Thứ Ba, 28 tháng 11, 2023

 

Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa - một trí thức cách mạng giàu lòng yêu nước, một nhân cách lớn, một tấm gương trong sáng tận tụy phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân

TS TRƯƠNG THỊ HỒNG NGA 
Trường Đại học Xây dựng Miền Tây

(LLCT) - Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa là nhà trí thức cách mạng giàu lòng yêu nước, một nhân cách lớn, một tấm gương trong sáng, tận tụy phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, người học trò yêu quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài viết làm rõ những đóng góp to lớn của ông trong nghiên cứu, chế tạo vũ khí cho cách mạng Việt Nam; trong xây dựng và phát triển nền khoa học và kỹ thuật của nước nhà.
 


1. Thân thế, sự nghiệp của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa
Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13-9-1913, trong một gia đình nhà giáo nghèo ở làng Chánh Hiệp, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long). Mồ côi cha khi 7 tuổi, với tư chất thông minh, giàu nghị lực, Phạm Quang Lễ luôn cố gắng vươn lên và luôn đạt kết quả học tập xuất sắc trong mọi bậc học.
Năm 1926, Phạm Quang Lễ thi đỗ hạng ưu vào Trường Trung học Mỹ Tho, được nhận học bổng 4 năm học (1926-1930); năm 1930, được tuyển thẳng vào Trường Trung học Pêtrus Ký (Sài Gòn) và được học bổng 3 năm liền; năm 1933, đỗ thủ khoa tú tài bản xứ và tú tài Tây.
Tháng 9-1935, sang Pháp du học, với lòng đam mê khoa học kỹ thuật, nhất là kỹ thuật sản xuất vũ khí, ông đã theo học và tốt nghiệp kỹ sư, cử nhân các trường: Đại học Bách khoa, Đại học Mỏ, Đại học Điện, Đại học Sorbonne, Đại học quốc gia Cầu đường Pari, Học viện Kỹ thuật Hàng không.
Năm 1939, ông làm việc tại Nhà máy điện khí Thomson, rồi Nhà máy sản xuất máy bay tại Pháp. Năm 1942, ông sang Đức làm việc trong Nhà máy chế tạo máy bay Halle và Viện nghiên cứu vũ khí, kỹ thuật hàng không. Sau đó, ông trở lại Pháp làm cho Công ty SudAvion và một số công ty chế tạo máy bay của Pháp, tham gia Hội Việt Nam Ái hữu tại Pháp.
Tháng 9-1946, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với một số trí thức yêu nước, Phạm Quang Lễ trở về nước, lên chiến khu, tham gia công cuộc kháng chiến kiến quốc của dân tộc, vinh dự được Bác Hồ đặt tên là Trần Đại Nghĩa.
Tháng 12-1946, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao trọng trách Cục trưởng Cục Quân giới - Bộ Quốc phòng (nay là Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) kiêm Giám đốc Nha nghiên cứu Quân giới - Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội (nay là Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự). Năm 1948, ông được phong quân hàm Thiếu tướng. Năm 1952, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Từ những năm 1950 đến năm 1956, ông lần lượt giữ các chức vụ: Thứ trưởng Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học chuyên nghiệp Bách khoa, nay là Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 1960, ông giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng. Từ năm 1963 đến năm 1965, ông giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước rồi Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước.
Với thành tích xuất sắc về khoa học, đầu năm 1966, ông được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô và trở lại phục vụ Quân đội, đảm nhiệm chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần chuyên trách theo dõi, chỉ đạo về mặt kỹ thuật vũ khí quốc phòng, đồng thời tiếp tục làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước và Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước.
Đất nước thống nhất, từ năm 1975 đến năm 1983, ông được Đảng và Nhà nước phân công kiêm chức Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam.
Năm 1996, ông được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954.
Cuối đời ông sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh và mất ngày 9-8-1997, hưởng thọ 84 tuổi(1).
2. Những đóng góp trong nghiên cứu, chế tạo vũ khí cho cách mạng Việt Nam
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn đương đầu với những khó khăn, thử thách hết sức to lớn. Trên cương vị là Cục trưởng Cục Quân giới, Trần Đại Nghĩa đã tiên phong thực hiện nhiệm vụ sản xuất nhiều loại vũ khí, trong đó đã nghiên cứu, chế tạo thành công súng đạn bazooka theo mẫu của Mỹ, được xem là loại vũ khí hiện đại, có sức công phá lớn, giúp bộ đội tăng cường sức mạnh trên chiến trường.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đứng trước tình hình bộ đội ta thiếu thốn nghiêm trọng vũ khí, Trần Đại Nghĩa cùng với các cộng sự đã miệt mài nghiên cứu, khảo sát đặc điểm tác chiến trên chiến trường, hạn chế thương vong, tổn thất của bộ đội. Ông đã nghiên cứu sản xuất, chế tạo súng không giật SKZ 50mm, 81mm, 120mm và 175mm có thể vận chuyển dễ dàng nhưng lại có sức công phá lớn để đánh địch cố thủ trong các lô cốt được xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt thép. Bên cạnh đó, ông cùng các cộng sự cải tiến, chế tạo thành công nhiều loại súng cối 120mm, đây là loại vũ khí tầm xa, với tính năng bắn cầu vòng và bắn thẳng, phát huy tác dụng chiến đấu to lớn trong các trận phục kích trên sông của bộ đội.
Cùng với việc nghiên cứu, chế tạo và sản xuất vũ khí súng đạn, ông tiếp tục nghiên cứu, sáng chế đạn bay với trọng lượng 30kg, có thể đánh phá các mục tiêu ở cách xa 4km. Ngoài ra, ông còn chế tạo đạn chống tăng AT chuyên dùng để chống xe bọc thép, xe ôtô, chế tạo các loại súng lớn, súng phóng bom, các loại mìn nổ chậm, tiêu biểu là loại đạn súng cối 40mm theo kiểu của Nhật và loại súng cối cỡ 50,8mm theo kiểu của Anh,… Đây là những loại vũ khí đã làm cho địch hoang mang, khiếp sợ trên chiến trường. Với phương châm tận dụng nguyên liệu sẵn có, dưới sự chỉ đạo của ông, cán bộ, công nhân quân giới đã triển khai kế hoạch giúp các địa phương sản xuất các loại lựu đạn bằng gang, bằng sành, các loại mìn có sức công phá lớn, góp phần vào làm tiêu hao sinh lực địch.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với cương vị là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa tiếp tục cải tiến, chế tạo vũ khí hiện đại như dàn hỏa tiễn Cachiusa do Liên Xô sản xuất tặng từ nặng, cồng kềnh, phải có xe kéo, thành gọn nhẹ, từng người có thể mang vác mà vẫn bảo đảm công năng. Đồng thời, ông còn cải tiến độ nổ phân mảnh của đầu đạn tên lửa SAM-2, tìm ra các kỹ thuật khắc phục thủ đoạn gây nhiễu của địch trên rađa để nhìn rõ hơn máy bay B.52 và điều khiển tên lửa SAM-2 trúng mục tiêu. Bên cạnh đó, ông còn nghiên cứu, chế tạo ra nhiều loại vũ khí, khí tài đặc biệt để phục vụ các hoạt động chiến đấu hết sức phức tạp của Binh chủng Đặc công khi phải đánh tàu chiến của địch ở ngoài khơi như vũ khí chống cá mập, tia hồng ngoại, rađa, siêu âm, thủy lôi,…
Trước sự đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ trên tuyến đường vận tải chiến lược xuyên Trường Sơn, nhằm ngăn chặn các đoàn xe vận tải vũ khí, quân trang, lương thực thực phẩm và bộ đội vào chiến trường miền Nam, ông cùng các đồng nghiệp nghiên cứu và đề ra nhiều biện pháp hữu hiệu để chống bom từ trường, chống bom bi, chống “cây nhiệt đới”, chống bom lade, mìn lá, lựu đạn vi điện tử,… đặc biệt là cho ra đời “xe phóng từ trường từ xa”. Nhờ đó, đã góp phần bảo đảm thông đường cho các đoàn xe vận tải chi viện chiến trường miền Nam luôn được thông suốt.
Để đối phó với vũ khí hiện đại của Mỹ, với tư duy của một nhà khoa học, ông còn nghiên cứu các loại sách báo khoa học về vũ khí của Mỹ, các tài liệu về ngân sách của Quốc hội Mỹ chi cho lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất vũ khí để tiến hành chiến tranh Việt Nam,.. từ đó, giúp Quân đội ta chủ động đối phó với các loại vũ khí của Mỹ, giảm thiểu thương vong cho bộ đội, các lực lượng trên chiến trường và nhân dân.
Với những thành tích xuất sắc về nghiên cứu, sáng chế nhiều loại vũ khí cho cách mạng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa rất xứng đáng được Chủ tịch Hồ Chí Minh vinh danh “là một đại trí thức”, “là Anh hùng Lao động trí óc”(2), đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX.
3. Đào tạo, phát triển đội ngũ khoa học
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, trên cương vị là Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa cùng với Ban Lãnh đạo Viện tập trung nghiên cứu, đưa Viện trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học lớn nhất cả nước, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Dưới sự lãnh đạo, quản lý của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, đội ngũ cán bộ khoa học của Viện ngày càng lớn mạnh, nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học thuộc Viện được hình thành, phát triển, nổi bật là các lĩnh vực nghiên cứu ngày càng phong phú, đa dạng như về tài nguyên thiên nhiên, sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp và cuộc sống; kỹ thuật xử lý thông tin phục vụ công tác quản lý kinh tế, quản lý xã hội; nghiên cứu toán học, vật lý học, cơ học,…
Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa luôn đề cao tính nguyên tắc trong thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm tính ứng dụng trong nghiên cứu khoa học, lấy việc nghiên cứu khoa học làm cơ sở, thước đo cho sự phát triển chung của đất nước. Ông chỉ rõ: Nghiên cứu khoa học phải nhằm phục vụ cuộc sống và sự phát triển của xã hội, trước mắt tập trung phục vụ sản xuất, trong đó, sản xuất nông nghiệp là chủ đạo.
Giữa năm 1980, với tư cách là Chủ tịch Ủy ban nghiên cứu vũ trụ Việt Nam, cùng với Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã trực tiếp tham gia nghiên cứu, xây dựng chương trình khoa học cho chuyến bay vào vũ trụ của Anh hùng Phạm Tuân, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên của châu Á và là quốc gia thứ tám trên thế giới có người bay vào vũ trụ, có khả năng tiếp cận với khoa học vũ trụ hiện đại. Đây là quá trình lao động sáng tạo, tâm huyết của ông với ước vọng quy tụ được trí tuệ khoa học để xây dựng và phát triển nền khoa học Việt Nam.
Giai đoạn từ năm 1977 đến năm 1983, trên cương vị là Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, tiền thân của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam ngày nay, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa vừa làm cán bộ quản lý, vừa nghiên cứu khoa học và đào tạo đội ngũ cán bộ các chuyên ngành; các cán bộ khoa học do ông đào tạo đã trở thành những nhà khoa học đầu ngành của đất nước. Đó là kết quả của sự miệt mài nghiên cứu, sự nỗ lực từ trong suy nghĩ và hành động và cũng là ý chí của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa với phương châm “gắn công việc nghiên cứu với quá trình tự đào tạo để trưởng thành mà ông hằng theo đuổi”(3).
4. Tấm gương sáng ngời về tinh thần hiếu học và đạo đức cách mạng
Thời niên thiếu, chứng kiến tình cảnh đồng bào bị thực dân Pháp bóc lột dã man, Phạm Quang Lễ đã ý thức được việc học hành là con đường để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đây chính là động lực thôi thúc ông ra sức học tập, tìm tòi nghiên cứu, tích luỹ kiến thức chế tạo vũ khí phục vụ cho cuộc chiến đấu chống xâm lược, giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Những năm tháng học tập ở Pháp (từ năm 1935), ông gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm tài liệu về chế tạo vũ khí vì người Pháp không cho phép một du học sinh nước ngoài ở Pháp học ngành chế tạo vũ khí, đặc biệt là du học sinh thuộc địa. Ngành học đó chỉ dành cho những sinh viên Pháp. Đến năm 1946, sau 11 năm học tập, nghiên cứu, ông đã ghi chép được hơn 30 nghìn trang tài liệu về vũ khí, trong đó có rất nhiều là các tài liệu mật.
Trần Đại Nghĩa cũng nhận thức sâu sắc rằng, muốn đi sâu nghiên cứu vũ khí cần phải giỏi về khoa học cơ bản, toán học, cơ học, hóa học và kỹ thuật. Vì vậy, trong thời gian du học, ông học lấy bằng cử nhân khoa học ở Trường Đại học Sorbonne, bằng kỹ sư cầu đường ở Trường Đại học quốc gia Cầu đường Pari, bằng kỹ sư điện tại Trường Đại học Điện và bằng kỹ sư hàng không tại Học viện Kỹ thuật hàng không, đồng thời thi lấy chứng chỉ ở Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Mỏ. Ngoài ra, ông còn tự học tiếng Đức để đọc các tài liệu của Đức từ nguyên bản. Đây cũng là một nỗ lực lớn của ông, cho thấy một ý chí ham học hỏi, chinh phục kiến thức và cũng là những kiến thức giúp ông rất nhiều trong sự nghiệp chế tạo vũ khí sau này.
Ngoài nghiên cứu về chế tạo vũ khí, ông còn chú ý tìm hiểu thêm môn khoa học quản lý. Ông cũng nhận thấy phải giữ bí mật cho những công việc của mình, nên đã tìm đọc những sách viết về công tác phản gián, về công việc của các điệp viên... Nhờ những kiến thức này, mà công việc ông làm trong 11 năm rất ít người biết, trừ một vài người bạn thân.
Giữa năm 1946, Phạm Quang Lễ được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm chính thức nước Pháp của Người. Những ngày Bác ở trên đất Pháp, Phạm Quang Lễ thường xuyên được gặp Bác, chính điều này đã có ảnh hưởng quyết định đối với cuộc đời cách mạng của người trí thức yêu nước Phạm Quang Lễ tự nguyện theo Bác về nước thực hiện ước mơ đã ấp ủ từ buổi đầu xuất ngoại là trở về Tổ quốc phục vụ cho cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước.
Với tinh thần phụng sự Tổ quốc, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa còn là một tấm gương về lối sống thanh bạch, giản dị, đồng cam cộng khổ cùng cán bộ, chiến sĩ, đồng nghiệp và nhân dân, cống hiến hết sức lực và trí tuệ cho ngành công nghiệp quốc phòng của Việt Nam, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ông luôn quan niệm rằng, nhà khoa học, nhà nghiên cứu phải có một niềm đam mê, niềm tin mãnh liệt, không nản chí trước những thất bại, mà phải luôn bền bỉ, nhẫn nại đến mức cao nhất, phải luôn đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết.
Trần Đại Nghĩa là người khiêm tốn, sống chan hòa với mọi người. Ông cũng không tỏ ra mình là người thông minh hơn người, luôn khiêm tốn học hỏi, tìm tòi kiến thức dù ở cương vị nào. Đồng thời, ông không tự phụ với kiến thức của mình, luôn thể hiện quyết tâm làm việc hết mình để cống hiến cho Tổ quốc. Năm 1946, đồng chí Võ Nguyên Giáp thân mật nói với ông: “Ở nhà đang mong anh, rất mừng được tin anh về cùng với Bác!... Ông vô cùng xúc động trả lời: Xin cảm ơn anh. Cảm ơn ở nhà trông mong tôi, nhưng tôi đã làm được gì đâu. Nay được Bác Hồ cho về nước, tôi sẽ đem hết sức để phục vụ đất nước”(4). Ông đã trở thành một hình tượng đẹp, một mẫu mực của các thế hệ trí thức Việt Nam về tinh thần làm việc quên mình, phẩm chất đạo đức, lối sống.
Trong những năm tháng cuối đời, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa một lòng hướng học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Bác Hồ kính yêu. Ông nói: “Bác Hồ luôn là hình ảnh rất gần gũi với tôi. Bất cứ lúc nào tôi muốn gặp, nếu không bận, Bác sẵn sàng tiếp. Mãi cho đến bây giờ, Bác vẫn vô cùng gần gũi và như vẫn còn sống trong tôi như ngày nào”(5).
Đánh giá cao những công trình khoa học và sự cống hiến lớn lao về khoa học của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Đảng và Nhà nước đã trao tặng ông những phần thưởng cao quý: Giải thưởng Hồ Chí Minh về công trình nghiên cứu chế tạo bazooka trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, Huân chương Hồ Chí Minh,… và nhiều giải thưởng, vinh danh khác.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đối với sự nghiệp cách mạng, đồng chí Đỗ Mười, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã khẳng định: “Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, một trí thức cách mạng giàu lòng yêu nước, một nhân cách lớn, một tấm gương trong sáng tận tụy phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, người học trò yêu quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những Anh hùng lao động đầu tiên ở nước ta. Cả cuộc đời, đồng chí luôn gắn với cách mạng, gắn với nhân dân. Đồng chí có nhiều công lao trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Là một nhà khoa học lớn, đồng chí đã góp phần xứng đáng trong xây dựng và phát triển nền khoa học và kỹ thuật của nước nhà. Tổ quốc và nhân dân mãi mãi ghi nhớ công lao và sự nghiệp của đồng chí”(6).

_________________

Ngày nhận bài: 15-9-2023; Ngày bình duyệt: 17-9-2023; Ngày duyệt đăng:19-9-2023.

(1), (2), (3), (4), (5), (6) Tỉnh ủy Vĩnh Long, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa nhà khoa học lớn với cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2013, tr.14-15, 601, 618, 59, 25, 235-236.

1 nhận xét: