,… Đặc biệt, đây là một điểm trường không điện, không sóng điện thoại”, thầy Vỹ tâm sự.
Và rồi thầy giáo Vỹ bắt đầu lên lớp giảng những bài học đầu tiên, thấy được các em học sinh hồn nhiên, trong sáng, có thể đi bộ hàng giờ đồng hồ để đến trường mà chưa bao giờ kêu mệt, các em rất vui khi được đi học, chạy đùa tung tăng khi gặp bạn bè. Những hình ảnh ấy đã khiến thầy Vỹ dần thay đổi suy nghĩ và có thêm động lực cố gắng để bám một điểm trường vẫn còn quá nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Để có thể dễ dàng sinh hoạt tại nơi rẻo cao, thầy Vỹ đã học tiếng Xơ Đăng của bà con nơi đây, đi xin rau, xin củi về nấu cơm. Điều khiến anh trân trọng nhất đó là tình cảm của người dân vùng cao dành cho các thầy cô giáo. Tuy còn nghèo khó nhưng họ lại có nghĩa tình, tương thân tương ái rất lớn, luôn sẵn sàng dành những thứ ngon nhất, tốt nhất tặng thầy cô.
Kể về một kỷ niệm khó phai về Ngày Nhà giáo Việt Nam, thầy Vỹ cho biết, vào năm 2008, trong suốt 8 năm đi dạy, đây là năm đầu tiên anh biết thế nào là ngày 20-11, khi trường lần đầu tiên tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam. “Lúc bấy giờ, tôi từ điểm trường đang dạy đi bộ 5 tiếng để về trường trung tâm. Gần đến nơi thì có người phụ nữ tiến tới hỏi thăm tôi, rồi đưa tôi một cuốn sổ nhỏ và bảo: "Trò Sỹ gửi tặng thầy cái này". Cầm trên tay món quà, tôi vừa đi, vừa khóc, xúc động, hạnh phúc vì tình cảm của học trò dành cho mình”, anh Vỹ tâm sự.
Năm 2011, thầy Vỹ được phân công về Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Trà My công tác. Anh được đi đến hết các điểm trường trong huyện, thấy được đa số các điểm trường đều rất tạm bợ, mưa nắng, gió rét đều gây ảnh hưởng đến lớp học. Thấy vậy, anh quyết định phải làm điều gì đó giúp thầy cô và các em học sinh ở những điểm trường này. Thế là anh bắt đầu hành trình vừa dạy học, vừa làm thiện nguyện, kết nối các nhà hảo tâm.
Và rồi, anh đã cùng 7 người đồng nghiệp của mình thành lập Câu lạc bộ Kết nối yêu thương do anh làm chủ nhiệm, nhằm tích cực kết nối các mạnh thường quân ở khắp nơi góp sức hỗ trợ học trò vùng cao. Công trình nhỏ đầu tiên của câu lạc bộ là láng nền xi măng cho một điểm trường.
Nhiều nhà hảo tâm, nhóm thiện nguyện hay tin đã đến với các điểm trường ở huyện Nam Trà My, họ dùng số tiền lớn mua quà trao tặng thầy cô và các em học sinh. Nhận thấy như vậy không tạo được hiệu quả lâu dài, thầy Vỹ đã vận động mạnh thường quân ủng hộ xây dựng những điểm trường kiên cố, giúp thầy cô giáo và các em học sinh có nơi ổn định giảng dạy, học tập.
Để dễ dàng trong việc thuyết phục, xin kinh phí của mạnh thường quân, các thành viên trong câu lạc bộ phải chia thành từng nhóm đi bộ đến các điểm trường khảo sát. Những điểm trường nằm trên núi cao, hẻo lánh, phải đi bộ nửa ngày mới đến nơi. Và rồi những hình ảnh chân thực của học sinh ngồi học dưới những túp lều tạm, nền đất được chia sẻ lên Facebook kèm theo lời kêu gọi ủng hộ đã tiếp cận tới nhiều nhà hảo tâm.
Sau những bài đăng, niềm hạnh phúc của các thành viên vỡ òa khi được tài trợ kinh phí xây điểm trường đầu tiên - điểm trường Răng Dí ở xã Trà Tập, huyện Nam Trà My. Sau khi ngôi trường đầu tiên được xây lên, với sự kê khai thu, chi rõ ràng của câu lạc bộ nên các mạnh thường quân ngày một tin tưởng và liên hệ ủng hộ nhiều hơn. Cao điểm nhất, câu lạc bộ xây 13 điểm trường trong vòng 27 tháng.
Chia sẻ về khó khăn trong quá trình xây trường, thầy Vỹ cho biết: “Để có thể hoàn thành một điểm trường là biết bao mồ hôi, công sức, bởi chúng tôi không thể di chuyển đến các điểm trường bằng ô tô hay xe máy, tất cả đều phải đi bộ, vật liệu phải cõng trên lưng. Bình thường, đường đồi núi đi một mình đã khó, đằng này phải gùi trên vai vài chục ki-lô-gam vật liệu xây dựng, để làm được điều đó các thầy cô giáo và thành viên trong câu lạc bộ phải đến từng bản làng, trình bày ý định, nhờ bà con vận chuyển vật liệu giúp”.
Tính đến nay, câu lạc bộ đã kết nối kinh phí để xây dựng được hơn 50 điểm trường với hơn 100 phòng học, 52 nhà công vụ cho giáo viên, nhà vệ sinh, nhà bếp trị giá hơn 10 tỷ đồng. Lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời cho gần 50 điểm trường, xây 4 khu nội trú cho hơn 1.000 học sinh trị giá 3,6 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, câu lạc bộ còn vận động kinh phí để lắp đặt 14 hệ thống bếp cơm trường học, 21 khu vui chơi cho học sinh và thực hiện các chương trình: Bữa ăn có thịt, Bầu sữa yêu thương, Nuôi em tăng cường dinh dưỡng cho học sinh với tổng kinh phí gần 7 tỷ đồng.
Không những vậy, câu lạc bộ vận động lắp đặt 23 hệ thống lọc nước RO, tặng 60 tivi, hơn 13.000 quyển sách, vở, gần 20.000 bút viết, khoảng 8.000 bộ đồng phục, mũ, dép… cho học sinh và hàng trăm suất học bổng giúp một số học trò miền núi học hết đại học, có em còn có cơ hội du học nước ngoài.
Đồng chí Lê Trung Thực, Chủ tịch UBND xã Trà Don, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết: “Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ là một người năng động, nhiệt tình với phong trào giáo dục tại địa phương. Đặc biệt, thầy có sự đồng cảm, chia sẻ khó khăn với người dân vùng cao. Thầy thường xuyên kết nối những nhà hảo tâm, những nhóm thiện nguyện để hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã nói riêng và huyện Nam Trà My nói chung. Thầy Vỹ là người vừa làm tốt vai trò chuyên môn, vừa tích cực trong công tác xã hội. Những việc làm của thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ đã góp phần thực hiện dự án 4 đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc và thực hiện dự án 5 phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025”.
St
người thẫy mẫu mực
Trả lờiXóa