Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2023

Lật tẩy thủ đoạn xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc xây dựng đất nước

     Nhận thấy sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định chiều hướng đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, các thế lực thù địch thường xuyên thực hiện thủ đoạn xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng với nhiều luận điệu tinh vi, thâm hiểm. Một mặt, họ thẳng thừng đòi bỏ Điều 4, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013) quy định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội; mặt khác, họ khéo léo che đậy mục tiêu thực sự của mình khi lập luận rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc; nhưng không có khả năng lãnh đạo sự nghiệp xây dựng đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa”(!). Để củng cố lập luận trên, họ cho rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam giỏi lãnh đạo trong chiến tranh, nhưng không có kỹ năng lãnh đạo phát triển kinh tế, xã hội trong thời bình”(!). Từ đây, họ kết luận: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã hết vai trò lịch sử, do đó cần trao vai trò lãnh đạo công cuộc xây dựng, phát triển đất nước cho các lực lượng chính trị khác”(!), thực chất là đòi trao cho các thế lực chống đối con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Những luận điệu này được họ lặp đi, lặp lại nhiều lần, dưới nhiều hình thức, trong nhiều thời điểm khác nhau, nhất là vào thời gian Đảng ta tiến hành đại hội nhiệm kỳ, hay những lúc tình hình kinh tế - xã hội của đất nước gặp khó khăn, hoặc trong những ngày kỷ niệm lớn của Đảng, của đất nước. Họ hy vọng tác động của những luận điệu đó sẽ góp phần thúc đẩy sự “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, dẫn đến Đảng ta tự tan rã.

Mục tiêu thực sự của các luận điệu trên đều hướng vào xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội; cổ súy cho “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” ở Việt Nam. Sâu xa hơn, là nhằm xóa bỏ mọi thành quả cách mạng và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta; hướng lái sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hiện nay theo con đường tư bản chủ nghĩa. Bởi theo họ, nếu Đảng Cộng sản không còn giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội, thì tất yếu đất nước sẽ không phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đây là điều mà các thế lực thù địch, chống đối từng thành công ở Liên Xô trong thập niên cuối của thế kỷ trước và họ hy vọng sẽ thành công ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, những thành tựu của sự nghiệp xây dựng, phát triển nước Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất là trong suốt 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới là thực tiễn sinh động bác bỏ mọi xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Nhìn lại quãng thời gian 10 năm sau chiến tranh giải phóng (1975 - 1985), đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng. Nguyên nhân một phần do điểm xuất phát của chúng ta về kinh tế là một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, kém phát triển, lại chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh; cùng với đó, do chính sách bao vây, cấm vận kinh tế của Mỹ và các nước phương Tây; “song chủ yếu là do chúng ta đã phạm sai lầm chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan trong cải tạo xã hội chủ nghĩa, trong tiến trình công nghiệp hóa và trong cơ chế quản lý kinh tế”1. Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, tại Đại hội VI, Đảng ta đã nghiêm túc tự phê bình, nhận khuyết điểm, chủ động đề ra và lãnh đạo thực hiện đường lối đổi mới theo hướng xóa bỏ cơ chế quản lý kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển sang phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

Nhờ thực hiện đường lối đổi mới đúng đắn trong hơn 35 năm qua, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với trước thời kỳ đổi mới. Thế bị bao vây, cấm vận được phá bỏ. Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng nước nghèo, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng trung bình khoảng 07% mỗi năm trong suốt 35 năm qua. Quy mô và tiềm lực kinh tế của đất nước từ chỗ chỉ đạt 6,3 tỉ USD vào năm 1989 đã không ngừng tăng lên, đạt 342,7 tỉ USD vào năm 2020, đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ tư trong ASEAN. Kim ngạch xuất khẩu năm 1990 mới chỉ đạt 2,4 tỉ USD, thì năm 2020 đã đạt hơn 280 tỉ USD, tăng gần 120 lần trong vòng 30 năm. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của đất nước phát triển khá nhanh với nhiều công trình lớn, hiện đại, làm cho diện mạo của đất nước có nhiều thay đổi, tiến bộ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với công nghiệp và dịch vụ chiếm khoảng 85% GDP hiện nay. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành và phát triển, đã có 79 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Năm 2021, mặc dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, song do những nỗ lực của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự gắng sức của các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, sau hơn một tháng thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2021 tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 11 tháng năm 2021, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 11 so với tháng trước tăng 44,6% về số doanh nghiệp, 38% về vốn đăng ký, 30,2% về số lao động. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục phục hồi. Tính đến ngày 20/11/2021, vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,46 tỉ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Điều đó cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng năm 2021 vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 599,12 tỉ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt  299,67 tỉ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước.

Quan hệ đối ngoại của nước ta ngày càng rộng mở và đi vào chiều sâu; từng bước chuyển từ “tham gia tích cực” sang “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”. Đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với hầu hết các quốc gia thành viên Liên hợp quốc; thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 16 nước, đối tác toàn diện với 11 nước, bao gồm cả 05 nước Thường trực Hội đồng Bảo an; có quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư với 230 nước và vùng lãnh thổ; là thành viên của nhiều định chế kinh tế quốc tế lớn, như: Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), v.v. Nước ta đã hai lần đảm nhận vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008 - 2009, 2020 - 2021) và còn đảm nhận nhiều trọng trách quan trọng trong các tổ chức quốc tế khác. Hàng loạt chuyến thăm chính thức của lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước ta đến Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Thụy Sỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia, một số nước Tây Âu, Vatican,… và nguyên thủ các nước này đến thăm nước ta trong thời gian qua, đã khẳng định vị thế và uy tín ngày càng cao của Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam trên trường quốc tế. Từ năm 2014, nước ta bắt đầu tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, thể hiện trách nhiệm trong việc xây dựng lòng tin, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Trên cơ sở kinh tế phát triển, đời sống các tầng lớp nhân dân được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người trong những năm đầu đổi mới chỉ đạt khoảng 250 USD/năm, đến năm 2020 đạt 3.521 USD, đứng thứ sáu trong ASEAN. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Tiến bộ và công bằng xã hội đạt nhiều kết quả ấn tượng, được Liên hợp quốc xếp là một trong những nước đứng đầu thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ. Các vấn đề an sinh xã hội luôn được quan tâm chăm lo, ngay cả lúc nền kinh tế gặp khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế thế giới, hay của đại dịch Covid-19. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 03% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam tăng gần 46% từ năm 1990 đến năm 2019, nằm trong số các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới. Năm 2019 HDI của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm nước phát triển con người cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển.

Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhất là phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, đi vào chiều sâu, tạo nhiều chuyển biến tích cực, rõ rệt. Nhờ đó, niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa tiếp tục được củng cố, tăng cường. Con số 99,6% cử tri tham gia Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trong điều kiện khó khăn, phức tạp do đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, là minh chứng sinh động về lòng tin của nhân dân vào thể chế chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử nói trên đều gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là minh chứng thuyết phục về năng lực lãnh đạo của Đảng trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ hội nhập; là thực tiễn khách quan bác bỏ mọi sự xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đúng như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”2. Trong một công trình nghiên cứu cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA), các nhà nghiên cứu của Viện Phát triển quốc tế thuộc trường Đại học Harvard (Hoa Kỳ) cũng có nhận xét: “Ở Việt Nam, trong tương lai, khó có thể hình dung cơ sở xã hội cho việc xây dựng một đảng có khả năng cạnh tranh với Đảng Cộng sản Việt Nam”. Bởi lẽ, ở Việt Nam hơn 90 năm qua, đại đa số nhân dân thừa nhận sự lãnh đạo độc tôn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; trìu mến gọi Đảng Cộng sản Việt Nam là “Đảng ta” và coi Đảng là người đại biểu trung thành cho lợi ích của mình, do Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân, mà còn đại biểu cho lợi ích của nhân dân lao động và của cả dân tộc.

Để tiếp tục giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới, Đại hội XIII của Đảng đã xác định “phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”3, xem đó là nhiệm vụ then chốt. Tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn liền với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là cách làm hiệu quả nhất để bác bỏ những mưu toan và hành động xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét