Thứ Tư, 15 tháng 11, 2023

Phác dáng hình hài người cán bộ vì nước, vì dân

 

 Ngược dòng lịch sử, vào những năm 60 của thế kỷ 20, đồng chí Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc được cả nước biết đến là người đã “xé rào” cơ chế với chủ trương “khoán hộ” trong nông nghiệp. Chủ trương “khoán hộ” là hướng đi tích cực, tìm tòi cách thức quản lý mới trong nông nghiệp, gắn lợi ích của người nông dân với kết quả lao động nhằm đem lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất nông nghiệp. Đây là quá trình đổi mới tư duy nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, khắc phục yếu kém về công tác quản lý tại các hợp tác xã nông nghiệp ở miền Bắc lúc bấy giờ.

“Khoán hộ” chính là những đóng góp quan trọng về lý luận và thực tiễn, là cơ sở quan trọng để Trung ương từng bước hoạch định chủ trương đổi mới quản lý trong nông nghiệp. Trên cơ sở thí điểm ở các địa phương, ngày 13-1-1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 100-CT/TW về “Cải tiến công tác khoán, mở rộng "khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động" trong hợp tác xã nông nghiệp”. Lần đầu tiên khoán sản phẩm chính thức trở thành cơ chế quản lý mới trong cả nước với tên gọi “khoán 100”. Ngày 5-4-1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10-NQ/TW “Về đổi mới quản lý kinh tế trong nông nghiệp” (còn gọi là khoán 10).

Bước vào những năm đầu của thời kỳ đổi mới, một sự kiện làm nức lòng đồng bào miền Nam khi đó là quyết định của Thủ tướng Võ Văn Kiệt về phương án giải quyết tình trạng thiếu điện ở miền Nam, thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế. Giữa các phương án tìm nguồn điện cho miền Nam, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chọn phương án xây dựng đường dây siêu cao áp truyền tải điện năng với cáp điện 500kV, trải dài gần 1.500km đi từ miền Bắc, qua 14 tỉnh, thành phố để đưa điện vào Nam.

Ngày 5-4-1992, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đưa ra quyết định khởi công xây dựng đường dây tải điện 500kV Bắc-Nam và hạ quyết tâm hoàn thành trong 2 năm. Cho đến nay, các cán bộ lão thành ngành điện lực vẫn luôn khẳng định: Ông Sáu Dân (Thủ tướng Võ Văn Kiệt) đã giải quyết vấn đề cấp thiết của đất nước bằng một quyết định táo bạo và đánh cược bằng sinh mệnh chính trị của mình. Tâm, tầm và tinh thần quyết đoán, dám nghĩ, dám làm của người lãnh đạo mới có thể đưa đường dây điện dài nhất lịch sử về đích trong 2 năm. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét