Thứ Tư, 29 tháng 11, 2023

TÁC ĐỘNG CỦA MẠNG XÃ HỘI TỚI HOẠT ĐỘNG TRUYỀN THÔNG CHÍNH TRỊ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

 

Xét về mặt tích cực, mạng xã hội là kênh giúp lan truyền, phổ biến rộng rãi các thông tin chính trị, góp phần quan trọng trong việc phổ biến, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; từ đó củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân vào đường lối lãnh đạo của Đảng. Nếu như các phương tiện truyền thông truyền thống thường bị giới hạn bởi khả năng lan truyền thông tin, thì mạng xã hội gần như phá bỏ được ranh giới này. Một thông tin chính trị được đăng tải trên mạng xã hội ngay lập tức có thể tiếp cận được hàng triệu công chúng trên khắp thế giới, và công chúng tiếp tục trở thành người lan tỏa thông tin thông qua hoạt động chia sẻ. Cứ như vậy, thông tin chính trị được lan truyền một cách không giới hạn. Thậm chí với công chúng báo chí hiện nay, nhiều người đã có thói quen đọc báo qua mạng xã hội, bằng cách tiếp nhận những thông tin được đăng tải trên fanpage của các cơ quan báo chí, hoặc click vào những đường link được chia sẻ trên mạng xã hội, thay vì tìm đến trang chủ của các tờ báo. Sự chuyển dịch trong phương thức tiếp nhận thông tin này đặt ra bài toán với những người làm truyền thông. Dường như việc sử dụng mạng xã hội để mở rộng tiếp cận công chúng không chỉ là lựa chọn nữa, mà đã thành một con đường tất yếu.

Trên thực tế, ở Việt Nam những năm qua, việc sử dụng mạng xã hội như một kênh truyền thông chính trị quan trọng đã trở nên phổ biến ở các tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan báo chí. Hầu hết các cơ quan công quyền từ Trung ương đến địa phương đều có trang fanpage. Các lãnh đạo và cá nhân thuộc các tổ chức cũng sử dụng mạng xã hội như một kênh thông tin. Tuy vậy, ở cấp độ địa phương, các trang fanpage này chủ yếu chia sẻ đường link từ các báo, hoặc đăng tin hoạt động của tổ chức, chưa có các thông tin tuyên truyền sâu, chưa đầu tư nội dung riêng phù hợp nền tảng mạng xã hội, lượng tương tác và theo dõi cũng còn khá khiêm tốn so với tiềm năng. Do vậy, cơ hội cho các mạng xã hội tham gia vào công tác truyền thông chính trị ở Việt Nam lớn hơn nhiều so với những gì đang diễn ra trên thực tế.

Hiện nay, hầu hết các cơ quan báo chí dùng mạng xã hội như một kênh phát hành, mở rộng và tương tác với công chúng. Nhiều tin tức đăng trên mạng xã hội nhận được lượng tương tác cao. Đặc biệt, nhiều cơ quan báo chí cũng đã nhanh nhạy, bắt kịp xu thế, phát triển trên các nền tảng mạng xã hội mới nổi...

Mạng xã hội cũng là nơi để công chúng có thể trao đổi, thảo luận, bày tỏ quan điểm về các thông tin. Khi thông tin chính trị được thảo luận có định hướng trên phạm vi rộng sẽ dễ tạo được sự đồng thuận của cộng đồng đối với các chính sách. Cụ thể là:

Mạng xã hội cũng là kênh tương tác hiệu quả với công chúng, giúp thu nhận thông tin phản hồi để nắm bắt và định hướng dư luận xã hội.

Trước đây, khi chưa có sự bùng nổ của các trang mạng xã hội, chủ thể truyền thông rất khó nắm bắt được dư luận của đông đảo công chúng. Ngày nay, nhờ có mạng xã hội, ai cũng có thể trở thành nguồn phát thông tin nên cũng đễ dàng chia sẻ và trao đổi quan điểm, ý kiến cá nhân của mình tới đông đảo mọi người. Hoạt động tương tác giúp tạo ra sự gần gũi giữa công chúng và chủ thể truyền thông, cung cấp dữ liệu khá đầy đủ về đặc điểm nhu cầu, trình độ, sở thích của từng nhóm công chúng, để chủ thể truyền thông có chiến lược thông tin phù hợp. Đồng thời, hoạt động tương tác cũng giúp chủ thể truyền thông nắm bắt dư luận xã hội nhanh chóng, chính xác để có những định hướng kịp thời, đặc biệt trong các sự kiện chính trị quan trọng. Thông qua việc bày tỏ quan điểm một cách cởi mở, tự do trong khuôn khổ pháp luật, công chúng mạng xã hội cũng dễ dàng thực hiện quyền phản biện. Đặc biệt, khi có dự thảo luật được đưa ra lấy ý kiến dư luận, mạng xã hội giúp thu thập ý kiến nhanh chóng và rộng rãi. Mạng xã hội còn có một tính năng rất có lợi cho chủ thể truyền thông, đó là những câu hỏi điều tra thăm dò ý kiến công chúng. Dạng câu hỏi thăm dò này rất dễ thực hiện mà hiệu quả lại cao, người trả lời câu hỏi chỉ cần một cú click chuột là đã có thể thể hiện được ý kiến của mình về vấn đề được nêu ra. Thông qua kết quả trả lời phiếu câu hỏi, chủ thể truyền thông có thể rút ra được kết luận cho những vấn đề mà mình đang băn khoăn, đồng thời nắm bắt được xu hướng suy nghĩ của công chúng đối với những sự việc diễn ra trong xã hội. Những kết quả thăm dò này cũng có thể là một tư liệu cho những điều chỉnh chính sách.

Trong bối cảnh xuất hiện nhiều thông tin xấu, độc, người làm truyền thông chính trị có thể sử dụng mạng xã hội như một kênh hiệu quả trong việc phản bác các quan điểm sai trái, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. 

Bằng cách chia sẻ kịp thời những thông tin chính thống, quan điểm, đường lối của Đảng, người làm truyền thông chính trị có thể ngăn chặn tin giả, tin xuyên tạc, và tranh thủ được sự ủng hộ của quần chúng.

Ngoài ra, mạng xã hội còn là phương tiện cổ vũ, tập hợp quần chúng hưởng ứng các sự kiện lớn của đất nước, đặc biệt với nhóm công chúng trẻ.

Nhờ mạng xã hội, nhiều chiến dịch truyền thông đã được lan tỏa và thực hiện thành công. Chiến dịch “Tôi đi bầu cử” năm 2021 của VTV được coi là một nỗ lực “trẻ hóa” sự kiện chính trị để tiếp cận Gen Z (người trẻ) hiệu quả hơn. Chiến dịch tập trung nhắm đến đối tượng cử tri trẻ từ 18 - 34 tuổi và chú trọng vào Gen Z, giúp họ nhận rõ tầm quan trọng của việc bầu cử là hành động của một công dân trưởng thành, có trách nhiệm với Tổ quốc, từ đó thuyết phục họ đi đến một hành động rất tự nhiên và đáng tự hào: Tôi đi bầu cử. Chiến dịch đạt được 43 triệu lượt xem và tiếp cận trên các nền tảng mạng xã hội của VTV Digital và VTV. Tuy vậy, mạng xã hội cũng đang có những tác động tiêu cực đến công tác truyền thông chính trị.

Thứ nhất, mạng xã hội đang bị các thế lực thù địch sử dụng như công cụ chủ yếu để tuyên truyền chống phá, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kích động quần chúng, đặc biệt trong các sự kiện, vấn đề nóng.

Thứ hai, với số lượng công chúng lớn, nhiều tài khoản ảo, nặc danh, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý. Việc ai cũng có thể trở thành người cung cấp thông tin trên mạng xã hội khiến cho tình trạng tin giả, tin sai lệch xuất hiện phổ biến với các hình thức ngày càng tinh vi, gây nhiễu loạn các nguồn tin chính thống. Hơn nữa, công chúng dễ bị lôi kéo bởi tâm lý “đám đông”. Một vài người có ảnh hưởng lại có tư tưởng sai lệch cũng có thể dẫn dắt dư luận, tạo ra hiệu ứng “tẩy chay”, “ném đá” hoặc phản đối các chính sách dù chưa hiểu rõ đúng - sai.

Thứ ba, mạng xã hội đặt ra bài toán đối với công tác bảo mật thông tin, đặc biệt với những thông tin là bí mật quốc gia. Các tài khoản mạng xã hội của các tổ chức chính trị, các cơ quan đảng, cơ quan báo chí... có thể bị tấn công hoặc xâm nhập, bị đánh cắp thông tin và dữ liệu. Bên cạnh đó, chủ thể truyền thông có thể chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của bảo mật thông tin và mức độ nguy hiểm của việc lộ thông tin cá nhân, tổ chức, nên thường đăng tải các hoạt động hoặc thông tin nội bộ lên mạng xã hội, vô tình tiếp tay cho các phần tử chống phá, xuyên tạc, gây bất ổn chính trị xã hội, an ninh quốc gia. Năm 2021, Bộ Công an ghi nhận 8 triệu cảnh báo tấn công mạng. Cơ quan chức năng phát hiện 30 vụ lộ bí mật nhà nước với 220 đầu tài liệu.

Như vậy, chúng ta đều nhận thấy mạng xã hội đã tạo ra cơ hội rất lớn, nhưng thách thức cũng không hề nhỏ. Vì vậy, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, các nhà lãnh đạo cần trang bị kỹ năng sử dụng công cụ mạng xã hội để đạt được hiệu quả cao trong công tác truyền thông chính trị./.

 

1 nhận xét:

  1. Thời gian qua, bọn phản động đưa ra các thông tin lệch lạc, xuyên tạc sự thật; gây hoang mang dư luận, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Chúng ta phải hết sức cảnh giác.

    Trả lờiXóa