Câu chuyện với một doanh nhân mới đây gợi cho người viết bài nhiều suy nghĩ. Doanh nghiệp của ông chuyên về lĩnh vực đầu tư bất động sản và đã có dự án ở nhiều địa phương. Tuy vậy, thời gian qua, doanh nghiệp đã gặp một số vướng mắc mà chưa thể triển khai dự án được. Ông cho biết, ngoài việc dịch Covid-19 khiến tiến độ công việc bị ảnh hưởng thì tình trạng “thận trọng quá mức”, tâm lý sợ trách nhiệm trong quá trình phê duyệt hồ sơ dự án ở địa phương đang là một thực tế. Điều này đã làm chậm cơ hội đối với doanh nghiệp. Còn với người viết bài, đã nhiều lần gặp phải tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né trách nhiệm khi tìm mọi cách thoái thác không cung cấp thông tin cho báo chí, không dám nói hoặc đùn đẩy cho người khác trả lời.

Tâm lý sợ trách nhiệm, sợ sai sót, làm việc cầm chừng trong thực thi công vụ là một thực tế. Rõ nhất hiện nay là việc xem xét phê duyệt các dự án, đầu tư mua sắm công, giải ngân vốn đầu tư công, tình trạng có tiền mà không dám tiêu... Sau khi hàng loạt cá nhân ở các cơ quan, đơn vị vướng vào vòng lao lý do có sai phạm trong mua sắm máy móc xét nghiệm Covid-19 thì cũng xuất hiện tình trạng sợ trách nhiệm, không tiến hành mua sắm. Trong khi đó, việc mua sắm máy móc, trang thiết bị y tế cho phòng, chống dịch hiện rất cần thiết. Thậm chí về vấn đề này, trong phiên họp thứ 56 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 27-5-2021) để cho ý kiến về báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phải nêu ra tình trạng các nơi sợ mua sắm công vì sợ sai.

Từ điển tiếng Việt giải thích: “Trách nhiệm” có nghĩa là: “Điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình”. Vậy thì, người cán bộ, lãnh đạo là người được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó phải thực hiện công vụ trên cương vị, chức trách của mình. Nếu họ không dám hoặc không thể thực hiện trách nhiệm đó thì phải bị loại ra khỏi bộ máy công quyền. Nhiều tập thể, cá nhân bị xử lý kỷ luật thời gian qua do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, làm trái quy định, độc đoán, chuyên quyền, tham ô, tham nhũng... Điều đó cho thấy, vẫn còn lỗ hổng lớn trong quản lý nhà nước để cán bộ có thể làm sai rồi mới bị phát hiện, xử lý. Hệ lụy của vấn đề này đã dẫn đến tâm lý cán bộ sợ trách nhiệm, sợ sai sót. Bên cạnh đó, có một thực tế, hiện nay, đội ngũ cán bộ các cấp trong bộ máy của chúng ta ở nhiều nơi vẫn còn nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại, không dám quyết, không dám làm, tính năng động, sáng tạo còn hạn chế.

Hậu quả của thực trạng này có thể dẫn đến hai vấn đề: Thứ nhất, làm chậm quá trình triển khai thực hiện các công việc, nhất là các công việc cần sự khẩn trương, kịp thời, làm chậm sự phát triển xã hội. Việc cải cách, đổi mới không được thúc đẩy. Điều này khiến cho những tư duy đột phá không thể có đất để bộc lộ. Thứ hai, điều này tạo ra một tâm lý chờ đợi, đùn đẩy, nhìn nhau khiến cho bầu không khí làm việc trì trệ. Tình trạng an toàn để “giữ ghế”, tâm lý co cụm là hết sức tai hại. Cán bộ không thể hiện được toàn diện năng lực, phẩm chất của mình, trong khi người dân, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong công việc.

Trở lại với vấn đề được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 27-5 vừa qua cho thấy, chúng ta cần phải nhìn thẳng vào sự thật, không được né tránh để có biện pháp tháo gỡ khó khăn, tháo gỡ điểm nghẽn. Đầu tiên là phải lựa chọn được cán bộ tốt, dám nghĩ, dám làm. Tiếp đến là những vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước phải được tháo gỡ. Cơ chế quản lý, quy chế làm việc phải được hoàn thiện, rất rõ ràng, chặt chẽ để các cá nhân, tập thể không thể làm sai, không dám làm sai. Cơ chế, quy chế chuẩn là hành lang pháp lý, là chỗ dựa để mọi tổ chức, cá nhân yên tâm, dám làm, dám đột phá, đi trước mà không quá bận tâm đến việc sợ trách nhiệm. Tất nhiên, đó phải là sự minh bạch, chính đáng, đúng pháp luật.