Thứ Năm, 16 tháng 11, 2023

KẾT HỢP PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HÔI PHÁT TRIỂN VỚI XÂY DỰNG THẾ TRẬN QUỐC PHÒNG AN NINH

 

Thực tế phát triển nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) cho thấy không phải mọi lúc, mọi nơi, sự kết hợp này được bảo đảm. Vì vậy, cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách cũng như tổ chức thực hiện nhằm kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa phát triển kinh tế với củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước. Phát huy vai trò của văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ đối với tăng trưởng kinh tế và phát triển đất nước, tập trung xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vừa kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, vừa tiếp thu được tinh hoa văn hóa nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội.

Phát triển kinh tế xã hội phải đi đôi với tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng trong một chiến lược thống nhất nhằm phát huy tối đa mọi nguồn lực, tạo sức mạnh cao nhất để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mỗi bước phát triển kinh tế xã hội phải là một bước tạo điều kiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân cả về tiềm lực và thế trận. Theo đó, phải kết hợp chặt chẽ kinh tế xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh trong các dự án lớn, quy hoạch phát triển các vùng, các ngành kinh tế, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm, các địa bàn chiến lược, các ngành quan trọng.

Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp cơ bản tạo nền tảng cho công nghiệp quốc phòng an ninh, các dự án phục vụ nhiệm vụ quốc phòng an ninh ở khu vực biên giới, hải đảo, địa bàn chiến lược. Tập trung đầu tư, lồng ghép các chương trình để nâng cao hiệu quả xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng ở vùng biển đảo, vành đai biên giới, các địa bàn xung yếu, phát triển kinh tế xã hội nâng cao đời sống nhân dân các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, các vùng căn cứ cách mạng, quản lý chặt chẽ các dự án đầu tư vào lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm về quốc phòng an ninh. Chuẩn bị tốt kế hoạch động viên kinh tế cho chiến tranh gắn với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội trong phạm vi cả nước, trong từng bộ, ngành, địa phương.

Phát triển kinh tế xã hội đi đôi với tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng trên từng địa bàn lãnh thổ, trong các chiến lược, qui hoạch, kế hoạch, các chương trình dự án, các hoạt động kinh tế đối ngoại, giữ vững độc lập, tự chủ trong hợp tác kinh tế quốc tế. Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội phải kết hợp chặt chẽ với công tác bảo vệ an ninh chính tộ nội bộ; an ninh văn hoá, tư tưởng; an ninh thông tin. Phát hiện đấu tranh, ngăn chặn các thế lực thù địch thông qua hợp tác kinh tế, văn hoá, giáo dục; tác động làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế, từng bước chuyển hoá chính trị; giữ vững hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước nhanh, bền vững. Quá trình phát triển nền KTTT định hướng XHCN có tác động hai mặt đến việc củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh đất nước. Về tác động tích cực:

Thứ nhất, tiềm lực quốc phòng, an ninh của một quốc gia phụ thuộc rất lớn vào trình độ phát triển kinh tế của quốc gia đó. Kinh tế phát triển tạo nền tảng vật chất, kỹ thuật, công nghệ và nhân lực cho quốc phòng, an ninh. Khi kinh tế phát triển, nguồn vốn tích lũy, nguồn thu ngân sách không ngừng được tăng lên chính là điều kiện để phát triển đất nước về mọi mặt. Từ đó, góp phần củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. Kinh tế phát triển gắn với đổi mới kỹ thuật, công nghệ là cơ sở để đổi mới kỹ thuật, công nghệ trong công nghiệp quốc phòng, sản xuất ra các loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật phục vụ quốc phòng, an ninh. Kinh tế phát triển cũng là cơ sở để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tăng cường cho các lực lượng vũ trang.

Thứ hai, phát triển KTTT góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, từ đó củng cố và tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường ổn định xã hội và tiềm lực quốc phòng, an ninh. Khi cuộc sống về mọi mặt của người dân được nâng cao, tiến bộ, công bằng, dân chủ được tăng cường thì người dân, các lực lượng xã hội yên tâm, tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vững vàng trước sự lôi kéo, xúi bẩy, kích động của các thế lực thù địch. Cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có cơ hội phát triển toàn diện của nhân dân là nền tảng chính trị vững chắc để tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh.

Thứ ba, KTTT phát triển khơi thông các tiềm lực kinh tế, tác động đến việc tăng cường sức mạnh của lực lượng quân đội và công an cả về vật chất và tinh thần. Về vật chất, kinh tế phát triển, đời sống của cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và gia đình họ sẽ được cải thiện và nâng cao, là cơ sở để nâng cao năng lực thể chất và trí tuệ mọi mặt của cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang. Về tinh thần, kinh tế phát triển, đời sống của nhân dân, trong đó có gia đình cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang được cải thiện, giúp cán bộ, chiến sĩ yên tâm phục vụ quân đội, công an; đồng thời, tạo cơ hội để họ tập trung vào công tác huấn luyện, rèn luyện, học tập nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật, đủ kiến thức và kỹ năng làm chủ các phương tiện, vũ khí, khí tài hiện đại, nâng cao sự sẵn sàng, khả năng chiến đấu và chiến thắng.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét