Thứ Tư, 15 tháng 11, 2023

Thành tựu đổi mới đất nước là minh chứng sinh động


Thành tựu của Việt Nam sau gần 40 năm đổi mới đã được khẳng định bằng các số liệu “biết nói”. Trước đổi mới, Việt Nam là một nước nghèo, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, khủng hoảng kinh tế-xã hội diễn ra gay gắt, đời sống nhân dân hết sức khó khăn. Nhờ thực hiện đường lối đổi mới, quy mô Tổng sản phẩm nội địa (GDP) năm 2020 đạt 342,7 tỷ USD, đưa nước ta trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, đạt mức 3.512USD.

Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, hiện nay Việt Nam trở thành nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới. Việt Nam coi việc phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa-xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng chính sách phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình hằng năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% năm 1993 xuống còn dưới 3% năm 2020(2).

Với đường lối đối ngoại đúng đắn dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với khoảng 190 quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Đảng Cộng sản Việt Nam thiết lập quan hệ đối ngoại Đảng với 254 chính đảng ở 114 quốc gia.

Đến nay, đã có hơn 70 quốc gia công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đã ký kết 15 Hiệp định tự do thương mại (FTA) khu vực và song phương. Các FTA Việt Nam tham gia bao phủ khoảng 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới, trong đó có 15 nước thành viên G20 và 9/10 đối tác kinh tế-thương mại lớn nhất của Việt Nam thuộc 3 trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới là Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á. 

Cách đây hơn 30 năm, năm 1992, đồng chí Nguyễn Phú Trọng trên cương vị Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản công bố bài viết “Vì sao Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã?” từng đưa ra nhận định, thất bại của CNXH ở Liên Xô chỉ là tạm thời, còn quy luật khách quan không ai cưỡng lại được vẫn là CNXH sẽ phủ định và thay thế chủ nghĩa tư bản (CNTB). 

Gần 30 năm sau, năm 2021, trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu vấn đề: “Trước đây, khi còn Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa thế giới thì vấn đề đi lên CNXH ở Việt Nam dường như không có gì phải bàn, nó mặc nhiên coi như đã được khẳng định. Nhưng từ sau khi mô hình CNXH ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu sụp đổ, cách mạng thế giới lâm vào thoái trào thì vấn đề đi lên CNXH lại được đặt ra và trở thành tâm điểm thu hút mọi sự bàn thảo, thậm chí tranh luận gay gắt. Các thế lực chống cộng, cơ hội chính trị thì hí hửng, vui mừng, thừa cơ dấn tới để xuyên tạc, chống phá. Trong hàng ngũ cách mạng cũng có người bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của CNXH, quy kết nguyên nhân tan rã của Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu là do sai lầm của Chủ nghĩa Mác-Lênin và sự lựa chọn con đường xây dựng CNXH. Từ đó họ cho rằng chúng ta đã chọn đường sai, cần phải đi con đường khác. Có người còn phụ họa với các luận điệu thù địch, công kích, bài bác CNXH, ca ngợi một chiều CNTB. Thậm chí có người còn sám hối về một thời đã tin theo Chủ nghĩa Mác-Lênin và con đường xã hội chủ nghĩa! Thực tế có phải như vậy không? Thực tế có phải hiện nay CNTB, kể cả những nước tư bản chủ nghĩa già đời vẫn đang phát triển tốt đẹp không? Có phải Việt Nam chúng ta đã chọn con đường đi sai không?”. 

Bằng những lập luận khoa học, sắc bén, có sức thuyết phục cao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định rằng, ngay từ khi thành lập, Đảng ta luôn trung thành, kiên định và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam để đưa đất nước ta tiếp tục phát triển đi lên CNXH phù hợp xu thế tất yếu của thời đại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét