Theo phóng viên TTXVN
đưa tin từ kỳ họp lần thứ 42 Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa
của Liên hợp quốc (UNESCO) ở thủ đô Paris - Cộng hòa Pháp, Việt Nam đã được tín
nhiệm bầu vào vị trí Phó Chủ tịch đại diện cho khu vực Châu Á - Thái Bình
Dương.
Trao đổi với phóng
viên TTXVN tại trụ sở UNESCO, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy
ban quốc gia UNESCO Việt Nam, đã đánh giá cao sự kiện này. Theo ông việc Việt
Nam được tín nhiệm bầu là một trong những Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO tại
kỳ họp lần thứ 42, đại diện cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, có ý nghĩa
rất quan trọng. Điều này tiếp tục khẳng định chính sách đối ngoại đúng
đắn của Đảng và Nhà nước về đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế
toàn diện, sâu rộng, hiệu quả, chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại
đa phương, như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII
và Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư. Sự tín nhiệm này của cộng đồng thế giới
cũng thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế,
cho thấy sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với khả năng đóng góp
và năng lực điều hành của Việt Nam tại các thể chế đa phương toàn cầu, đặc biệt
là những đóng góp tích cực đối với hoạt động của UNESCO. Đây còn là kết quả của
việc triển khai hiệu quả Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2030, quá trình
vận động bài bản, đồng bộ các đối tác quốc tế để có được sự ủng hộ rộng rãi như
vậy.
Theo Thứ trưởng Hà Kim
Ngọc, với trọng trách mới này, lần đầu tiên Việt Nam cùng một lúc đảm nhận vai
trò tại 4 cơ chế then chốt của UNESCO (thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO,
Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa
dạng của các biểu đạt văn hóa, thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003
về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể). Việt Nam có điều kiện trực tiếp tham gia
vào quá trình điều hành, định hình các chính sách, quyết định quan trọng của
UNESCO.
Việc đảm đương nhiệm
vụ là Phó Chủ tịch Đại hội đồng cũng là cơ hội tốt để Việt Nam thể hiện
"trách nhiệm kép" trong việc đóng góp một cách chủ động, tích cực và
thực chất hơn vào các vấn đề quốc tế mà UNESCO đang quan tâm, cũng như thúc đẩy
các chương trình, định hướng lớn của UNESCO trên 5 lĩnh vực: giáo dục, văn hóa,
khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và thông tin truyền thông; đồng thời bảo vệ
lợi ích quốc gia, tận dụng các ý tưởng, sáng kiến của UNESCO phục vụ sự nghiệp
xây dựng, phát triển đất nước một cách bền vững, đồng bộ và toàn diện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét