PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG HIỆN NAY THEO TINH THẦN ĐẠI HỘI XIII
Thực hiện đường lối, chủ trương về phòng, chống tham nhũng trong các văn kiện Đại hội XI, XII và XIII của Đảng, trong những năm qua, công tác này đã đạt được những thành quả to lớn như ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, như: Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2012, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018… Những văn bản quy phạm pháp luật này đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc phòng, chống tham nhũng và góp phần rất to lớn vào công cuộc phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay.
Để phòng, chống tham nhũng, Chính phủ, các bộ, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan nhà nước khác đã thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Thực hiện các biện pháp về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Đổi mới khoa học công nghệ quản lý và phương thức thanh toán không dùng tiền mặt nhằm phòng ngừa tham nhũng. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đấu tranh phòng, chống tham nhũng với nhiều hình thức phong phú. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng Trung ương, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, đưa ra xét xử nghiêm minh theo đúng các quy định của pháp luật, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.
Bên cạnh những thành tựu đạt được công tác phòng, chống tham nhũng, vẫn còn tồn tại một số bất cập, hạn chế. Hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn có một số quy định chưa phù hợp, tính khả thi thấp, hoặc còn có "lỗ hổng", nhưng chưa được sửa đổi bổ sung; hoàn thiện kịp thời để làm cơ sở pháp lý cho việc phòng, chống tham nhũng. Hiện nay, quyền tiếp cận thông tin của người dân, doanh nghiệp chưa được bảo đảm đầy đủ. Một số cán bộ, công chức lợi dụng quy định về bí mật nhà nước để che giấu thông tin, nhằm mục đích tham nhũng.
Việc kê khai tài sản, thu nhập còn nặng về hình thức; hầu hết các bản kê khai chưa được kiểm tra, xác minh, kiểm chứng; chưa giúp cho các cơ quan chức năng kiểm soát được những biến động về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn; nhiều cơ quan, đơn vị chưa nắm đầy đủ trình tự, thủ tục kê khai và công khai giải trình.
Một số người đứng đầu chưa nêu cao vai trò của mình trong phòng, chống tham nhũng, số người bị xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng ở các cơ quan, đơn vị còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện.
Việc xử lý tham nhũng trong nhiều trường hợp còn chưa nghiêm, chưa kịp thời. Hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, vì vậy việc phát hiện và xử lý tham nhũng gặp nhiều khó khăn. Hành vi “tham nhũng vặt” của một số cán bộ, công chức chưa bị xử lý một cách triệt để.
Việc xử lý và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, tham nhũng còn gặp rất nhiều khó khăn do một số nguyên nhân như: bị can, bị cáo trốn ra nước ngoài, hoặc bị can, bị cáo chết, hoặc chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của xã hội nên tài sản có nguồn gốc tham nhũng dễ dàng bị tẩu tán. Do đó, một số vụ án tiền, tài sản tham nhũng thu hồi được nhỏ hơn nhiều so với tổng số thiệt hại do các đối tượng chiếm đoạt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét