Thứ Tư, 15 tháng 11, 2023

Sự lựa chọn phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử

Trong thập niên 1980, tình hình thế giới trải qua những chuyển biến kinh tế và chính trị sâu sắc. Trong đó, Đảng Cộng sản Liên Xô tiến hành công cuộc cải tổ. Trên cơ sở nhận định nhạy bén và sáng suốt rằng công cuộc cải tổ ở Liên Xô đi ngược lại những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin về CNXH, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986) thông qua nghị quyết có ý nghĩa lịch sử về thời kỳ quá độ phát triển theo con đường tiến lên CNXH ở Việt Nam.

Đường lối đổi mới của Đảng ta đề ra tại Đại hội VI là sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam mà cụ thể là chính sách kinh tế mới của Lênin. Theo đó, Đảng ta thừa nhận sự tồn tại khách quan của nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần; kế thừa và áp dụng thành tựu về quản lý kinh tế theo cơ chế kinh tế thị trường; chấp nhận sự tồn tại đan xen của các loại hình sở hữu nhà nước, tập thể và tư nhân; chăm lo đến lợi ích thiết thân của người lao động.

Đồng thời, Đảng ta quyết định thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế, với chủ trương Việt Nam là bạn với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị-xã hội.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (năm 1991) thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Cương lĩnh xác định: “Phải nắm vững, vận dụng sáng tạo và góp phần phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng làm giàu trí tuệ, bản lĩnh chính trị và năng lực tổ chức của mình để đủ sức giải quyết các vấn đề do thực tiễn cách mạng đặt ra. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng phải xuất phát từ thực tế, tôn trọng quy luật khách quan. Phải phòng và chống được những nguy cơ lớn: Sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên”. Cương lĩnh chính trị không chỉ có ý nghĩa lịch sử đối với sự nghiệp đổi mới của nước ta mà còn đối với phong trào cách mạng thế giới.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (năm 2011), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển), một lần nữa khẳng định: "Đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử".

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (năm 2016) tiến hành tổng kết 30 năm đổi mới và đưa ra nhận định: “Đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) nhận định: “Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, lý luận về đường lối đổi mới, về CNXH và con đường đi lên CNXH của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa”; đồng thời khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét