Phong trào thi đua "hai giỏi" ở Quảng Bình: biểu tượng sức mạnh đoàn kết toàn dân trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước
(LLCT) - Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quảng Bình (cùng với huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) làđịa bàn nằm ở tuyến đầu của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa, là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam, tích cực, chủ động xây dựng hậu phương vững mạnh, đối phó, đánh thắng mọi hoạt động đánh phá của đế quốc Mỹ.
1. Quảng Bình - Quê hương của phong trào “Hai giỏi”
Quảng Bình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có vị trí địa - chính trị đặc biệt, tiếp giáp với tỉnh Quảng Trị, là địa bàn đầu cầu, điểm trung chuyển, tiếp nối giữa hậu phương miền Bắc và tiền tuyến miền Nam. Mọi hoạt động kinh tế, xã hội trên đất Quảng Bình và khu vực Vĩnh Linh có ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng đối với chiến tranh cách mạng ở miền Nam.
Sau 10 năm tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, cuối năm 1964, đầu năm 1965, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”[1]. Tiến hành chiến tranh phá hoại, mục đích của Mỹ nhằm phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng và công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, ngăn cản sự chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, cô lập cách mạng miền Nam, hòng đánh bại quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.
Trong điều kiện chiến tranh lan rộng ra cả nước[2], vấn đề lớn đặt ra cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thời điểm thử thách này là: phải tiếp tục công cuộc xây dựng miền Bắc như thế nào.
Tháng 3-1965, Hội nghị của BCHTƯ Đảng lần thứ 11 quyết định tiếp tục sự nghiệp xây dựng CNXH trong điều kiện có chiến tranh, đảm bảo cho miền Bắc có đủ sức mạnh đánh bại cuộc CTPH của không quân, hải quân Mỹ và làm tròn nhiệm vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Tháng 12-1965, vào thời điểm Mỹ đang đưa quân ồ ạt vào miền Nam và mở rộng CTPH miền Bắc, Hội nghị lần thứ 12 BCHTƯ Đảng khẳng định chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng của cả dân tộc ta, nêu bật quyết tâm của nhân dân Việt Nam và đề ra nhiệm vụ cụ thể đối với miền Bắc: vừa sản xuất, vừa chiến đấu để bảo vệ miền Bắc, đánh bại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, động viên sức người, sức của, tăng cường chi viện miền Nam.
Bộ Chính trị chỉ rõ nhiệm vụ của Quảng Bình, Vĩnh Linh là “khẩn trương chuẩn bị đối phó với chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ. Địch sẽ mở rộng đánh phá miền Bắc và Quảng Bình, Vĩnh Linh là nơi chúng sẽ đánh phá trước hết”[3]. Trung ương Đảng khẳng định: Nếu Mỹ đánh ra miền Bắc, Quảng Bình sẽ là nơi “đầu sóng ngọn gió”.
Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, phong trào thi đua “mỗi người làm việc bằng hai”[4] phát triển mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Quân và dân Quảng Bình dũng cảm đánh trả quyết liệt và giành được thắng lợi trong những ngày đầu chống cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bảo vệ quê hương và làm nghĩa vụ hậu phương đối với tiền tuyến lớn miền Nam.
Nhân sự kiện Quảng Bình bắn rơi 100 máy bay Mỹ ngày 14-7-1965, cùng với thành tích thu hoạch vụ sản xuất Đông Xuân 1964-1965 thắng lợi toàn diện, ngày 17-7-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen[5] đồng bào, bộ đội và cán bộ Quảng Bình bắn rơi 100 máy bay Mỹ: “Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi đồng bào, bộ đội và cán bộ Quảng Bình đã bắn rơi 100 máy bay Mỹ, vừa qua lại thu hoạch vụ chiêm rất tốt.
Như vậy là tỉnh nhà chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi.
Các tỉnh khác hãy ra sức thi đua với Quảng Bình.
Các chú bộ đội, cán bộ và đồng bào tỉnh nhà hãy phát huy thắng lợi, nêu cao truyền thống anh hùng của quân và dân ta, đoàn kết chặt chẽ, luôn luôn cảnh giác, quyết giành nhiều thành tích to lớn hơn nữa, cùng đồng bào cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược cho đến thắng lợi hoàn toàn!”[6].
Phấn khởi, vinh dự và tự hào, học tập thư khen của Người, nhân dân trong tỉnh sáng tạo nhiều hình thức thi đua. Mỗi hợp tác xã có “Cánh đồng thắng Mỹ”, đội sản xuất có “Thửa ruộng thâm canh thắng Mỹ”, cơ quan xí nghiệp có “Trận địa thắng Mỹ”.
Tháng 11-1965, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã tổ chức “Đại hội tổng kết thi đua”, nhân dịp này, Tỉnh ủy, HĐND, UBHC, Mặt trận Tổ quốc tỉnh phát động phong trào thi đua “Hai giỏi’”(chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi) nhằm động viên toàn quân, toàn dân trong tỉnh giương cao ngọn cờ thi đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. “Hai giỏi” trở thành phong trào quần chúng thi đua lập công trên mặt trận chiến đấu và lao động sản xuất của quân và dân Quảng Bình trong suốt 10 năm kháng chiến chống Mỹ (1965-1975).
Mỗi đơn vị trong lực lượng vũ trang, hợp tác xã, từng gia đình, mỗi cá nhân đều có chỉ tiêu phấn đấu “Đơn vị hai giỏi’’, “Chiến sĩ hai giỏi’’. Phong trào thi đua “Hai giỏi’’ đã thành động lực cho 40 vạn người dân Quảng Bình vượt lên những đau thương mất mát, lập nên những chiến công hiển hách, trở thành phong trào cách mạng của quần chúng, là biểu tượng cao đẹp trong cuộc kháng chiến cứu nước.
2. Quân và dân Quảng Bình phấn đấu xứng đáng là địa phương dẫn đầu miền Bắc trong phong trào thi đua “Hai giỏi”
Thanh niên Quảng Bình có phong trào tình nguyện “ba sẵn sàng”[7], Hội phụ nữ có phong trào “ba đảm đang”[8] ; trên mặt trận sản xuất nông nghiệp có phong trào « cánh đồng 5 tấn thắng Mỹ » , phong trào phấn đấu đạt 5 tấn thóc / héc ta trở thành hành động cụ thể của hàng vạn nông dân Quảng Bình; trong công nhân có phong trào “tay búa , tay súng”; khoa học kỹ thuật có phong trào «ba quyết tâm », trong ngành giáo dục có phong trào “hai tốt”…
Trong giai đoạn chiến tranh vô cùng ác liệt, Quảng Bình lại càng phát huy truyền thống quê hương cách mạng, biết bao những tấm gương chiến đấu, hy sinh dũng cảm, những anh hùng từ trong tuyến lửa ác liệt của chiến tranh. Nhiều địa danh của “đất lửa” Quảng Bình gắn liền với những tập thể và cá nhân anh hùng luôn khắc sâu in đậm trong ký ức của hàng triệu đồng bào và chiến sĩ cả nước.
Trong chiến đấu, nhiều tấm gương dũng cảm xuất hiện: gương Võ Xuân Nở - Bí thư chi bộ thôn Phú Xá (Lộc Ninh) ôm bom nổ chậm; Lê Ngọc Lễ lấy thân mình làm giá súng; mẹ Nguyễn Thị Suốt vượt qua bom đạn chèo đò chở bộ đội qua sông. Tấm gương mẹ Suốt được Bác Hồ khen ngợi tại Lễ kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam 19-10-1966: “Bà mẹ Suốt ở Quảng Bình đã xông pha bom đạn, không sợ sóng to gió lớn, suốt ngày đêm chèo thuyền đưa bộ đội và cán bộ qua sông để chiến đấu”[9].
Ở mặt trận miền Tây Quảng Bình, không quân Mỹ ném bom đánh phá ác liệt, Đinh Thị Thu Ngà nhảy lên mâm pháo thay pháo thủ bị thương tiếp tục chiến đấu. Trong trận không quân Mỹ ném bom bắn phá cầu Dài và vùng quanh thị xã Đồng Hới (4-4-1965), nữ dân quân Trần Thị Lý, cô dân quân gan góc của thị xã Đồng Hới, tuổi còn trẻ nhưng lập được chiến công dùng súng trường bắn máy bay Mỹ, được Quốc hội, Chính phủ tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang tại Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước tháng 1-1967. Nguyễn Thị Kim Huế Trung đội trưởng Trung đội quyết tử 759 (thành lập năm 1965) - đội 75 - công trường 12 phụ trách cung đường từ Nam cầu La Trọng đến Bãi Dinh. Với tinh thần quyết tử cho tuyến đường luôn thông suốt, chị và đồng đội mỗi lần vào trận đánh đều được làm lễ truy điệu sống. Ngày 1-2-1967, chị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Chị vinh dự có năm lần được gặp Bác Hồ. Lắng nghe những chiến công của chị và đồng đội, Bác khen ngợi: “Con gái Quảng Bình sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, làm gì cũng giỏi”[10].
Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy[11], thi đua với lực lượng phòng không, trong 8 năm chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc, đạt thành tích đánh 8 trận, trong đó có 5 trận được công nhận bắn cháy và bắn chìm tàu khu trục Mỹ trên bờ biển Nam Quảng Bình[12]. Ngày 25 tháng 8 năm 1970, Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy vinh dự được Quốc hội và Chính phủ tuyên dương danh hiệu “Đơn vị anh hùng LLVTND”.
Mỗi lần Quảng Bình bắn hạ máy bay Mỹ thứ 200 (6-1966), thứ 300 (6-1967), thứ 400 (4-1968), thứ 500 (8-1968), Bác Hồ đã gửi thư biểu dương, khích lệ.
Quảng Bình là địa phương lập chiến công bắn rơi chiếc máy bay thứ 3000 trên miền Bắc[13]. Trong Thư khen quân và dân miền Bắcngày 27-6-1968[14], Chủ tịch Hồ Chí Minh “đặc biệt khen ngợi quân và dân Quảng Bình đã đánh giỏi, hạ chiếc máy bay thứ 3.000 và gửi tặng đơn vị X. một lá cờ vinh dự. Đó là thành tích chung của quân và dân miền Bắc ta”[15]. Ngày 3 tháng 8 năm 1968 quân dân tỉnh bắn rơi chiếc máy bay thứ 500 trên đất Quảng Bình, được Bác Hồ gửi thư khen[16]và Quốc hội tặng thêm một Huân chương Độc lập hạng Nhì.
Dù cuộc sống của nhân dân còn nhiều khó khăn nhưng nhân dân Quảng Bình vẫn sẵn sàng “nhường cơm, xẻ áo” cho tiền tuyến miền Nam đánh Mỹ. Với tinh thần “chia lửa” cho tiền tuyến, nhân dân Quảng Bình bằng nhiều hình thức đã đóng góp sức mình cho cuộc kháng chiến. Các mẹ Nguyễn Thị Luyến (ở Mai Thuỷ - Lệ Thuỷ) có 5 người con, trong đó 3 con là liệt sĩ khi làm nhiệm vụ ở tiền tuyến, một con là liệt sĩ khi đi dân công hoả tuyến, mẹ vẫn tình nguyện để một con sau cùng đi bộ đội. Mẹ Nguyễn Thị Leo (Xuân Dục), có 5 con đã tòng quân giết giặc, một người đi TNXPmẹ vẫn đến xã đội xin cho người con thứ 7 đi bộ đội....
Trên mặt trận đảm bảo giao thông vận tải
Quân và dân Quảng Bình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên mặt trận bảo đảm giao thông, giữ cho mạch máu giao thông thông suốt. Gần 10 năm đương đầu với đế quốc Mỹ, tuyến lửa Quảng Bình trở thành trọng điểm bị đánh phá ác liệt, là nơi đối đầu quyết liệt với không lực và hải quân Hoa Kỳ. Quảng Bình kiên cường chiến đấu bảo vệ các tuyến giao thông vận tải chi viện miền Nam. Khẩu hiệu "Xe chưa qua nhà không tiếc" xuất hiện đầu tiên ở Võ Ninh tháng 7-1966, 37 ngôi nhà đã dỡ xuống lát đường cho 100 xe qua. Đức Trạch, Hải Trạch có trên 150 gia đình tình nguyện dỡ nhà lót đường cầu Lý Hòa. Thực hiện khẩu hiệu “Xe chưa qua nhà không tiếc/ Đường chưa thông không tiếc máu xương”, nhân dân các địa phương Quảng Bình đã kiên cường giữ vững những con đường huyết mạch cho xe ra tiền tuyến.
Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, các hợp tác xã vẫn “bám làng mà chiến đấu, bám đồng ruộng mà sản xuất, bám hố bom mà thâm canh”. Từ một vùng đất quảng canh, trong lửa đạn Quảng Bình đã có những cánh đồng 5 tấn, những trại chăn nuôi bò, lợn năng suất cao, những vùng đất được tưới tiêu hợp lý, những đồi sắn bãi khoai sản lượng cao. Nạn đói không còn. Nhiều hợp tác xã có phong trào thâm canh, chăn nuôi, thủy lợi, cải tiến nông cụ hiệu quả như Lộc Long, Hợp Hòa, Tiên Lang, Thiết Sơn. Hợp tác xã Đại Phong tiếp tục giữ danh hiệu lá cờ đầu nông nghiệp trên miền Bắc. Vụ Chiêm năm 1968, Hợp tác xã Đại Phong đạt năng suất 24,78 tạ/ha, Hợp tác xã Cự Nẫm đạt 25 tạ/ha[17]. Đội nữ đánh cá Minh Khai đạt danh hiệu “Hai giỏi” trong 4 năm 1965-1968. Hợp tác xã sản xuất muối Bảo Ninh được tặng thưởng hai huân chương lao động, liên tục được công nhận là hợp tác xã “Hai giỏi”.
Tổng kết 4 năm phong trào thi đua “Hai giỏi” trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1965-1968), hàng vạn người đạt danh hiệu “Hai giỏi” trong đó có 18.000 người đạt danh hiệu “Hai giỏi” 4 năm liền; hơn 14.000 gia đình và hàng nghìn tập thể “Hai giỏi”, 12.000 chiến sĩ thi đua, 450 chiến sĩ quyết thắng, 160 tổ đội lao động XHCN, 220 đơn vị quyết thắng; có 22 đơn vị và 174 dũng sĩ diệt Mỹ và dũng sĩ diệt cơ giới địch. Đặc biệt, tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc Quảng Bình có 7 đơn vị, 11 cá nhân được Quốc hội và Chính phủ tuyên dương Anh hùng lao động và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân[18].
Trong hai lần tiến hành chiến tranh phá hoại, đế quốc Mỹ đã sử dụng các loại máy bay, tàu chiến đánh phá Quảng Bình, với hơn 1 triệu tấn bom; bình quân mỗi người dân Quảng Bình phải hứng chịu hơn 2 tấn bom đạn[19]. Trong tám năm chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quân và dân tỉnh Quảng Bình đã bắn hạ 704 máy bay, bắn chìm, bắn cháy 84 tàu chiến Mỹ. Cùng với nhiệm vụ chiến đấu, nhân dân đã đóng góp gần 2.960 nghìn ngày công phục vụ chiến đấu và bảo đảm giao thông vận tải; khoảng 11% dân số (39.500 người) đã tham gia chiến đấu trong quân đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến...(20). Trên quê hương Quảng Bình “hai giỏi”, 160 đơn vị, 35 cán bộ, chiến sĩ được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, 186 Đơn vị Quyết thắng; Bác Hồ đã 7 lần gửi thư khen LLVT và nhân dân Quảng Bình, tặng 4 cờ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”(21).
Phong trào hai giỏi trở thành “phong trào đặc trưng” của Quảng Bình, lan tỏa khắp thôn xóm, từ vùng đồng bằng đến vùng núi xa xôi hẻo lánh, từ nông thôn đến thành thị. Quân và dân Quảng Bình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh thắng hai cuộc CTPHcủa Mỹ, xây dựng hậu phương vững mạnh và chi viện cao nhất cho chiến trường miền Nam. Thắng lợi mà quân và dân Quảng Bình giành được trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, với phong trào thi đua hai giỏi, là thắng lợi của hàng triệu khối óc không ngừng tìm tòi sáng tạo trong sản xuất và chiến đấu. Nhiều chiến sĩ “Hai giỏi” xuất hiện, những tấm gương có sức lan tỏa, rộng khắp đối với nhân dân mọi miền Tổ quốc. Quảng Bình được cả nước tôn vinh là “tỉnh anh hùng”. Mỗi tên làng, tên xóm của Quảng Bình gắn liền với những chiến công hiển hách. Lịch sử mãi mãi ghi công các chiến công gắn liền với những tập thể và cá nhân anh hùng, liệt sĩ cùng với các địa danh nổi tiếng: Cha Lo - Cổng Trời, đường 12A, đường 20 Quyết Thắng, sông Gianh, Nhật Lệ, bến phà Quán Hàu, Long Đại, Xuân Sơn, trận địa nữ pháo binh Ngư Thuỷ, lão dân quân Đức Ninh, Đại đội 759 Thanh niên xung phong, Mẹ Suốt...
Tinh thần “Quảng Bình quật khởi” trong kháng chiến chống thực dân Pháp đã tái hiện tỏa sáng và phát huy trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tiếp nối với phong trào “Hai giỏi”. Thực tiễn phong trào Hai giỏi của Quảng Bình để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
_______________________
[1] Đưa quân chiến đấu Mỹ và quân đồng minh Mỹ vào miền Nam trực tiếp tham chiến, đồng thời mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc.
[2]Ngày 5-8-1964, Mỹ sử dụng hơn 60 máy bay bất ngờ tấn công hầu hết các căn cứ, khu trú đậu và lực lượng tàu thuyền của hải quân trên tuyến ven biển miền Bắc từ Quảng Bình đến Quảng Ninh. Ngày 7-2-1965, Tổng thống Mỹ Johnson ra lệnh cho không quân Mỹ mở chiến dịch “Mũi lao lửa I” đánh vào thị xã Đồng Hới (Quảng Bình), đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), chính thức mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất đối với miền Bắc.
[3] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình, Báo cáo tổng kết tình hình 4 năm chống Mỹ cứu nước (1965-1968), Phòng Lưu trữ tỉnh uỷ Quảng Bình.
[4] Tháng 4-1964, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị phát động phong trào thi đua “mỗi người làm việc bằng hai, ra sức xây dựng và bảo vệ miền Bắc, tích cực ủng hộ cách mạng giải phóng miền Nam” Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 25 (1964), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.117.
[5] Đăng báo Nhân dân số 4124 ngày 19-7-1965.
[6] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14 1963-1965, Nxb CTQG – Sự thật, H. 2011, tr.571.
[7] Tháng 2-1965, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn phát động phong trào “Ba sẵn sàng” trong đoàn viên, thanh niên toàn miền Bắc, lôi cuốn đông đảo thanh niên sẵn sàng chiến đấu; sẵn sàng nhập ngũ; sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì màTổ quốc cần đến.
[8] Ngày 19-3-1965, Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động phong trào “Ba đảm đang” trong giới phụ nữ miền Bắc:đảm đang sản xuất và công tác, thay thế chồng, con, anh em đi chiến đấu; đảm đang việc gia đình cho chồng, con, anh em yên tâm chiến đấu; đảm đang phục vụ chiến đấu,tham gia dân quân tự vệ, tập luyện quân sự để sẵn sàng chiến đấu.
[9] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15 1966-1969, Nxb CTQG – Sự thật, H. 2011, tr.172-173.
[10]Nữ anh hùng năm lần gặp Bác Hồ. http://cand.com.vn/Phong-su-tu-lieu/Nu-anh-hung-5-lan-gap-Bac-Ho-42097/.
[11] Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy thành lập 11-1967, khi thành lậpcó 37 đồng chí với tuổi đời còn rất trẻ, từ khoảng 16 đến 22 tuổi.
[12]Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy – Những người nữ anh hùng của thế kỷ XX. http://lethuy.edu.vn/?u=nws&su=d&cid=362&id=199775
[13] Ngày 25-6-1968,Đại đội 367, dân quân Minh Hóa và đơn vị 280 bắn rơi l chiếc F4H. Đây là chiếc máy bay Mỹ thứ 3.000 bị bắn rơi trên miền Bắc.
[14] Đăng báo Nhân dân số 5190 ngày 28-6-1968
[15] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15 1966-1969, Nxb CTQG – Sự thật, H. 2011, tr.466.
[16] Đăng báo Nhân dân số 5232 ngày 9-8-1968.
[17] Phan Thị Trà Giang: 45 năm nghĩ về phong trào “Hai giỏi” ở Quảng Bình, Tạp chí Thông tin Khoa học – Công nghệ - Quảng Bình, số 4-2010.
[18] Phan Viết Dũng: Quảng Bình "Hai giỏi" ,http://www.baoquangbinh.vn/dat-va-nguoi-quang-binh/201504/quang-binh-hai-gioi-2124626/.
[19] Quảng Bình “hai giỏi”. http://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/40-nam-chien-thang-vi-dai-30-4/quang-binh-hai-gioi-259956
[20]Quảng Bình ra sức phát huy truyền thống quê hương "Hai giỏi" trong thời kỳ mới. http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/17672202-.html
[21]Quảng Bình “hai giỏi”. http://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/40-nam-chien-thang-vi-dai-30-4/quang-binh-hai-gioi-259956
Nguồn: PGS, TS Trịnh Thị Hồng Hạnh
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét