Chủ nghĩa Mác -
Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn mãi là ánh dương soi chiếu đường lối cách
mạng, là kim chỉ nam cho nhận thức và hoạt động thực tiễn của Đảng. Thực
tiễn đã chứng minh, chủ nghĩa Mác đang tiếp tục được truyền bá và có sức lan
tỏa ngày càng rộng rãi, tinh thần khoa học và cách mạng của Mác vẫn tỏa sáng
ngay ở các nước TBCN. Đời sống xã hội đương đại mặc dù có những diễn biến rất
phức tạp, trải qua nhiều biến cố thăng trầm, nhưng sự vận động đó không nằm
ngoài những dự báo của C.Mác về quy luật phổ biến của lịch sử xã hội loài
người. Giáo sư Francis Wheen - nhà khoa học người Anh chuyên nghiên cứu về
C.Mác đã khẳng định: C.Mác chưa bị chôn cất dưới đống đổ nát của bức tường Béclin;
C.Mác đã tỏ ra là nhà tư tưởng có sức ảnh hưởng lớn nhất của thế kỷ
XXI. Cả trên phương diện lý luận và thực tiễn đều chứng minh, cho đến nay,
trên thế giới chỉ có chủ nghĩa Mác - Lênin là học thuyết duy nhất bàn về tổng
thể mục tiêu, con đường, lực lượng, biện pháp, cách thức để xóa bỏ mọi áp bức,
bóc lột và bất công trong xã hội, nhằm mục đích nhân văn cao đẹp là giải phóng
con người, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội. Cần phải
khẳng định rằng, lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH của chủ nghĩa Mác -
Lênin là chân lý khoa học, bởi lẽ, lý luận ấy không dựa vào nguyện vọng chủ
quan và trí tưởng tượng mà được xây dựng trên cơ sở khoa học và cách mạng của
chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư.
Thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm định chân lý, cho
nên học thuyết nào đáp ứng được yêu cầu nguyện vọng, sự kỳ vọng của nhân dân,
đem lại lợi ích cho nhân dân thì học thuyết đó sẽ sống mãi. Thực tiễn thắng lợi
của quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng CNXH và đổi mới kinh tế
thành công ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới suốt nhiều thập kỷ
qua là minh chứng sinh động nhất về bản chất khoa học, cách mạng, tiến bộ và
giá trị nhân văn sâu sắc của chủ nghĩa Mác - Lênin, cho thấy sức sống trường tồn
mãnh liệt và sự lan tỏa của chủ nghĩa Mác - Lênin, đặc biệt trong thời đại ngày
nay. Chủ nghĩa Mác - Lênin chính là hiện thân lương tri của nhân loại tiến bộ
và yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới; là cơ sở khoa học để Đảng ta đề ra
đường lối, chính sách đổi mới, phát triển đất nước, nhất là trong bối cảnh tình
hình thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường như hiện nay. Với ý
nghĩa đó, chúng ta có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để tin tưởng và khẳng định
rằng: Chủ nghĩa Mác - Lênin, với tư cách là thế giới quan khoa học, là phương
pháp luận nhận thức và cải tạo thế giới vẫn bảo toàn và giữ nguyên giá trị.
Đúng như lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhận định: “Bây giờ học thuyết
nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách
mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”.
Thứ nhất, Đi lên CNXH là sự lựa chọn
đúng đắn duy nhất của Đảng, thể hiện mục tiêu, khát vọng của dân tộc Việt Nam
và phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.
Đó là sự thật đã trở thành chân lý mà không ai
có thể phủ nhận, bởi lẽ chân lý ấy đã được thử thách và kiểm nghiệm trong thực
tiễn đấu tranh cách mạng của nhân dân ta hơn 90 năm qua. Đi lên CNXH chính là
sự lựa chọn tất yếu, khách quan, khoa học và hoàn toàn phù hợp với quy luật và
xu thế phát triển của đất nước ta. Do có tính tất yếu khách quan, cách mạng và
khoa học ấy, ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với CNXH mới có sức mạnh lan tỏa,
hiệu triệu quần chúng vùng lên làm cách mạng, làm nên những mốc son lịch sử
chói lọi, đưa dân tộc Việt Nam đến độc lập, tự do và từng bước xây dựng cuộc
sống ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay. Sự lựa chọn đúng đắn ấy một lần
nữa được khẳng định bằng chính những thành công to lớn có ý nghĩa lịch sử qua
hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng
đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam. Lý luận về CNXH và con đường
đi lên CNXH ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực
hóa. Đúng như khẳng định của Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm
lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là
sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu
bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp
tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù
hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của
thời đại; đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của
Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”. Chỉ
có những kẻ tráo trở, táng tận lương tâm, cố tình nhắm mắt, bịt tai phủ nhận sự
thật lịch sử mới có thể bịa đặt, phê phán con đường duy nhất đúng đắn ấy.
Thứ hai, Phát triển kinh tế thị trường định
hướng XHCN là đột phá lý luận của Đảng, được thực tiễn kiểm định là hoàn toàn
đúng đắn.
Xét trên cả phương diện lý luận và thực tiễn ta
thấy: sự lựa chọn KTTT định hướng XHCN ở nước ta hoàn toàn không phải một
kiểu lắp ghép “đầu Ngô mình Sở” như các thế lực thù địch, phản động quy chụp mà
là sự trung thành, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ
thể của Việt Nam.
Học thuyết Mác đã chỉ rõ, kinh tế thị trường
không phải là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản, mà là thành tựu phát
triển chung của nhân loại, là nấc thang phát triển tất yếu của xã hội nên sẽ
còn tồn tại ở các phương thức sản xuất khác nhau. Nếu như trong chủ nghĩa tư
bản, kinh tế thị trường được coi là mục tiêu, do vậy, các nhà tư bản có thể bất
chấp thủ đoạn, cách thức, lợi dụng tối đa ưu thế của kinh tế thị trường để
chiếm đoạt giá trị thặng dư càng nhiều càng tốt, thì ở Việt Nam, xuyên suốt các
kỳ đại hội, Đảng ta xác định rõ, kinh tế thị trường chỉ là phương tiện, là cách
thức để tạo lập, xây dựng cơ sở vật chất cho CNXH, lấy con người là trung
tâm, vì mọi người và do con người, phát huy đầy đủ vai trò làm chủ của nhân
dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính
sách phát triển, tuyệt nhiên không vì mục đích giành lấy lợi nhuận tối đa bằng
mọi giá như CNTB đã và đang làm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng
định: Lựa chọn mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN không phải là sự
gán ghép chủ quan giữa kinh tế thị trường và CNXH, mà là sự nắm bắt
và vận dụng xu thế vận động khách quan của kinh tế thị trường trong thời đại
ngày nay. Do đó, “Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng
XHCN là một đột phá lý luận rất
cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35
năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có
chọn lọc kinh nghiệm của thế giới”. Và, với phương châm: bắt tay vào hành động,
thực tiễn sẽ cho câu trả lời, chắc chắn rằng thực tiễn sẽ từng bước làm sáng tỏ
được các vấn đề nêu trên.
Sau nhiều năm nhìn lại, những đánh giá, phân
tích trên ngày càng xác đáng. Thực tiễn phát triển của đất nước ta thời
gian qua đã chứng minh, KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam không phải là khái
niệm mơ hồ, chứa đựng các yếu tố gây xung đột, mâu thuẫn mà ngày càng sáng rõ
hơn về sự thống nhất biện chứng giữa KTTT với định hướng XHCN trong quá trình
phát triển. Minh chứng lớn nhất là sau hơn 35 năm đổi mới, lựa chọn mô hình
KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam đã mang lại hiệu quả cao, đất nước phát triển
nhanh chóng, từ chỗ nghèo nàn, lạc hậu trở thành một trong những nền kinh tế
năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế và có độ mở lớn hàng đầu thế giới (tới
200% GDP). Năm 2019, giữa bức tranh ảm đạm của nền kinh tế thế giới do chịu tác
động của đại dịch Covid-19, Việt Nam đã vượt trội lên như một điểm sáng hiếm
hoi được IMF và WTO đánh giá là một trong số 20 nền kinh tế có đóng góp lớn
nhất vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu và vào tốp 20 nền thương mại hàng hóa lớn
nhất thế giới.
Nền KTTT định hướng XHCN ở nước ta, về cơ bản
đã hội tụ đủ các yếu tố của nền KTTT hiện đại theo các chuẩn mực quốc
tế. Kể từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007 cho đến nay, đã có 90
nước công nhận Việt Nam là quốc gia có nền KTTT. Theo đánh giá và xếp hạng của
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của
Việt Nam đã cải thiện mạnh, tăng 13 bậc từ vị trí 68/131 năm 2007 lên vị trí
55/137 năm 2017, chuyển từ nhóm nửa dưới lên nhóm nửa trên của bảng xếp hạng.
Năm 2020, quy mô GDP Việt Nam đứng thứ 44 thế giới, đứng thứ 4 Đông Nam Á và
bình quân GDP/đầu người đứng thứ 6 khu vực. “Thương hiệu Quốc gia Việt
Nam” là thương hiệu tăng giá trị nhanh nhất thế giới khi tăng tới 29% so với
năm 2019 lên 319 tỷ USD; từ vị trí 42 lên 33 trong danh sách 100 thương hiệu
quốc gia của Brand Finance. Điều này chứng minh, kinh tế thị trường định hướng
XHCN ở Việt Nam không phải là dị biệt mà đã hòa mình vào dòng chảy kinh tế thế
giới và thông lệ quốc tế, ngày càng hội nhập và hoàn thiện.
Vậy nên kinh tế thị trường và định hướng XHCN
chẳng những không hề mâu thuẫn với nhau mà trái lại, sự lựa chọn mô hình kinh
tế thị trường, mục tiêu “định hướng XHCN” của Việt Nam còn có tác động tích cực
làm hạn chế mặt trái của kinh tế thị trường, giải quyết được các vấn đề xã hội
tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế,
được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao: Năm 2019, Việt Nam
được đánh giá và xếp hạng vào tốp 10/163 “nước đáng sống nhất thế giới” trong
bảng xếp hạng của HSBC Expat, đứng thứ 83/128 nước trong xếp hạng các nước an
toàn nhất thế giới, xếp thứ 94/156 nước trong bảng xếp hạng quốc gia hạnh phúc.
Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc
hiện thực hóa các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ; chỉ số phát triển con
người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704%, thuộc vào nhóm nước có HDI cao của thế
giới.
Đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu
sai trái, thù địch, ngăn chặn hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, chống phá của
các thế lực thù địch về CNXH và con đường đi lên CNXH, bảo vệ nền
tảng tư tưởng của Đảng là cuộc chiến lâu dài, đặc biệt khó khăn và nhiều thử
thách. Trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động, nhiều xu thế phức tạp,
tác động của quá trình toàn cầu hóa, sự phát triển của khoa học - công nghệ,
đặc biệt là công nghệ thông tin, cuộc đấu tranh chống lại âm mưu của các thế
lực thù địch ở nước ta sẽ có những diễn biến gay gắt, quyết liệt và ngày càng
phức tạp. Song, với bản lĩnh, trí tuệ, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự
đoàn kết đồng lòng của cả hệ thống chính trị, chúng ta hoàn toàn tự hào và
tuyệt đối tin tưởng cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tất yếu
giành thắng lợi, con đường đi lên CNXH chính là tương lai tươi sáng
của đất nước./.
bài rất thiết thực
Trả lờiXóa