Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản
trong tổ chức và sinh hoạt Đảng; là tiêu chí để phân biệt chính đảng của giai
cấp công nhân, đảng cách mạng chân chính với các đảng khác. Đảng ta đã khẳng
định: “Sự chặt chẽ về nguyên tắc là vấn đề sống còn của Đảng và bảo đảm quan
trọng nhất cho sức sống, sự trong sạch và vững mạnh của Đảng”. Thực hiện tốt
nguyên tắc tập trung dân chủ là vấn đề thuộc về bản chất của Đảng Cộng sản. Vì
vậy, tuyệt đối không thể phủ nhận nguyên tắc này. Trong
Điều lệ Đảng được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI thông qua đã quy định
rõ nội dung nguyên tắc tập trung dân chủ, đó là: (1) Cơ quan
lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân
phụ trách; (2) Cơ quan lãnh đạo cao
nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là đại
hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên. Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo của
Đảng là Ban Chấp hành Trung ương, ở mỗi cấp là ban chấp hành đảng bộ, chi
bộ; (3) Cấp uỷ các cấp báo cáo và chịu trách nhiệm về hoạt
động của mình trước đại hội cùng cấp, trước cấp uỷ cấp trên và cấp dưới; định
kỳ thông báo tình hình hoạt động của mình đến các tổ chức đảng trực thuộc, thực
hiện tự phê bình và phê bình; (4) Tổ chức đảng và đảng viên
phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục
tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng
Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương; (5) Nghị
quyết của các cơ quan lãnh đạo của Đảng chỉ có giá trị thi hành khi có hơn một
nửa số thành viên trong cơ quan đó tán thành. Trước khi biểu quyết, mỗi thành
viên được phát biểu ý kiến của mình. Đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được
quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp uỷ cấp trên cho đến Đại hội đại biểu toàn
quốc, song phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến
trái với nghị quyết của Đảng. Cấp uỷ có thẩm quyền nghiên cứu xem xét ý kiến
đó; không phân biệt đối xử với đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số; (6) Tổ
chức đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, song không
được trái với nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà
nước và nghị quyết của cấp trên. Rõ ràng, ngay từ Điều lệ Đảng, Đảng ta đã rất
tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ.
Tập trung và dân chủ có quan hệ thống
nhất, biện chứng với nhau không thể tách rời, càng không thể đối lập. Tập trung
trên cơ sở dân chủ, nhưng dân chủ phải có sự lãnh đạo để bảo đảm tập trung. Dân
chủ là điều kiện, tiền đề của tập trung, tập trung là cơ sở bảo đảm cho dân chủ
được thực hiện và phát huy. Theo V.I. Lê-nin: “Chế độ tập trung dân chủ, một
mặt, thật khác xa chế độ tập trung quan liêu chủ nghĩa; mặt khác, thật khác xa
chủ nghĩa vô chính phủ”. Nếu tuyệt đối hóa tập trung thì sẽ dẫn đến quan liêu,
chuyên quyền, độc đoán; ngược lại, tuyệt đối hóa dân chủ sẽ dẫn đến tình trạng
lạm dụng, vô tổ chức, vô kỷ luật. Cả hai biểu hiện trên đều không đúng và làm
giảm sức mạnh của Đảng.
Tập trung dân chủ thể hiện bản chất của
Đảng. Vì vậy, không thể phân biệt nguyên tắc này phù hợp hay không phù hợp
trong giai đoạn chiến tranh hay hòa bình. tập trung dân chủ là nguyên tắc xuyên
suốt trong quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng. Bất luận trong điều kiện, hoàn
cảnh nào, tập trung dân chủ luôn là nguyên tắc “rường cột” của Đảng, không
ngừng được bổ sung, phát triển phù hợp với sự vận động, phát triển của tình
hình cách mạng, đúng với quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dĩ bất biến, ứng
vạn biến”.
Dân chủ không phụ thuộc vào một đảng hay
nhiều đảng mà phụ thuộc vào bản chất của chính đảng cầm quyền. Trong điều kiện
ở Việt Nam, một đảng lãnh đạo, đó là đảng của giai cấp công nhân, lấy lợi ích
giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc làm mục tiêu hàng đầu,
xuyên suốt và luôn xây dựng, chỉnh đốn để Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh
thì tính chất dân chủ, tiến bộ phụ thuộc vào bản chất, mục đích phục vụ chứ
không phụ thuộc số lượng bao nhiêu đảng, một đảng hay đa đảng. Vì vậy, luận
điệu đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập là một âm mưu thâm độc hòng xóa
bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, hướng lái cách mạng Việt Nam đi
theo quỹ đạo của các nước tư bản, “ngược dòng” và “đi ngược” với nguyện vọng
chính đáng của nhân dân Việt Nam.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam từ khi có
Đảng lãnh đạo đến nay là minh chứng để khẳng định không thể phủ nhận nguyên tắc
tập trung dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi
của cách mạng Việt Nam. Từ khi ra đời, Đảng ta đã xác định Đảng phải “tổ chức
theo lối dân chủ tập trung”. Từ đó đến nay, trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt
Nam luôn xác định “Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động,
lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản...”. Với bản lĩnh chính trị
vững vàng, đường lối lãnh đạo đúng đắn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tập hợp quần
chúng nhân dân đoàn kết, anh dũng đứng lên vượt qua mọi khó khăn, thử thách,
làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 “rung trời, lở đất”, “đập tan mọi
xiềng xích”, “phá nát mọi gông cùm”, đánh đổ thực dân, phong kiến, khai sinh ra
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,
đưa người dân từ thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước.
Tiếp nối truyền thống, dưới sự lãnh đạo
của Đảng, quân và dân ta viết tiếp bản hùng ca Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm
châu, chấn động địa cầu”; “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, làm nên khúc
tráng ca khải hoàn đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước, đưa cả
nước đi lên chủ nghĩa xã hội và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả. Đặc biệt, sau
hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu
to lớn, có ý nghĩa lịch sử, diện mạo đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, đời
sống của nhân dân được nâng cao; hệ thống chính trị được xây dựng, củng cố vững
mạnh, bảo đảm sự ổn định chính trị của đất nước; quốc phòng, an ninh được tăng
cường, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ,
biển, đảo của Tổ quốc; đối ngoại, hội nhập quốc tế không ngừng mở rộng, vị thế
và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. “Đất nước ta chưa bao
giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Việt Nam
trở thành “điểm sáng”, niềm tin của cộng đồng quốc tế. Vì vậy, không có lý do
gì có thể buộc Việt Nam phải từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ, càng không có
cơ sở khoa học nào “đòi hỏi” Việt Nam phải thực hiện đa nguyên chính trị, đa
đảng đối lập, thay đổi mục tiêu, thay đổi chế độ.
Lịch sử đã chứng minh, nếu Đảng Cộng sản
nào từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ thì Đảng đó tự “bóp chết” chủ nghĩa Mác
- Lê-nin, thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng, thành quả cách mạng mà biết bao
thế hệ đã đổ xương, đổ máu sẽ bị tiêu tan. Thực tiễn ở Liên Xô và các nước xã
hội chủ nghĩa ở Đông Âu những năm 90 của thế kỷ trước đã cho chúng ta một bài
học hết sức “đau xót” cần rút kinh nghiệm để tránh đi vào “vết xe đổ” trong
lịch sử. Dưới sự tác động của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị
và sự sai lầm của Đảng Cộng sản Liên Xô, nguyên tắc tập trung dân chủ đã bị từ
bỏ - bản chất của Đảng bị “biến dạng” và “biến chất”. Đặc biệt, ngày 15-3-1990,
tại Đại hội đại biểu nhân dân bất thường, Điều 6 Hiến pháp của Liên Xô quy định
về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã bị xóa bỏ. Đây là “dấu mốc” quan
trọng, “khởi nguồn” cơ chế “đa nguyên, đa đảng” và tất yếu “dọn đường” cho sự
ra đời nhiều tổ chức, đảng phái chính trị đối lập cạnh tranh vai trò lãnh đạo.
“Sau khi Điều 6 Hiến pháp Liên Xô bị xóa bỏ, ngay lập tức, các đảng phái xuất
hiện “như nấm sau mưa”, ngoài Đảng Cộng sản Liên Xô còn có tới 153 tổ chức đảng
phái khác ra đời và cạnh tranh vai trò lãnh đạo với Đảng Cộng sản. Đến đầu năm
1991, sự tồn tại của Đảng Cộng sản Liên Xô chỉ còn trên danh nghĩa và sự sụp đổ
của Liên bang Xô viết vào cuối năm 1991 là tất yếu, khi Đảng Cộng sản đã mất
quyền lãnh đạo”.
Không tốn một viên đạn, nhưng “đa nguyên
chính trị, đa đảng đối lập” có sức “công phá” và “hủy diệt” chưa từng có, đã
làm cho Liên Xô - một siêu cường quốc, một Đảng với hơn 20 triệu đảng viên, một
quân đội với hơn 4 triệu quân nhân được trang bị vũ khí hiện đại và tinh nhuệ
bậc nhất thế giới đã nhanh chóng mất sức chiến đấu, “khoanh tay đứng nhìn”.
“Thành trì vĩ đại” bị sụp đổ, kéo theo sự sụp đổ của cả hệ thống xã hội chủ
nghĩa ở Đông Âu mà hệ lụy của nó còn ảnh hưởng nhiều năm, nhiều quốc gia và qua
nhiều thế hệ. Xung đột ở U-crai-na, những nguy cơ gây bất ổn ở châu Âu và đe
dọa sự ổn định, trật tự thế giới đang minh chứng rõ hệ quả của việc từ bỏ
nguyên tắc tập trung dân chủ, từ bỏ vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản ở các
nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô. Thực tiễn này một lần nữa khẳng định:
Bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào cũng không thể chấp nhận đa nguyên
chính trị, đa đảng đối lập, không được từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ, đồng
thời kiên quyết bảo vệ nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ vững vai trò lãnh đạo
của Đảng Cộng sản. Mọi mưu toan xa rời, phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ
trong Đảng phải kịch liệt phê phán, kịp thời ngăn chặn.
Bài viết rất hay
Trả lờiXóa