Hồ Chí Minh cho rằng, chủ nghĩa cá nhân là sản phẩm tất yếu
của chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Người viết: Trong xã hội cũ,
bọn phong kiến địa chủ, bọn tư bản và đế quốc thẳng tay áp bức, bóc lột những tầng
lớp người khác, nhất là công nhân và nông dân. Người cho rằng, thói quen và
truyền thống lạc hậu nảy sinh từ nền nông nghiệp tiểu nông lúa nước vẫn còn tồn
tại trong cách nghĩ cách làm của một bộ phận nhân dân, cán bộ, đảng viên.
Bên cạnh những nguồn gốc khách quan nói trên, chủ nghĩa cá
nhân còn nảy sinh từ những nguyên nhân chủ quan. Ở đây, Hồ Chí Minh chỉ rõ
nguyên nhân chủ quan làm nảy sinh chủ nghĩa cá nhân bao gồm hai mặt. Một mặt, theo
Người, do cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện và học tập để chủ nghĩa
cá nhân phát triển, chi phối. Họ nặng tính thực dụng, thiếu tu dưỡng rèn luyện
thường xuyên nên ý thức giác ngộ, lập trường giai cấp phai nhạt, tư tưởng hưởng
thụ, bệnh gia trưởng, hẹp hòi ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân trỗi dậy chi phối suy
nghĩ và hành vi. Do lười học tập, nghiên cứu lý luận chính trị, dẫn tới nhận thức,
giác ngộ về hệ tư tưởng, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trong không
ít cán bộ, đảng viên yếu kém, vì thế họ ngày càng xa dân, không được nhân dân ủng
hộ trong thực tế. Đó là nguy cơ lớn liên quan đến sự tồn vong của Đảng và chế độ
ta. Có thể thấy, việc thiếu tu dưỡng, rèn luyện và học tập để nâng cao năng lực,
phẩm chất cách mạng vừa là biểu hiện, vừa là nguyên nhân hình thành chủ nghĩa
cá nhân trong cán bộ, đảng viên…
Bản chất của chủ nghĩa cá nhân theo quan điểm của Hồ Chí
Minh chính là sự tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, tách rời, coi thường và đối lập
với lợi ích chung của cộng đồng, xã hội, thể hiện: Đối với lý tưởng cách mạng,
chủ nghĩa cá nhân đặt lợi ích riêng của mình, của gia đình mình lên trên, lên
trước lợi ích chung của dân tộc, cái gì cũng chỉ biết có mình và gia đình mình
chứ ít khi nghĩ đến cái gia đình lớn là dân tộc. Đối với nhân dân, chủ nghĩa cá
nhân là đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, xa rời nhân dân, là quan liêu,
hách dịch đối với nhân dân. Đối với nhiệm vụ cách mạng, chủ nghĩa cá nhân là sợ
khó, sợ khổ; tự do chủ nghĩa, luôn đặt lợi ích riêng lên trên lợi ích chung, rồi
sinh ra vô kỷ luật, vô tổ chức, tham địa vị, tham danh vọng, bè phái, tham ô,
lãng phí, quan liêu. Đối với mình, chủ nghĩa cá nhân là tự tư, tự lợi, tự kiêu,
tự mãn, tranh công đổ lỗi, công thần; đòi hưởng thụ, đãi ngộ, tham lam, lười biếng,
hiếu danh, hẹp hòi; thực dụng. Do vậy, chủ nghĩa cá nhân là mặt trái, là yếu tố
kìm hãm sự phát triển của cá nhân trong xã hội mới, văn minh, hiện đại, bởi nó
gây tác hại nghiêm trọng không chỉ cho bản thân cá nhân mà còn cho xã hội. Theo
Hồ Chí Minh, biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân được thể hiện thông qua các hành
vi của mỗi con người: chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích của
riêng mình, không quan tâm đến lợi ích chung của cách mạng, của nhân dân; là
tham danh trục lợi, thích địa vị, quyền hành, tham nhũng quyền lực; quan liêu,
mệnh lệnh; xa rời quần chúng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét