Thời gian qua, các thế lực thù địch
không ngừng xuyên tạc chính sách tôn giáo, dân tộc của Việt Nam, cố tình đánh
tráo khái niệm nhằm đồng nhất “quyền dân tộc tự quyết” với “quyền dân tộc thiểu
số” để chống phá Đảng, Nhà nước cũng như khối đại đoàn kết dân tộc. Thực tế này
đòi hỏi mỗi người dân cần nhận thức và thực hành đúng đắn quyền dân tộc tự
quyết nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức,
công dân, góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Mặc
dù có liên hệ mật thiết với nhau song “quyền dân tộc tự quyết” và “quyền dân
tộc thiểu số” là hai quyền khác nhau. Theo Hiến chương Liên hợp quốc và luật
pháp quốc tế “quyền dân tộc tự quyết” là quyền của các quốc gia, dân tộc trong
việc thiết lập chế độ chính trị, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, chính trị, văn
hóa, xã hội theo con đường mình lựa chọn trên cơ sở thiết lập chủ quyền quốc
gia. Còn “quyền dân tộc thiểu số”, tại Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của Đại
hội đồng bảo an Liên hợp quốc năm 1948 khẳng định rõ: “Mọi người sinh ra tự do
và bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi, có lý trí và lương tri, và phải đối xử
với nhau trong tình bác ái” và “Ai cũng được hưởng những quyền tự do ghi trong
bản Tuyên ngôn này không phân biệt đối xử vì bất cứ lý do nào, như chủng tộc,
màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc dân tộc
hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác”.
Như vậy, có thể khẳng định “quyền dân
tộc tự quyết” và “quyền dân tộc thiểu số” là hai quyền khác nhau, liên quan các
đối tượng khác nhau. Khi đề cập về “quyền dân tộc tự quyết” là muốn nói đến
quyền lợi của một quốc gia, dân tộc so với các quốc gia, dân tộc khác trên thế
giới. Còn khi đề cập “quyền dân tộc thiểu số” là nói đến quyền lợi của các dân
tộc thiểu số trong nội bộ của một quốc gia độc lập, thống nhất.
Tuy nhiên, lợi dụng thực tế Việt Nam
là một quốc gia đa dân tộc, cùng với đó là sự nhận thức chưa đầy đủ về “quyền
dân tộc tự quyết” của nhiều người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng
sâu, vùng xa, kinh tế - xã hội còn kém phát triển và trình độ dân trí chưa cao,
các thế lực thù địch, phản động đã tìm cách đánh tráo nhằm đồng nhất hai khái
niệm “quyền dân tộc tự quyết” và “quyền dân tộc thiểu số”. Mục đích mà chúng
muốn hướng đến là chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, kích động đồng bào dân tộc
thiểu số thực hiện “quyền dân tộc tự quyết” bằng cách ly khai, bạo loạn, đòi
quyền tự trị, tự quản với nhiều thủ đoạn tinh vi, thâm độc.
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của
Đảng, Nhà nước cùng những chủ trương, chính sách đúng đắn, đời sống của người
dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện về mọi mặt.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, trên thực tế tại một số địa
phương việc giải quyết vấn đề dân tộc vẫn còn những hạn chế, thiếu sót nhất
định với các biểu hiện: Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp
luật của Đảng, Nhà nước ở một số địa phương còn yếu kém; công tác quản lý xã
hội còn nhiều sơ hở, chưa gần dân, sát dân, chưa kịp thời nắm bắt và giải quyết
tâm tư nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa,
vùng biên giới, hải đảo; chậm phát hiện và xử lý các vụ việc phức tạp trên địa
bàn…
Lợi dụng những hạn chế này, các thế
lực thù địch, phản động đã phủ nhận toàn bộ những thành tựu to lớn của Việt Nam
trong thực hiện chính sách dân tộc, vu cáo Đảng và Nhà nước Việt Nam vi phạm
dân chủ, nhân quyền, phân biệt đối xử, đàn áp đồng bào dân tộc thiểu số, ép
người đồng bào dân tộc thiểu số phải “bỏ đạo, bỏ văn hóa truyền thống” để hòa
nhập với “cuộc sống văn minh, tiến bộ” của người Kinh; tuyên truyền sai lệch về
quyền dân tộc tự quyết để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá chế độ,
từ đó từng bước làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Để phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả
những thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, vấn đề quyền dân tộc tự quyết để chống
phá đất nước, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng và các tổ chức đoàn thể
phải tăng cường giáo dục, tuyên truyền để cho các tầng lớp nhân dân, nhất là
những người đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao cảnh giác, hiểu đúng, hiểu rõ và
thực hành đúng “quyền dân tộc tự quyết”. Các cơ quan chức năng cần tăng cường
kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý có hiệu quả các cá nhân, tổ
chức trong và ngoài nước lợi dụng thực hành tín ngưỡng, tôn giáo, cũng như các
hoạt động “từ thiện”, “nhân đạo” trá hình để tuyên truyền sai lệch về vấn đề
thực hiện “quyền dân tộc tự quyết” từ đó mua chuộc, vận động, thậm chí ép buộc
người đồng bào dân tộc thiểu số có những hành vi gây rối, bạo loạn, đòi ly
khai, tự trị. Dồng thời, tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác nắm bắt tâm tư,
nguyện vọng, đòi hòi chính đáng và giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, bức xúc
của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần củng cố niềm tin của họ với Đảng, Nhà
nước./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét