Thứ Ba, 28 tháng 11, 2023

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với tiến trình vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

(LLCT) - Sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, được dự lớp huấn luyện chính trị tại Quảng Châu, Trung Quốc của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên vào cuối năm 1927 và trở thành hội viên của tổ chức này, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã tích cực hoạt động, nhanh chóng trở thành một trong những người lãnh đạo của Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ và có nhiều đóng góp cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài viết điểm lại cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với cách mạng Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí.


Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (2-2-1908 - 31-7-1932) là một nhà hoạt động cách mạng Việt Nam. Đồng chí là Bí thư đầu tiên của Thành ủy Hải Phòng, Tổng biên tập đầu tiên của báo Lao động và là người có nhiều đóng góp cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước ở làng Diêm Điền, tổng Hổ Đội, huyện Thụy Anh (nay thuộc thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy), tỉnh Thái Bình. Từ nhỏ Nguyễn Đức Cảnh đã trải qua biến cố mất cha, được ông Nguyễn Đạo Quân, ông Trần Mỹ - những người bạn học cũ của cha đưa về nuôi và cho học hành. Nguyễn Đức Cảnh sang Nam Định học ở trường Thành Chung và từ đây bắt đầu những hoạt động yêu nước đầu tiên. Ngoài thời gian học tập trên lớp, Nguyễn Đức Cảnh thường đến ngôi nhà số 7, phố Bến Ngự - nơi tụ hội, đầu mối liên lạc của các sĩ phu yêu nước Bắc Kỳ và Trung Kỳ, để đọc sách báo tiến bộ; tìm hiểu các tài liệu về hoạt động chống thực dân Pháp của các bậc tiền bối Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan ChâuTrinh… Từ đó, Nguyễn Đức Cảnh có sự chuyển biến về nhận thức, để tìm hiểu và dấn thân vào con đường đấu tranh cách mạng.

Được tác động bởi phong trào đấu tranh yêu nước của giai cấp vô sản tại các nhà máy sợi, nhà máy tơ, nhà máy điện… ở Nam Định nói riêng và phong trào đấu tranh của công nhân trong cả nước nói chung, Nguyễn Đức Cảnh và nhóm học sinh của trường Thành Chung (Nam Định) đã hòa mình vào đời sống của giai cấp công nhân, nông dân nghèo.

Những trải nghiệm sâu sắc ban đầu ấy cho anh thấy nỗi khổ nhục của những người dân mất nước và tâm tư, nguyện vọng của giai cấp công nhân trước thời cuộc. Một mảnh đất tốt được chuẩn bị đã sẵn sàng cho công cuộc gieo hạt. Giữa lúc đó, tiếng bom Phạm Hồng Thái mưu giết toàn quyền Đông Dương ở Sa Diện, Quảng Châu (tháng 6-1924), sự kiện Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (tháng 11-1924) bắt liên lạc với tổ chức Tâm tâm xã, tìm gặp chí sĩ Phan Bội Châu bàn về con đường cứu nước; nhất là việc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (tháng 6-1925) đã tác động sâu sắc đến Nguyễn Đức Cảnh và những thanh niên Việt Nam yêu nước đương thời.

Trăn trở một khát vọng cứu nước, tháng 9-1927, Nguyễn Đức Cảnh, Lý Hồng Nhật, Nguyễn Công Thu “bí mật xuất dương đi dự lớp huấn luyện chính trị kéo dài ba, bốn tháng tại số nhà 13A đường Văn Minh (Quảng Châu, Trung Quốc); rồi được phái về các địa phương, thành phố miền Bắc, Trung, Nam để gây dựng cơ sở và tiếp tục vận động thanh niên yêu nước đi dự lớp huấn luyện chính trị tiếp theo”(1).

Qua học tập, Nguyễn Đức Cảnh đã dứt khoát rời khỏi Quốc dân đảng sang lập trường cộng sản, tự nguyện gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Thanh niên), quyết tâm đi theo con đường cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã vạch ra. Đây là bước ngoặt quyết định trong cuộc đời hoạt động của Nguyễn Đức Cảnh. “Ngày 9-12-1927, Nguyễn Đức Cảnh kết thúc lớp huấn luyện chính trị, trở về nước mang theo bao niềm vui, những dự định và quyết tâm mới”(2).

Trở về Việt Nam, Nguyễn Đức Cảnh hoạt động trong phong trào công nhân trên lập trường của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Qua học tập và rèn luyện, Nguyễn Đức Cảnh cho rằng cần phải tăng cường đi thực tế trong các nhà máy, hầm mỏ để gây dựng và mở rộng cơ sở cách mạng. Từ đó, đồng chí đã đề đạt với Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ chủ trương đưa hội viên đi thực tế trong các cơ sở công nghiệp và được Kỳ bộ chấp nhận.

Tháng 02-1928, Nguyễn Đức Cảnh được Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ cử xuống Hải Phòng hoạt động. Sau thời gian ngắn hoạt động tại Hải Phòng, Nguyễn Đức Cảnh được cử bổ sung làm Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ, trực tiếp làm Bí thư Tỉnh bộ Thanh niên Hải Phòng (bao gồm thành phố Hải Phòng, các tỉnh Kiến An, Hải Dương và khu mỏ Hồng Quảng)(3). Thời gian này, đồng chí tập trung vào công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ cách mạng; tuyên truyền để gây dựng và phát triển cơ sở ở Hải Phòng, đặc biệt là vùng mỏ Hồng Quảng - nơi tập trung gần 20% công nhân của cả nước nhằm củng cố và phát triển các chi bộ Thanh niên và các cơ sở công hội trong công nhân. Nỗ lực hoạt động và năng lực tổ chức cao, chỉ trong một thời gian ngắn, Nguyễn Đức Cảnh đã chỉ đạo thành lập nhiều tổ chức chi bộ Thanh niên ở vùng mỏ...

Tháng 8-1928, trên cương vị Bí thư Tỉnh bộ Thanh niên Hải Phòng, Nguyễn Đức Cảnh lên Hà Nội dự Hội nghị Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ. Hành trang trong chuyến đi này là những trải nghiệm sâu sắc được đúc kết từ thực tiễn hoạt động trong phong trào công nhân Hải Phòng và vùng duyên hải. Những hoạt động nhiều mặt, có hiệu quả của Nguyễn Đức Cảnh trong và sau Hội nghị đã tỏ rõ khả năng và vai trò của một người lãnh đạo phong trào công nhân Việt Nam. Nguyễn Đức Cảnh đã có bước trưởng thành Các hoạt động tích cực trong phong trào công nhân và đẩy mạnh tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin trong giai cấp công nhân của Nguyễn Đức Cảnh đã góp phần quan trọng, tạo nên sự biến đổi nhanh về chất của giai cấp công nhân và phong trào cách mạng nước ta; thúc đẩy yêu cầu cấp bách phải thành lập đội tiên phong của giai cấp để thực hiện sứ mệnh lịch sử giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp theo con đường cách mạng vô sản.

vượt bậc từ một thanh niên yêu nước, một công nhân thành nhà cách mạng chuyên nghiệp - một trong những người lãnh đạo Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ về việc phát triển cơ sở cách mạng phải lấy lực lượng công nhân làm nòng cốt; phải tăng cường hơn nữa công tác vận động công nhân; cán bộ trong Thanh niên phải đi “vô sản hóa” tại các hầm mỏ, nhà máy, đồn điền và nhất là với trách nhiệm Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ cùng với Ngô Gia Tự đặc trách công tác vận động công nhân, Nguyễn Đức Cảnh chủ trương đẩy mạnh phong trào “vô sản hóa”(4).

Nguyễn Đức Cảnh đã tổ chức cho nhiều hội viên Thanh niên đi “vô sản hóa” ở các hầm mỏ, nhà máy, xí nghiệp miền duyên hải, coi đó là biện pháp rèn luyện thực tế hiệu quả đối với các hội viên, góp phần vào việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và thúc đẩy nhanh tiến trình kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân.

Các hoạt động tích cực trong phong trào công nhân và đẩy mạnh tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin trong giai cấp công nhân của Nguyễn Đức Cảnh đã góp phần quan trọng, tạo nên sự biến đổi nhanh về chất của giai cấp công nhân và phong trào cách mạng nước ta; thúc đẩy yêu cầu cấp bách phải thành lập đội tiên phong của giai cấp để thực hiện sứ mệnh lịch sử giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp theo con đường cách mạng vô sản.

Trong thời gian này, nhiều cán bộ chủ chốt của Tỉnh bộ Thanh niên Hải Phòng cũng đi “vô sản hóa” trong các cơ sở công nghiệp. Nguyễn Đức Cảnh cũng từ người thợ quai búa của Nhà máy Cơ khí Carông chuyển sang làm phu khuân vác ở cảng Hải Phòng(5). Vừa trải nghiệm cuộc sống vất vả của một công nhân thực thụ, vừa bí mật viết tài liệu tổng kết, tuyên truyền, thông qua tài liệu Tổ chức Công hội được bí mật lưu hành trong công nhân, đã giúp hội viên Thanh niên nắm được phương pháp, cách thức và nội dung xây dựng, phát triển Công hội đỏ. Nguyễn Đức Cảnh còn viết nhiều truyền đơn, bài báo gửi đăng các báo Đồng lòng tranh đấu, Cờ đỏ, Tin tức... dưới các bút danh Trọng, Quý, v.v… tố cáo chế độ thực dân bóc lột và kêu gọi quần chúng đoàn kết đấu tranh.

Những hoạt động không mệt mỏi trong phong trào công nhân của Nguyễn Đức Cảnh trong năm 1928 - 1929 đã góp phần phát triển mạnh mẽ phong trào cách mạng ở Hải Phòng và vùng mỏ Đông Bắc. Đó là sự ra đời và hoạt động của hàng loạt tổ chức Thanh niên; là việc nhiều hội viên cốt cán của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đi “vô sản hóa” trong các cơ sở công nghiệp như hầm mỏ, nhà máy, một số đi về nông thôn gây dựng cơ sở. Trải qua thực tế các hội viên Thanh niên truyên truyền đã tiếp thu lý luận Mác - Lênin, giác ngộ vai trò to lớn và sứ mệnh lịch sử của giai cấp; đồng thời tham gia phong trào, đoàn kết trong đấu tranh, không chỉ vì mục tiêu kinh tế mà còn vì lợi ích của giai cấp công nhân và của toàn dân tộc.

Đứng trước sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng của phong trào công nhân, Nguyễn Đức Cảnh và các đồng chí tiên tiến nhất trong Tỉnh bộ Thanh niên Hải Phòng và Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ thấy rõ việc vừa phải tiếp tục mở rộng phong trào, vừa phải tăng cường công tác giáo dục lý luận chính trị, giác ngộ giai cấp cho hội viên. Với trình độ lý luận, thực tiễn sâu sắc và bản lĩnh chính trị vững vàng cùng những trải nghiệm trong phong trào công nhân, Nguyễn Đức Cảnh đã giúp quần chúng dễ dàng tiếp thu, nắm vững được lý luận, phương pháp và đường lối chiến lược, sách lược cách mạng… Nguyễn Đức Cảnh là một trong những cán bộ làm công tác tư tưởng đầu tiên của Đảng, với nhiều đóng góp xuất sắc.

Sự lớn mạnh của phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam khi có ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin soi đường đã làm cho Nguyễn Đức Cảnh và các đồng chí tiên tiến trong Thanh niên thấy rõ hoạt động và tầm vóc của Thanh niên không còn đủ sức lãnh đạo phong trào. Yêu cầu phải thành lập bộ chỉ huy thống nhất trong phạm vi rộng lớn hơn là đòi hỏi khách quan của phong trào cách mạng Việt Nam cuối thập niên 1920 và cũng là quan điểm của Nguyễn Đức Cảnh về việc cần phải tổ chức một chi bộ cộng sản, để từ đó phát triển và thống nhất tổ chức trong cả nước.

Thực hiện chủ trương này, tháng 3-1929, Nguyễn Đức Cảnh bí mật rời Hải Phòng về Hà Nội để cùng các đồng chí bàn việc lập chi bộ cộng sản đầu tiên. Cuối tháng 3-1929, những người tiên tiến nhất trong Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ là Ngô Gia Tự (Ngô Sĩ Quyết, Chín Tự, Bách), Nguyễn Đức Cảnh (Nguyễn Đức Trọng, Bé), Nguyễn Phong Sắc (Nguyễn Văn Sắc, Thịnh), Trịnh Đình Cửu (Lê Đình, Tri), Đỗ Ngọc Du (Phiếm Chu), Trần Văn Cung (Tu, Quốc Anh), Nguyễn Tuân (Kim Tôn), Dương Hạc Đính (Hoàng Hạc) bí mật gặp nhau tại số nhà 5D, phố Hàm Long, Hà Nội để họp thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên(6).

Chi bộ Cộng sản đầu tiên ra đời, nhưng phạm vi hoạt động của Chi bộ còn hạn chế ở một số tỉnh Bắc Kỳ, chưa vươn tới được các tỉnh Trung Kỳ và Nam Kỳ. Nhiệm vụ tiếp theo đặt ra đối với những người lãnh đạo của Thanh niên là phải thống nhất quan điểm để thành lập một đảng cộng sản trong toàn quốc. Đây cũng là nhận thức của Nguyễn Đức Cảnh cũng như các đồng chí trong Chi bộ cộng sản đầu tiên và Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ. Trên tinh thần đó, việc chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam được tiến hành khẩn trương.

Ngày 28 và 29-3-1929, Nguyễn Đức Cảnh và Đoàn đại biểu Hải Phòng, khu mỏ Hòn Gai, Cẩm Phả dự Đại hội Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ. Tại Đại hội, các đại biểu bàn về vấn đề tổ chức Đảng Cộng sản ở Việt Nam; nhiều đại biểu nêu ý kiến thành lập ngay Đảng Cộng sản; song Đại hội thống nhất đưa vấn đề thành lập Đảng Cộng sản ra Đại hội đại biểu toàn quốc của Thanh niên. Tiếp đó, một trong những công việc cần phải chuẩn bị cho việc thành lập Đảng là soạn thảo Tuyên ngôn, Điều lệ Đảng; và Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu được giao trọng trách này(7).

Khi đó, ở ngoài nước, Tổng bộ Thanh niên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc ngày 1-5-1929 tại Hồng Kông, Trung Quốc. Tại Đại hội, Ngô Gia Tự - Trưởng đoàn đại biểu Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ đề nghị phải tiến hành ngay việc thành lập Đảng Cộng sản, nhưng người chủ trì Đại hội đã phản đối với lý do “phải để từ từ, vì chưa đủ điều kiện”. Đề nghị thành lập Đảng Cộng sản không được đa số đại biểu dự Đại hội chấp nhận, nên đoàn đã bỏ Đại hội ra về(8).

Ngay khi trở về nước, Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ đã triệu tập cuộc họp và thống nhất phải thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam để lãnh đạo phong trào cách mạng. Ngày 17-6-1929, những người cách mạng trung kiên trong Chi bộ cộng sản đầu tiên đã triệu tập khoảng 20 đại biểu các tỉnh thuộc Bắc Kỳ, quyết định thành lập Đảng Cộng sản (Đông Dương Cộng sản Đảng); thảo luận và thông qua các văn kiện Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Đông Dương, Điều lệ Đảng Cộng sản... Đồng thời, cử Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, gồm các đồng chí Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Phong Sắc, Đỗ Ngọc Du, Trần Văn Cung, Trần Tư Chính(9).

Theo đó, Nguyễn Đức Cảnh được Trung ương phân công phụ trách công tác vận động công nhân và cùng với 2 đồng chí trong Trung ương lâm thời dự thảo thêm một số văn kiện của Đảng, chuẩn bị cho cuộc họp quan trọng của Đảng vào cuối năm 1929. Sau đó, Nguyễn Đức Cảnh ở lại Hà Nội ít ngày để cùng với Trịnh Đình Cửu hoàn chỉnh các văn kiện đã được Hội nghị thành lập Đảng thông qua; rồi trở về Hải Phòng vào cuối tháng 6-1929, xúc tiến thành lập các chi bộ cơ sở và Tỉnh bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Hải Phòng.

Trong những năm 1929-1930, ở Việt Nam, phong trào cách mạng triển mạnh mẽ. Ánh sáng của chủ nghĩa Mác- Lênin được truyền bá sâu rộng trên cả nước, mang lại một luồng sinh khí mới cho phong trào cách mạng. Cùng đó, chủ trương “vô sản hóa” cũng được đẩy mạnh, góp phần làm chuyển biến nhận thức của những hội viên Thanh niên; phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân cũng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu… Thực tế tình hình phát triển phong trào cách mạng trong nước cho thấy, Thanh niên không còn đủ sức lãnh đạo phong trào công nhân trong cả nước. Đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, không lâu sau khi Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập, các thành viên còn lại của Thanh niên ở Trung Quốc và Nam Kỳ cũng tuyên bố thành lập An Nam Cộng sản Đảng. Sự ra đời của 2 tổ chức cộng sản này tác động đến các thành viên của Thanh niên và tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tổ chức của Tân Việt Cách mạng Đảng. Vì vậy, những đảng viên tiên tiến của Tân Việt Cách mạng Đảng đã họp bàn và quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.

Sự xuất hiện 3 tổ chức cộng sản tại Việt Nam cho thấy sự lớn mạnh của phong trào cách mạng trong nước; xu hướng vô sản đã trở thành chủ đạo trong xu thế phát triển; đồng thời cũng chấm dứt vai trò và ảnh hưởng của tổ chức Thanh niên trong phong trào cách mạng nước ta.

Vai trò đầu tàu của Đông Dương Cộng sản Đảng, trong đó có Nguyễn Đức Cảnh đối với phong trào công nhân nói riêng và phong trào cách mạng cả nước nói chung một lần nữa lại thúc đẩy sự phát triển của phong trào công nhân và phong trào cách mạng Việt Nam tiến lên. Tuy nhiên, sự xuất hiện 3 tổ chức cộng sản cũng cho thấy nguy cơ tranh giành ảnh hưởng của các tổ chức cộng sản và sự rạn nứt khối đoàn kết, ảnh hưởng đến sự phát triển của phong trào. Yêu cầu cần thiết đoàn kết và thống nhất trong lãnh đạo, sớm khắc phục tình trạng chia rẽ về tổ chức là phải có một Đảng Cộng sản thống nhất lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước đã trở nên bức thiết.

Trong khi đó, trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, cùng với việc tăng cường chỉ đạo phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, Quốc tế Cộng sản đặc biệt chú ý đến nhiệm vụ tuyên truyền lý luận Mác - Lênin vào phong trào công nhân và thành lập Đảng Cộng sản để lãnh đạo phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Cùng đó, trước thực tế của Việt Nam, trong tài liệu “Về việc thành lập một Đảng Cộng sản ở Đông Dương” ngày 27-10-1929, Quốc tế Cộng sản đã chỉ rõ: “Cho tới nay, quá trình thành lập một Đảng Cộng sản là rất chậm so với sự phát triển của phong trào cách mạng ở Đông Dương. Việc thiếu một Đảng Cộng sản duy nhất trong lúc phong trào quần chúng công nhân và nông dân ngày càng phát triển, đã trở thành một điều nguy hiểm vô cùng cho tương lai trước mắt của cuộc cách mạng ở Đông Dương... Đảng Cộng sản Đông Dương phải được thành lập bằng cách tập hợp tất cả những phần tử thật sự là cộng sản của tất cả các nhóm cộng sản”(10).

Mùa Xuân năm 1930, như một tất yếu khách quan của lịch sử, đáp ứng nhu cầu và khát vọng của phong trào cách mạng cả nước về sự cần thiết phải có một Đảng cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã kịp thời, quyết đoán triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam (từ ngày 6-1-1930 đến ngày 7-2-1930), tại Cửu Long, Hồng Kông, Trung Quốc. Trên cơ sở nhận thức rõ tầm quan trọng của Hội nghị và trách nhiệm của mình trong sự kiện trọng đại này, các đại biểu (Nguyễn Ái Quốc đại diện cho Quốc tế Cộng sản; Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh đại diện của Đông Dương Cộng sản Đảng; Châu Văn Liêm, Nguyễn Thiệu đại diện của An Nam Cộng sản Liên đoàn và Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn giúp việc cho Hội nghị) đã trên cơ sở “xóa bỏ mọi thành kiến xung đột cũ”, dân chủ thảo luận, bàn bạc và “thành thật hợp tác”, đi đến thống nhất trong tư tưởng và hành động, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1930), lần đầu tiên Nguyễn Đức Cảnh được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và cuộc gặp mặt lần này mang lại cho Nguyễn Đức Cảnh sự phấn chấn, vững tin hơn vào Đảng Cộng sản Việt Nam và các văn kiện của Đảng do Người soạn thảo. Sự ra đời của Đảng với các văn kiện: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt, Chương trình tóm tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo được thông qua tại Hội nghị đã vạch rõ tổ chức, nhiệm vụ, đối tượng của cách mạng Việt Nam, tạo sự thống nhất lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước, tiến tới mục tiêu “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời không chỉ đánh dấu sự chuyển biến về chất của giai cấp công nhân Việt Nam, chấm dứt sự khủng hoảng đường lối của cách mạng nước ta, mà còn tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam, trong đó có sự góp sức không nhỏ của Nguyễn Đức Cảnh.

Sự tham dự và sáng lập Đông Dương Cộng sản Đảng (năm 1929) và Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1930) đã khẳng định kết quả những nỗ lực hoạt động và cống hiến cho phong trào công nhân, những đóng góp có ý nghĩa to lớn của Nguyễn Đức Cảnh trong tiến trình vận động thành lập Đảng ta, đồng thời cho thấy vai trò tiền phong, niềm tin vào sự tất thắng của chủ nghĩa cộng sản, sự tự nguyện tận tụy làm việc và hiến dâng đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Nguyễn Đức Cảnh. Đồng chí xứng đáng là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ, đảng viên của Đảng học tập và noi theor

_________________

Ngày nhận bài: 31-01-2023; Ngày bình duyệt: 10-02-2023; Ngày duyệt đăng: 23-02-2023

 

(1), (2), (8) Nguyễn Đức Cảnh Tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tr.56, 79, 113.

(3), (4), (7), (9) Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình: Nguyễn Đức Cảnh - Tiểu sử và sự nghiệp, 1999, tr.19, 21-22, 28, 31-32.

(5), (6) Lịch sử Đảng bộ Hải Phòng (1925-1955), t.1, Nxb Hải Phòng, 1991, tr.77, 80.

(10) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.614.

Nguồn: TS ĐINH QUANG THÀNH

Viện Hồ Chí Minh và Các lãnh tụ của Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS ĐỚI GIA THIÊN LINH

 

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2


1 nhận xét: