Con đường xã hội chủ
nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn ngày càng tỏ rõ tính ưu
việt và chứng minh sức sống, sức phát triển mạnh mẽ. Điều này đã được nhiều học
giả, chính khách quốc tế và nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận.
Đường lối đối ngoại
rộng mở góp phần khẳng định vị thế Việt Nam
Với đường lối đối
ngoại đúng đắn dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã chủ động, tích cực hội
nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế;
là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng
đồng quốc tế. Vì thế, có rất nhiều nước, trong đó có các cường quốc hàng đầu
trên thế giới, muốn thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược,
đối tác chiến lược toàn diện và đối tác đặc biệt với Việt Nam.
Tính đến tháng 9-2023,
ngoài 3 quốc gia thiết lập quan hệ đặc biệt với Việt Nam là Lào, Campuchia và
Cuba, có 12 quốc gia thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam, gồm: Nam
Phi, Chile, Brazil, Venezuela, Argentina, Ukraine, Đan Mạch, Myanmar, Canada,
Hungary, Brunei và Hà Lan.
Ở mức đối tác cao hơn,
có 13 quốc gia thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, gồm: Nhật
Bản, Tây Ban Nha, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Đức, Italy, Thái
Lan, Indonesia, Singapore, Pháp, Malaysia, Philippines, Australia, New Zealand.
Ở mức độ đối tác cao nhất có 5 quốc gia thiết lập quan hệ đối tác chiến lược
toàn diện với Việt Nam là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc và Hoa Kỳ.
Việc Hoa Kỳ từng là
quốc gia cựu thù với Việt Nam trong cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài 30 năm,
cũng là nước đứng đầu thế giới tư bản công nhận thể chế chính trị của nước ta,
ủng hộ một nước Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng và tự cường để thiết lập
quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững
là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng. Quan hệ đối tác chiến lược
toàn diện là hợp tác lâu dài, tin cậy lẫn nhau và sâu rộng trong tất cả các
lĩnh vực, cùng mang lại lợi ích chiến lược cho cả hai bên.
Kể từ khi đổi mới,
Việt Nam không chỉ chủ động hội nhập quốc tế mà còn đóng góp nhiều sáng kiến để
hóa giải các vấn đề toàn cầu. Là thành viên tích cực và chủ động, Việt Nam đã
đưa ra những cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền
vững của Liên hợp quốc và được quốc tế đánh giá cao. Ông Kamal Malhotra, Điều
phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam trong giai đoạn 2018-2022,
nhận định: "Nếu chúng ta nói về những kết quả trong 10 năm trở lại đây,
Việt Nam có thể tự hào khi đứng trong hàng ngũ các nước đi đầu thực hiện các
mục tiêu của Liên hợp quốc. Việt Nam cam kết mạnh mẽ để không ai bị bỏ lại phía
sau". Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đánh giá: Việt Nam luôn
là đối tác mạnh nhất của Liên hợp quốc kể từ khi gia nhập năm 1977; vai trò đầu
tàu trong việc đạt được các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ là nền tảng vững
chắc giúp Việt Nam triển khai Chương trình phát triển bền vững 2030. Việt Nam
đã và đang có những đóng góp quan trọng trong việc ủng hộ hòa bình bền vững.
Nhận được sự tín nhiệm
cao của cộng đồng quốc tế, năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử Hội đồng
Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu ủng hộ cao nhất trong
số 14 nước thành viên mới (184/192). Tiếp đến, ngày 11-10-2022, Đại hội đồng
Liên hợp quốc bầu Việt Nam làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc
nhiệm kỳ 2023-2025. Ngày 7-6-2019, Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu Việt Nam làm
Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021. Với 15 thành
viên, trong đó có 10 thành viên không thường trực, Hội đồng Bảo an là một trong
6 cơ quan chính của Liên hợp quốc được trao trách nhiệm hàng đầu trong việc duy
trì hòa bình và an ninh quốc tế. Tiếp theo nhiệm kỳ đầu tiên của Việt Nam trong
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2008-2009, năm 2019 là lần thứ hai Việt Nam được
bầu làm thành viên của cơ quan quyền lực cao nhất này của Liên hợp quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét