Thứ Hai, 20 tháng 11, 2023

ĐẤU TRANH CHỐNG CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN TRONG CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN QUA TÁC PHẨM “SỬA ĐỔI LỐI LÀM VIỆC”

 

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Chủ nghĩa cá nhân là những quan điểm, quan niệm tuyệt đối hoá vai trò và lợi ích cá nhân, đề cao tự do cá nhân, đặt lợi ích cá nhân lên trên hết, trước hết và đối lập với lợi ích tập thể.

 

Chủ nghĩa cá nhân được Hồ Chí Minh sử dụng lần đầu tiên trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” với bút danh X.Y.Z, viết xong tháng 10/1947.

Khái niệm chủ nghĩa cá nhân

 

Chủ nghĩa cá nhân được Hồ Chí Minh sử dụng lần đầu tiên trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947) và dần được bổ sung cùng với quá trình lãnh đạo cách mạng của Người. Theo Hồ Chí Minh, “Chủ nghĩa cá nhân là đặt lợi ích riêng của mình, của gia đình mình lên trên, lên trước lợi ích chung của dân tộc”. Chủ nghĩa cá nhân là “so bì đãi ngộ: lương thấp, cao, quần áo đẹp, xấu, là uể oải, muốn nghỉ ngơi, hưởng thụ, an nhàn” hoặc “Chủ nghĩa cá nhân, lợi mình hại người, tự do vô tổ chức, vô kỷ luật và những tính xấu khác... Như vậy, theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Chủ nghĩa cá nhân là những quan điểm, quan niệm tuyệt đối hoá vai trò và lợi ích cá nhân, đề cao tự do cá nhân, đặt lợi ích cá nhân lên trên hết, trước hết và đối lập với lợi ích tập thể. Chủ nghĩa cá nhân, dù xem xét ở góc độ nào thì cũng là đề cao, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, làm gì cũng nghĩ đến mình trước hết, muốn mọi người vì mình mà không muốn mình vì mọi người. Chủ nghĩa cá nhân là trái ngược với đạo đức cách mạng, trái với chủ nghĩa tập thể, cái gì trái với đạo đức cách mạng đều là chủ nghĩa cá nhân.

 

Nguồn gốc, bản chất và biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân

 

Hồ Chí Minh cho rằng, chủ nghĩa cá nhân là sản phẩm tất yếu của chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Người viết: Trong xã hội cũ, bọn phong kiến địa chủ, bọn tư bản và đế quốc thẳng tay áp bức, bóc lột những tầng lớp người khác, nhất là công nhân và nông dân. Người cho rằng, thói quen và truyền thống lạc hậu nảy sinh từ nền nông nghiệp tiểu nông lúa nước vẫn còn tồn tại trong cách nghĩ cách làm của một bộ phận nhân dân, cán bộ, đảng viên.

 

Bên cạnh những nguồn gốc khách quan nói trên, chủ nghĩa cá nhân còn nảy sinh từ những nguyên nhân chủ quan. Ở đây, Hồ Chí Minh chỉ rõ nguyên nhân chủ quan làm nảy sinh chủ nghĩa cá nhân bao gồm hai mặt. Một mặt, theo Người, do cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện và học tập để chủ nghĩa cá nhân phát triển, chi phối. Họ nặng tính thực dụng, thiếu tu dưỡng rèn luyện thường xuyên nên ý thức giác ngộ, lập trường giai cấp phai nhạt, tư tưởng hưởng thụ, bệnh gia trưởng, hẹp hòi ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân trỗi dậy chi phối suy nghĩ và hành vi. Do lười học tập, nghiên cứu lý luận chính trị, dẫn tới nhận thức, giác ngộ về hệ tư tưởng, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trong không ít cán bộ, đảng viên yếu kém, vì thế họ ngày càng xa dân, không được nhân dân ủng hộ trong thực tế. Đó là nguy cơ lớn liên quan đến sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Có thể thấy, việc thiếu tu dưỡng, rèn luyện và học tập để nâng cao năng lực, phẩm chất cách mạng vừa là biểu hiện, vừa là nguyên nhân hình thành chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên…

 

Bản chất của chủ nghĩa cá nhân theo quan điểm của Hồ Chí Minh chính là sự tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, tách rời, coi thường và đối lập với lợi ích chung của cộng đồng, xã hội, thể hiện: Đối với lý tưởng cách mạng, chủ nghĩa cá nhân đặt lợi ích riêng của mình, của gia đình mình lên trên, lên trước lợi ích chung của dân tộc, cái gì cũng chỉ biết có mình và gia đình mình chứ ít khi nghĩ đến cái gia đình lớn là dân tộc. Đối với nhân dân, chủ nghĩa cá nhân là đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, xa rời nhân dân, là quan liêu, hách dịch đối với nhân dân. Đối với nhiệm vụ cách mạng, chủ nghĩa cá nhân là sợ khó, sợ khổ; tự do chủ nghĩa, luôn đặt lợi ích riêng lên trên lợi ích chung, rồi sinh ra vô kỷ luật, vô tổ chức, tham địa vị, tham danh vọng, bè phái, tham ô, lãng phí, quan liêu. Đối với mình, chủ nghĩa cá nhân là tự tư, tự lợi, tự kiêu, tự mãn, tranh công đổ lỗi, công thần; đòi hưởng thụ, đãi ngộ, tham lam, lười biếng, hiếu danh, hẹp hòi; thực dụng. Do vậy, chủ nghĩa cá nhân là mặt trái, là yếu tố kìm hãm sự phát triển của cá nhân trong xã hội mới, văn minh, hiện đại, bởi nó gây tác hại nghiêm trọng không chỉ cho bản thân cá nhân mà còn cho xã hội. Theo Hồ Chí Minh, biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân được thể hiện thông qua các hành vi của mỗi con người: chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích của riêng mình, không quan tâm đến lợi ích chung của cách mạng, của nhân dân; là tham danh trục lợi, thích địa vị, quyền hành, tham nhũng quyền lực; quan liêu, mệnh lệnh; xa rời quần chúng.

 

Tác hại của chủ nghĩa cá nhân

 

Về chính trị, theo Hồ Chí Minh, tác hại lớn nhất mà chủ nghĩa cá nhân gây ra đó là làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, với cách mạng. Những cán bộ mắc căn bệnh cá nhân chủ nghĩa dễ đi đến phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, phủ nhận tính đúng đắn của sự lựa chọn con đường phát triển dân tộc. Họ bằng lòng với những nhận thức giản đơn, mơ hồ về chủ nghĩa Mác - Lênin, về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

 

Về kinh tế, những cán bộ, đảng viên bị ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân thì tiền của của Nhà nước, của Nhân dân không chỉ bị biến thành tài sản riêng của cá nhân mà thậm chí còn bị lãng phí và thất thoát lớn. Ở mức độ thấp hơn, một số cán bộ, đảng viên lạm dụng quyền hạn, chức vụ trong khi thi hành công vụ, nhũng nhiễu, hạch sách, làm mất thời gian, công sức, tiền bạc của Nhân dân. Hồ Chí Minh từng khẳng định: khi gặp công việc không biết tìm đủ cách giải thích cho dân hiểu... song, vì muốn làm cho được việc, rồi dùng cách hạ mệnh lệnh, cách áp bức, phạm vào thói quan liêu, quân phiệt, đến nỗi Chính phủ hoặc Đảng phải trừng phạt.

 

Về văn hóa - xã hội, chủ nghĩa cá nhân làm tha hoá đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, xâm phạm, thậm chí làm thay đổi, đảo lộn những chuẩn mực đạo đức xã hội. Khi chuẩn mực xã hội bị phá vỡ càng làm cho chủ nghĩa cá nhân phát triển. Cán bộ, đảng viên sa vào chủ nghĩa cá nhân do được thúc đẩy bởi những lợi ích phi pháp, bất chính sẽ sẵn sàng bẻ cong, chà đạp hoặc phá vỡ các quy tắc, yêu cầu của các chuẩn mực xã hội, làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội.

 

Yêu cầu và giải pháp đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh

 

Để chống chủ nghĩa cá nhân, Hồ Chí Minh đã xác định rõ chủ thể của cuộc đấu tranh này là: tổ chức (bao gồm Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền từ Trung ương đến cơ sở, cơ quan, đơn vị, các đoàn thể xã hội); bản thân mỗi cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đồng thời để phát huy hiệu quả trong cuộc đấu tranh này càn phải quán triệt các nguyên tác đó là: Phải đảm bảo tính toàn diện, hệ thống; phải thường xuyên, kiên trì, cụ thể và phải có quyết tâm cao; phải tôn trọng, bảo vệ, khuyến khích động lực cá nhân chính đáng và phải kết hợp chặt chẽ giữa chống chủ nghĩa cá nhân với xây dựng đạo đức cách mạng cho mỗi cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở những nguyên tắc xây dựng đạo đức mới cùng với những nhận thức sâu sắc về bản chất cũng như sự nguy hiểm của chủ nghĩa cá nhân đối với một đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh đã đưa ra những biện pháp chủ yếu để đẩy lùi và tẩy trừ căn bệnh này.

 

Một là, phát huy vai trò của Đảng và tổ chức đảng trong đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân.

 

Phải thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng. Việc chỉnh đốn Đảng, thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng là một trong những biện pháp hết sức quan trọng. Mỗi cơ quan lãnh đạo, mỗi người lãnh đạo phải làm sao để cho các đảng viên và cán bộ dám nói ý kiến của mình, dám phê bình. Trong một tổ chức, nếu cách lãnh đạo không được dân chủ thì dẫn đến cán bộ, đảng viên không dám nói ra những điều họ nghĩ, rồi sinh ra uất ức, chán nản từ đó nảy sinh ra thói “không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng”, sinh ra nhiều thói xấu khác, từ đó dẫn đến cấp trên với cấp dưới cách biệt nhau, quần chúng với Đảng xa rời nhau.

 

Hai là, thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng.

 

Thực hiện tốt tự phê bình và phê bình, con người sẽ làm chủ và điều chỉnh được mọi hoạt động của bản thân. Khi cán bộ, đảng viên nhận thức được sự tổng hòa các mối quan hệ xã hội một cách tự giác, xét ở góc độ nhân cách, đó còn là lòng tự trọng, nghĩa là họ hành động do sự thôi thúc của chính mình, coi đó là nhu cầu sống và lẽ sống, chứ không bởi sự hối thúc của ngoại cảnh; và khi đạt tới trạng thái tự do trong tự phê bình và phê bình, thì quan hệ giữa mỗi cán bộ, đảng viên sẽ mang đậm tính nhân bản, chứa đựng tính nhân văn sâu sắc. Triết lý tự phê bình và phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực chất là triết lý tu thân, một triết lý đậm tính nhân văn cao cả và sâu sắc; triết lý này góp phần quan trọng làm nên lẽ sống, lối sống của người Cộng sản, đồng thời, là một nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng Cộng sản. Theo đó, tự phê bình và phê bình là việc phải làm thường xuyên như “rửa mặt hàng ngày” của mỗi cán bộ, đảng viên. Vì vậy, mỗi đảng viên, mỗi cán bộ, cần phải tự xét mình và xét đồng chí mình, ai có khuyết điểm nào, thì phải thật thà cố gắng tự sửa chữa và giúp sửa chữa lẫn nhau. Tự phê bình và phê bình cho đúng chẳng những không làm giảm thể diện, uy tín của cán bộ, của Đảng, trái lại nó còn làm cho sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn, do đó mà uy tín và thể diện càng tăng thêm.

 

Ba là, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải chặt chẽ; kỷ luật Đảng phải nghiêm minh, tự giác.

 

Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng chặt chẽ; chế độ sinh hoạt và kỷ luật đảng nghiêm minh, tự giác luôn là một trong những biện pháp hữu hiệu để góp phần chống chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên của Đảng. Sinh hoạt và kỷ luật đảng nghiêm minh, tự giác giúp cho mỗi tổ chức đảng, mỗi đảng viên luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Đặc biệt, trong điều kiện Đảng cầm quyền, ở những vị trí lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy nhà nước đều là đảng viên. Họ là những người cán bộ có chức, có quyền; trong đó gắn liền với chức, quyền là danh và lợi. Do đó, nếu đảng buông lỏng kỷ luật sẽ dễ làm nảy sinh đầu óc cá nhân chủ nghĩa trong mỗi cán bộ, đảng viên.

 

Bốn là, phát huy vai trò của Nhân dân trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân.

 

Hồ Chí Minh viết: lực lượng của dân chúng nhiều vô cùng. Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có thì việc gì làm cũng không xong. Theo Hồ Chí Minh, biện pháp quan trọng hàng đầu để phát huy vai trò của quần chúng trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là phải giáo dục tư tưởng cho quần chúng. Đồng thời, Chính phủ và Nhà nước cần không ngừng nâng cao dân trí, nâng cao hiểu biết của người dân để họ phát huy quyền làm chủ của mình trong cuộc đấu tranh này. Theo đó, Người yêu cầu, báo chí phải góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục; phải phân tích cho người dân thấy tác hại nghiêm trọng của chủ nghĩa cá nhân và giúp họ thấy sự cần thiết của việc chống lại căn bệnh này; cần sớm hoàn thiện cơ chế để huy động được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân.

 

Năm là, phát huy tính tích cực, tự giác của bản thân cán bộ, đảng viên trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân.

 

Đối với mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng, tu dưỡng đạo đức cá nhân là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu để chống chủ nghĩa cá nhân. Bởi, đạo đức cách mạng là đạo đức dấn thân, đạo đức trong hành động vì độc lập tự do của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân. Chỉ có trong hành động, đạo đức cách mạng mới bộc lộ rõ những giá trị của mình. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà trong tác phẩm “Đường kách mệnh”, Hồ Chí Minh đưa phần giáo dục đạo đức lên hàng đầu, trong đó trước hết phải xử lý mối quan hệ với chính mình, phải tu dưỡng cá nhân. Chỉ có ra sức học tập và rèn luyện, mỗi người mới trở thành người tốt hơn, đạo đức hơn. Để phát huy tinh thần tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cá nhân, Hồ Chí Minh cho rằng, phải làm sao để mỗi cán bộ, đảng viên tự nhận thấy việc trau dồi đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân là một việc “sung sướng, vẻ vang nhất trên đời”. Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác rèn luyện thông qua hoạt động thực tiễn, trong công việc, trong các mối quan hệ của mình, phải nhìn thẳng vào mình, không tự lừa dối, huyễn hoặc; phải thấy rõ cái hay, cái tốt, cái thiện của mình để phát huy và thấy rõ cái dở, cái xấu, cái ác của mình để khắc phục; phải kiên trì rèn luyện, tu dưỡng suốt đời như công việc rửa mặt hàng ngày./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét