Thứ Tư, 22 tháng 11, 2023

Một số vấn đề đặt ra và giải pháp về công tác giáo dục ở nước ta hiện nay

 Một là, xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, định hướng của quản lý giáo dục trong bối cảnh mới

Trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu, yêu cầu, định hướng của quản lý giáo dục cần được xác định rõ là phải gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với tiến bộ khoa học - công nghệ, với định hướng phát triển nguồn nhân lực. Muốn vậy, ngành giáo dục phải chuyển mạnh từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, hướng đến đào tạo toàn diện con người, cả về trí, đức, thể, mĩ... và phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân. Có thể thấy, Nghị quyết số 29-NQ/TW đã thực sự tiếp cận đổi mới giáo dục, đào tạo theo hướng tổng thể, toàn diện và có hệ thống.

Hai là, tăng cường giáo dục toàn diện, đổi mới tư duy quản lý giáo dục

Giờ học tin học của học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ_Ảnh: TTXVN

Cần có sự điều chỉnh theo hướng giáo dục toàn diện, từ kiến thức đến đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, thể chất, ngoại ngữ,… Muốn đạt mục tiêu này, giáo dục phải thực sự đổi mới từ hoạt động quản lý. Phương pháp quản lý giáo dục sẽ định hình cho phương pháp giáo dục, tư tưởng của các nhà quản lý giáo dục sẽ quyết định phương thức, nội dung giáo dục.

Thời gian qua, hoạt động kiểm tra, đánh giá đã chuyển từ đánh giá kiến thức sang đánh giá phát triển năng lực người học. Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT, ngày 28-8-2014, của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về “Ban hành Quy định đánh giá học sinh tiểu học”; Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT, ngày 22-9-2016 về “Sửa đổi Quy định đánh giá học sinh tiểu học” đã thay việc chú trọng điểm số sang phương thức đánh giá mang tính động viên, khuyến khích. Đối với cấp phổ thông cơ sở và phổ thông trung học đánh giá theo hướng chú trọng cách học, khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đặc biệt đối với một số trường chuyên, chất lượng cao, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo đánh giá chỉ số IQ (Chỉ số thông minh), AQ (Chỉ số biểu thị khả năng vượt qua nghịch cảnh, bất hạnh), EQ (khả năng của một người hiểu rõ chính bản thân mình cũng như thấu hiểu người khác)

Ba là, gắn định hướng giáo dục với định hướng phát triển kinh tế - xã hội

Thực tiễn đã cho thấy, đối với bất kỳ quốc gia nào thì định hướng giáo dục luôn có vai trò quan trọng đối với xã hội và luôn gắn với định hướng phát triển đất nước, phát triển con người. Tuy nhiên, cách thức thực hiện lại không hoàn toàn giống nhau và tùy thuộc vào nhiều yếu tố, từ lịch sử, văn hóa truyền thống đến chủ trương, chính sách, cơ chế, mức đầu tư cho giáo dục, đào tạo của Nhà nước, điều kiện, hoàn cảnh xã hội thực tại. Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập sâu, rộng với thế giới, chứng kiến sự phát triển vũ bão của nền kinh tế tri thức, kinh tế số và mối quan hệ giữa kinh tế - giáo dục đang trở nên ngày càng khăng khít, có tác động, ảnh hưởng lẫn nhau một cách nhanh chóng và trực tiếp. Kinh tế phát triển dựa trên nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ tạo ra giá trị vật chất lớn để đầu tư cho giáo dục, đào tạo chất lượng cao. Giáo dục phát triển cũng tác động tích cực, trực tiếp đến kinh tế và trong bối cảnh hiện nay cung cấp nguồn nhân lực trí tuệ cho nền kinh tế là động lực nhanh nhất thúc đẩy kinh tế phát triển. Đây là bài toán Việt Nam đang rất nỗ lực giải quyết. Nghị quyết số 29-NQ/TW chính là nhằm giải quyết vấn đề này; do vậy, quyết tâm, nỗ lực, tạo mọi cơ sở, điều kiện thuận lợi để thực hiện hiệu quả Nghị quyết trên là giải pháp căn bản, cấp thiết.

Bốn là, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý

Từ năm 1994 đến nay, đã có hàng trăm văn bản pháp lý được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành nhằm tháo gỡ dần các “nút thắt” cản trở thực hiện đổi mới giáo dục(16). Luật Giáo dục và các đạo luật liên quan cũng liên tục được sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động quản lý cũng như thực tiễn hoạt động giáo dục, như dạy nghề, hoạt động của các trường đại học, giáo dục sau đại học, dạy học trực tuyến… vẫn chưa được quy định rõ ràng, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, thiếu tính liên thông… Do đó, việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật phù hợp với thực tiễn đang là vấn đề cấp thiết đặt ra.

Năm là, nâng tầm giáo dục Việt Nam, hướng tới giáo dục Việt Nam được công nhận ở nhiều nước trên thế giới

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, chương trình giáo dục, nhất là giáo dục đại học tại Việt Nam hiện nay cho thấy còn nhiều bất cập, kém hiệu quả. Đây cũng được coi là nguyên nhân cơ bản khiến nền giáo dục đại học ở Việt Nam đang có xu hướng tụt hậu. Một trong các vấn đề cốt lõi là giáo dục Việt Nam phải thực sự tiếp cận với các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học đại học phổ biến của thế giới, tiến tới hòa nhập nền giáo dục thế giới. Một trong các thước đo quan trọng là sự công nhận bằng cấp lẫn nhau của hệ thống giáo dục Việt Nam và các nước, là xếp hạng của các cơ sở đào tạo của Việt Nam trên “bản đồ” giáo dục thế giới./.

LHQ-ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét