Thứ Ba, 28 tháng 11, 2023

 

Đồng chí Chu Huy Mân người chiến sĩ cộng sản kiên trung, mẫu mực

(LLCT) - Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Chu Huy Mân (17-3-1913 - 17-3-2023) là dịp để ôn lại quá trình hoạt động và đóng góp của đồng chí đối với với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đây cũng là dịp để các thế hệ hôm nay tri ân sâu sắc về một cán bộ lãnh đạo cấp cao tiêu biểu của Đảng và Nhà nước, một tướng lĩnh xuất sắc, nhà chính trị - quân sự song toàn của Quân đội ta, là tấm gương cho toàn quân, toàn dân ta học tập và noi theo.


Đồng chí Chu Huy Mân (1913 - 2006), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam là một cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, một vị Đại tướng xuất sắc, nhà quân sự - chính trị song toàn, người học trò tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là tấm gương cao đẹp về người cộng sản kiên trung, mẫu mực.

1. Đồng chí Chu Huy Mân - tấm gương lựa chọn và kiên cường đấu tranh bảo vệ lý tưởng cách mạng, vì nước, vì dân

 Đồng chí Chu Huy Mân tên khai sinh là Chu Văn Điều, sinh ngày 17-3-1913, trong một gia đình nông dân nghèo, hiếu học, tại xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là làng Phong Hảo, xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) - vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, nơi sản sinh ra nhiều nhân tài, anh hùng, nghĩa sĩ.

Sinh ra, lớn lên ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng, cũng là vùng đất thường xuyên bị thiên tai, vào thời điểm cả dân tộc đang chìm đắm trong đêm trường nô lệ, Chu Văn Điều sớm tận mắt chứng kiến cảnh nghèo túng, khổ cực của người dân vì mất mùa, đói kém, vì sự áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến, chính vì vậy, Anh đã tham gia phong trào yêu nước khi mới 16 tuổi (năm 1929). Tâm sự với mẹ về mong muốn tham gia hoạt động cách mạng, góp phần đánh đổ bọn đế quốc và phong kiến tay sai để giúp dân thoát khỏi nô lệ lầm than, khi được mẹ hỏi đi hoạt động cách mạng thì dễ bị bắt giam cầm, không biết rồi con có chịu được không? Chu Văn Điều đã khẳng khái trả lời: Dù gian khổ đến thế nào đi nữa thì con cũng chịu được, mẹ hãy tin con!(1).

Từ quyết tâm của một người yêu nước, có ý chí tham gia hoạt động cách mạng, năm 1930, trong những ngày tháng sục sôi của phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh, Chu Văn Điều đã tích cực tham gia cách mạng. Anh gia nhập Đội Tự vệ đỏ, là Đội phó Đội Tự vệ. Tháng 11-1930, Chu Văn Điều đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng khi anh 17 tuổi. Dưới cờ đỏ búa liềm trang nghiêm và linh thiêng, Chu Văn Điều xúc động giờ nắm tay thề: “Tôi, Chu Văn Điều xin thề trước cờ Đảng nguyện chiến đấu trọn đời cho Đảng, cho cách mạng, nếu bị địch bắt dù cực hình tra tấn thế nào quyết không cung khai, dù phải chịu tù đày quyết không nản chí, vào sống ra chết không sờn lòng”(2).

Lời thề thiêng liêng trước cờ Đảng đã thể hiện ý chí cách mạng, quyết tâm cao độ của người thanh niên yêu nước Chu Văn Điều, lời thề là động lực tinh thần để đồng chí vượt qua những khó khăn, thử thách trong quá trình hoạt động cách mạng sau này, để từ đó, trau dồi bản lĩnh, ý chí và tài năng của nhà lãnh đạo văn - võ song toàn, Anh Hai Mạnh - mạnh về quân sự, mạnh về chính trị của Đảng, Nhà nước và Quân đội.

Quyết tâm cao độ lựa chọn, kiên định bảo vệ lý tưởng cách mạng cao cả vì nước, vì dân đã đưa đồng chí Chu Văn Điều vượt qua những gian khó trong quá trình hoạt động cách mạng.

Khi cao trào cách mạng Xô viết bị đàn áp đẫm máu, phong trào cách mạng tạm thời lắng xuống, bị thực dân Pháp bắt giam, đánh đập, đe dọa nhiều lần nhưng đồng chí Chu Văn Điều vẫn giữ vững ý chí và niềm tin vào ngày mai tươi sáng của cách mạng. Chính từ sự kiên trung đó, năm 1933, mới 20 tuổi đồng chí được giao đảm nhiệm cương vị Bí thư Chi bộ xã Yên Lưu. Trên cương vị Bí thư Chi bộ xã (từ năm 1933 đến 1939), đồng chí Chu Văn Điều đã cùng Chi bộ lãnh đạo khôi phục phong trào cách mạng địa phương sau “khủng bố trắng” của thực dân Pháp và tham gia các hoạt động trong Cao trào đấu tranh đòi dân chủ, dân sinh thời kỳ 1936 - 1939.

Thời kỳ 1933  - 1935, mặc dù nhiều lần bị mất liên lạc với cấp trên, nhưng với tinh thần chủ động, đồng chí đã lãnh đạo Chi bộ Yên Lưu triển khai việc phát triển lực lượng, đổi mới phương pháp đấu tranh để chuẩn bị cho phong trào cách mạng trong giai đoạn mới. Chính vì vậy, Chi bộ xã Yên Lưu vẫn duy trì hoạt động và phát triển về số lượng đảng viên, lãnh đạo phong trào cách mạng.

Tháng 5-1935, mùa thu thuế của chính quyền phong kiến, do gia đình không có tiền nộp thuế, Chu Văn Điều bị người anh họ là Chu Văn Đạm - Phó lý làng Thượng đánh một trận đau. Bất bình với người anh họ không phân biệt đúng sai, phải trái, không đứng về phía dân nghèo, Chu Văn Điều đã quyết định đổi tên Văn Điều thành Huy Mân với ý nghĩa là “ngọc sáng”. Từ đây tên gọi Chu Huy Mân bắt đầu xuất hiện và đi liền suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí.

Trải qua hơn 10 năm hoạt động cách mạng (1929-1939), đồng chí Chu Huy Mân 8 lần bị địch bắt, giam cầm. Lần đầu, vào tháng 6-1931, trưởng bang tá Võ Quý Công, anh em nhà địa chủ Võ Quý Sơ, cùng bọn tay sai đã bắt Chu Huy Mân và gần 50 người, hầu hết là Tự vệ đỏ. Chúng đánh đập, dụ dỗ hòng bắt các đồng chí quy hàng. Lần thứ hai, vào Ngày Quốc tế Lao động 1-5-1935. Thực dân Pháp bắt giam những người chúng tình nghi là cầm đầu hoặc lãnh đạo phong trào quần chúng trong đó có đồng chí Chu Huy Mân, trước ngày Lễ từ 5 đến10 ngày để ngăn chặn, không để nổ ra những cuộc mít tinh, biểu tình lớn vào dịp Quốc tế Lao động. Lần thứ ba, chúng đã bắt Chu Huy Mân vào tháng 7-1937 vì nghi có liên quan đến cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy xe lửa Trường Thi. Lần thứ tư, vào tháng 7-1938, sau mấy tuần khi đồng chí Chu Huy Mân bàn giao cơ sở đảng nhà máy xe lửa Trường Thi do đồng chí trực tiếp xây dựng cho đồng chí khác, thì cả hai đều bị địch bắt vào nhà lao Vinh. Lần thứ 5, vào sáng ngày 14-10 (âm lịch), khi Chu Huy Mân ngăn cản các cuộc đánh đập của tri phủ và lý trưởng tại Đình Trung, Yên Lưu.

Năm 1939, Chu Huy Mân lại 3 lần bị địch bắt. Lần thứ nhất: vào ngày 28-4; lần thứ hai: ngày 13-7; lần thứ ba: ngày 10-9. Chúng giam đồng chí ở nhà lao Vinh, sau đó đưa lên giam lỏng ở Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An).

Trong các lần bị bắt, giam, chính quyền thực dân đã dùng nhiều thủ đoạn từ dụ dỗ, mua chuộc, tới tra tấn, đánh đập dã man hòng lung lạc ý chí đấu tranh cách mạng của đồng chí. Tuy nhiên, chúng không thể khuất phục được tinh thần, ý chí đấu tranh cách mạng trong con người cộng sản Chu Huy Mân. Đồng chí vẫn giữ vững lời hứa với mẹ, lời thề trước cờ Đảng, quyết tâm đến cùng để bảo vệ lý tưởng cách mạng cao cả, đấu tranh bảo vệ người dân bị áp bức, bóc lột và tiếp tục tích cực tham gia các hoạt động cách mạng.

Tháng 3-1940, Chu Huy Mân được trả tự do, đồng chí lại tiếp tục tham gia hoạt động, tích cực củng cố Chi bộ, đội ngũ cốt cán, tập hợp quần chúng,chuẩn bị tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế lao động (1-5) và bị bắt vào nhà lao Vinh. Thực dân Pháp đưa Chu Huy Mân cùng các chiến sĩ cộng sản đày lên Đắk Lay, Đắk Tô (Kon Tum). Tại đây, đồng chí Chu Huy Mân cùng những bạn tù cộng sản tiếp tục nêu cao khí tiết của người cộng sản biến ngục tù tăm tối thành trường học cách mạng, tiếp tục trau dồi bản lĩnh cách mạng và học tập lý luận, tìm cơ hội vượt ngục trở về với phong trào cách mạng của Đảng và dân tộc đang ngày càng sục sôi.

9 lần bị chính quyền thực dân bắt, giam cầm, tra tấn dã man trong các nhà lao, nhà ngục, người chiến sĩ cách mạng Chu Huy Mân đã vượt qua những thử thách khắc nghiệt đó. Đối với đồng chí Chu Huy Mân, đòn roi ác liệt, xiềng xích của nhà tù không thể làm sờn ý chí cách mạng, ý chí kiên định đấu tranh mà càng tôi luyện thêm bản lĩnh, quyết tâm đấu tranh chống lại ách áp bức bất công, giành độc lập dân tộc, mang lại tự do và ấm no cho người dân.

Đồng chí Chu Huy Mân là biểu tượng ngời sáng của tinh thần kiên định cách mạng, ý chí và niềm tin tất thắng vào sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Đồng chí là tấm gương tiêu biểu cho ý chí bất khuất của người cộng sản trước sự khủng bố, tra tấn tàn bạo của kẻ thù.

2.  Đồng chí Chu Huy Mân  - tấm gương phấn đấu, nỗ lực hết mình thực hiện lý tưởng cách mạng cao cả vì nước, vì dân

Đầu năm 1943, đồng chí Chu Huy Mân cùng một số bạn tù trốn khỏi trại giam Đắk Tô, trở về tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia trong Ban Việt Minh tỉnh và Tỉnh ủy Quảng Nam. Tháng 8-1945, đồng chí tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Nam, sau đó trở thành Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Nam.

Suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), trải qua nhiều cương vị: Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Nam, Chủ tịch Ủy ban Quân chính 4 tỉnh Trung Bộ, Trưởng ban Kiểm tra Đảng - Quân khu ủy viên Khu Việt Bắc, Trung đoàn trưởng nhiều Trung đoàn (72, 74 Cao Bằng; 174 Cao - Bắc - Lạng), Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 316, đồng chí luôn hết tâm huyết, trí tuệ phục vụ sự nghiệp kháng chiến kiến quốc; tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo các lực lượng vũ trang đấu tranh đạt nhiều thành tích trong chiến đấu, giành được những thắng lợi quan trọng góp phần đánh thắng thực dân Pháp xâm lược.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Chu Huy Mân lần lượt đảm nhiệm các cương vị: Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu 4, Quân khu Tây Bắc, Quân khu 5, Mặt trận B3 - Tây Nguyên và trực tiếp chỉ đạo quân, dân Quân khu 4, Quân khu 5, Mặt trận B3  - Tây Nguyên đánh Mỹ. Tài thao lược và quyết đoán của đồng chí đã góp phần làm nên nhiều chiến công vang dội như Chiến thắng Ba Gia (Xuân - Hè 1965), chiến thắng Plây Me - Ia Đrăng…

Đồng chí Chu Huy Mân là Chính ủy Chiến dịch Đà Nẵng trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975, chỉ huy lực lượng vũ trang quân khu, phối hợp với cánh quân phía Bắc của Quân đoàn 2, giải phóng Đà Nẵng, các bán đảo trên biển Đông, cùng đại quân tiến về Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng chí Chu Huy Mân không chỉ có nhiều đóng góp cho cách mạng Việt Nam mà còn cónhiều cống hiến cho sự nghiệp quốc tế cao cả của Đảng và dân tộc.

Đồng chí Chu Huy Mân đã cùng Trung đoàn 74 tham gia giúp cách mạng Trung Quốc tiêu diệt quân Quốc dân Đảng, mở rộng căn cứ địa Hoa Nam (năm 1948) và sát cánh cùng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc trong chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn (năm 1949).

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giúp bạn là tự giúp mình”, với tư duy sắc sảo về chính trị, quân sự và kinh nghiệm dày dạn qua nhiều năm làm công tác lãnh đạo, chỉ huy ở Việt Nam, đồng chí đã góp phần quan trọng giúp cách mạng Lào không ngừng phát triển và giải quyết thành công các nhiệm vụ công tác trọng tâm, cơ bản, có ý nghĩa quyết định trong xây dựng và chiến đấu, có những cống hiến xứng đáng trong sự nghiệp đoàn kết liên minh chiến đấu Việt  - Lào của Đảng và Quân đội ta. Đồng chí được các cấp lãnh đạo của nước bạn Lào từ Trung ương đến cơ sở, quân và dân các bộ tộc Lào quý mến, tin cậy, gọi với cái tên trìu mến: Tướng Thao Chăn.

Năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, đất nước hoàn toàn độc lập, non sông thu về một mối, đồng chí Chu Huy Mân tiếp tục đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng của Đảng, Nhà nước và Quân đội: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Trưởng ban Kiểm tra Đảng ủy Quân sự Trung ương, Hiệu trưởng Trường Nguyễn Ái Quốc đặc biệt, Đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII.

Trong suốt hai cuộc kháng chiến của dân tộc và trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Chu Huy Mân luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của Đảng lên trên lợi ích cá nhân, luôn thấm nhuần sâu sắc và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, suốt đời “cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư” vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Trên nhiều cương vị công tác, đồng chí luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng; có tác phong lãnh đạo, chỉ huy kiên quyết, mưu lược, sáng tạo, tôn trọng nguyên tắc, phát huy dân chủ và giữ nghiêm kỷ luật; đồng thời, luôn chân tình, gần gũi, thương yêu đồng chí, đồng đội.

Xuất thân trong gia đình lao động, do điều kiện khó khăn, chỉ được gia đình tạo điều kiện cho học chữ Hán tại trường làng 4 năm, từ năm 8 tuổi đến năm 12 tuổi, từ năm 12 tuổi đến năm 16 tuổi, đồng chí phải vừa đi học, vừa làm thuê để phụ giúp gia đình. Chính đức tính ham học, tinh thần tự học, nỗ lực và ý chí vươn lên chiếm lĩnh tri thức, bản lĩnh dám nghĩ, dám làm đã góp phần hình thành bản lĩnh của người cán bộ, người cộng sản Chu Huy Mân. Tinh thần ham học hỏi, quyết tâm cách mạng và bản lĩnh chính trị đã giúp đồng chí đảm đương và hoàn thành tốt các nhiệm vụ trên cương vị mà Đảng, Quân đội, Nhà nước giao phó, trở thành vị tướng tài năng song toàn của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng chí là tấm gương sáng về tinh thần tự học, nỗ lực, phấn đấu hết mình vì mục tiêu, lý tưởng đã chọn.

Đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau, đồng chí Chu Huy Mân luôn giữ nếp sống giản dị, chan hòa, gắn bó với mọi người. Đồng chí nghiêm khắc với bản thân nhưng luôn trìu mến, gần gũi, yêu thương đồng chí, đồng bào. Đồng cam, cộng khổ với cán bộ, chiến sĩ là đặc điểm nổi bật ở Đại tướng Chu Huy Mân. Cán bộ, chiến sĩ Mặt trận Tây Nguyên vẫn mãi in sâu hình ảnh người Chính ủy Mặt trận trong buổi kết thúc đợt chỉnh huấn chính trị đã cầm hai tập giấy khá dày và nói: “Đây là bản kiểm điểm của các đồng chí. Phần ưu điểm các đồng chí giữ lấy để phát huy trong hoạt động chiến đấu lâu dài, còn đây là những bản trình bày khuyết điểm, tôi đọc và thấy các đồng chí đã tự phê bình một cách nghiêm túc trách nhiệm chính trị của mình trước Đảng. Tôi tuyên bố đốt tất cả những bản khuyết điểm”(3). Ở đồng chí còn thể hiện rõ những nét đẹp của giá trị đạo đức nhân văn, nhân ái khi khẳng định: “Khi viết, khi nói chỉ phê bình những người còn sống, còn đối với người chết, nếu có nói, có viết chỉ khen mà thôi, không phê bình người chết”(4)...

Ngay cả những năm tháng cuối đời, đồng chí vẫn luôn trăn trở, suy nghĩ vì dân, vì nước, mong muốn Đảng ta mãi mãi trong sạch, vững mạnh. Ngày 17-4-2004, trong thư gửi Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí nêu rõ: “Hiện nay, tôi chỉ có một ham muốn, một khát vọng là Đảng ta mãi mãi trong sạch, vững mạnh, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng nắm chắc Quân đội, quan tâm xây dựng sức mạnh chính trị và tổ chức cán bộ cho Quân đội, được thế thì dù sóng gió bão bùng đến đâu Đảng cũng vững vàng dẫn dắt dân tộc, nhân dân ta và Quân đội ta vững bước đến đỉnh cao hạnh phúc, văn minh của thời đại mới”(5). Mong muốn của đồng chí đã thể hiện rõ một tấm gương đạo đức cao đẹp, mẫu mực, hết lòng vì nước, vì dân.

Cuộc đời 93 tuổi xuân, 76 tuổi Đảng, 61 tuổi quân của Đại tướng Chu Huy Mân không chỉ thể hiện rõ là tướng quân Hai Mạnh (mạnh về quân sự, mạnh về chính trị) mà còn thể hiện sức mạnh về tinh thần và thể chất, mạnh về ý chí, nghị lực cách mạng, mạnh ở lòng trung thành và tận tâm với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, với Quân đội. Trên bất cứ cương vị công tác nào, dù ở đâu, trong nước hay nước ngoài, chiến khu phía Bắc hay phía Nam… đồng chí Chu Huy Mân luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, là người cộng sản kiên cường, đem hết sức mình cống hiến không mệt mỏi cho Đảng, cho Tổ quốc, cho nhân dân. Đồng chí là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là tấm gương sáng cho mọi thế hệ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân tiếp tục học tập, phấn đấu và noi theo.

Về tấm gương cao đẹp của Đại tướng Chu Huy Mân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: Đồng chí Chu Huy Mân là một cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, một tướng lĩnh xuất sắc, nhà chính trị, quân sự song toàn của quân đội ta, là một tấm gương sáng cho toàn quân, toàn dân ta học tập(6). Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định: “Đồng chí đã suốt đời sống, chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hết lòng phục sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, có những đóng góp vào thắng lợi to lớn của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như các nghĩa vụ quốc tế”(7).

_________________

Ngày nhận bài: 22-2-2023; Ngày bình duyệt: 25-2-2023; Ngày duyệt đăng: 21-3-2023.

 

(1), (2) Đại tướng Chu Huy Mân: Thời sôi động (Hồi ký), Đại tá Lê Hải Triều thể hiện, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.12-13, 18.

(3) Đại tướng Chu Huy Mân - Nhà chính trị, quân sự tài ba, tấm gương sáng về đạo đức cách mạng (hồi ký), Nxb Chính trị quốc gia, tr.73.

(4) Dẫn theo: Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam: Chu Huy Mân - tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2020, tr. 342.

(5) Đại tướng Chu Huy Mân (chủ biên): Người chính ủy Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006, tr.91.

(6) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Mãi mãi nhớ tiếc Đại tướng Chu Huy Mânin trong sách: Đại tướng Chu Huy Mân Nhà chính trị, quân sự tài ba, tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, Sđd, tr.27.

(7) Báo Nhân dân, số ra ngày 7-7-2006.

nguồn: TS TRẦN THỊ HUYỀN

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh


1 nhận xét: