Tư tưởng Hồ Chí Minh về quản lý giáo dục là tư tưởng xây dựng một nền giáo dục mang tính nhân dân. Đó là nền giáo dục quốc dân có mục đích tu dưỡng nhân cách con người từ ngay trong quá trình trưởng thành và với tất cả mọi đối tượng. Trong Thư gửi các học sinh nhân Ngày khai trường đầu tiên dưới chế độ dân chủ cộng hòa, tháng 9-1945, Người viết: “Ngày nay, các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”(1).
Ngay sau khi đất nước giành được độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Tư tưởng của Người về quản lý giáo dục thời kỳ này được thể hiện rất rõ qua việc ban hành nhiều sắc lệnh liên quan đến giáo dục, như Sắc lệnh về việc thành lập Nha bình dân học vụ (6-9-1945), Sắc lệnh về việc thiết lập một quỹ tự trị cho Trường đại học Việt Nam (10-10-1945), Sắc lệnh về việc thành lập Hội đồng Cố vấn học chính (10-10-1945)... Trong tác phẩm “Đời sống mới” năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra những việc cần làm ngay với giáo dục, đó là xóa bỏ nền giáo dục thực dân và xây dựng nền giáo dục mới xã hội chủ nghĩa. Và theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “cốt nhất là phải dạy cho học trò biết yêu nước, thương nòi. Phải dạy cho họ có chí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai”(2).
Ngay từ thời điểm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tư tưởng giáo dục toàn dân, giáo dục toàn diện, giáo dục suốt đời. Đây có thể xem là 3 nội dung cơ bản bao quát toàn bộ tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, cũng là hướng đích của quản lý giáo dục nước nhà trong suốt những năm qua.
Về giáo dục toàn dân: Giáo dục toàn dân là việc xây dựng nền giáo dục hướng tới mọi đối tượng, ai cũng được học hành, không chỉ tập trung vào một bộ phận, một giai cấp, tầng lớp nào. Tuy có những kế thừa tư tưởng Nho giáo về giáo dục, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh về quản lý giáo dục có những bước tiến bộ vượt bậc. Nho học đặt ra mục đích rõ ràng là đào tạo ra những người quân tử (chỉ có đàn ông) với “tam cương, ngũ thường”, biết “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”... Mục tiêu của việc học được xác định rõ ràng là học để làm quan, nếu không làm quan được thì mới làm thầy. Còn tư tưởng Hồ Chí Minh là “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”(3). Đặc biệt, ngay từ giữa thế kỷ XX, khi tư tưởng trọng nam khinh nữ còn tồn tại khá nặng nề, phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, thì Người đã chủ trương xây dựng một nền giáo dục vì tất cả mọi người, “ai cũng được học hành”(4). Đây là một quan điểm mang tính bình đẳng, tiến bộ vượt bậc thời đó.
Về giáo dục toàn diện: Giáo dục toàn diện chỉ ra hướng đích của nền giáo dục là phải đào tạo ra những con người toàn diện cả về tư cách, nhân phẩm, đạo đức, chứ không chỉ có tri thức, kiến thức. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục toàn diện là phải giáo dục đồng thời cả đạo đức cho học sinh, bởi theo Người, đạo đức đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển nhân cách, bên cạnh “tài” thì “đức” là một nhân tố quan trọng hình thành nên con người toàn diện: “Tự mình không có đạo đức, không có căn bản... thì còn làm nổi việc gì?”(5). Nói chuyện với cán bộ sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ngày 21-10-1964, Người chỉ rõ: “Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”(6). Trong quá trình giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn luôn nhấn mạnh dạy học là dạy kiến thức nhưng các thầy, cô giáo cũng phải luôn quan tâm, giữ gìn sức khỏe học sinh: “Cách dạy phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn. Phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khỏe của các cháu”(7). Để đạt mục tiêu giáo dục toàn diện, Người chỉ rõ, phải có sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội và cần giáo dục ngay trong từng mối quan hệ cụ thể từ trong gia đình ra ngoài xã hội.
Về giáo dục suốt đời: Giáo dục suốt đời được xem là tư tưởng tiến bộ vượt bậc của Người vào thời điểm đó. Học tập suốt đời chính là bao hàm hai yếu tố học tập toàn dân và toàn diện. Chỉ khi xây dựng được nền giáo dục toàn dân và toàn diện thì sẽ bảo đảm được mục đích học tập suốt đời. Đây là luận điểm quan trọng mà giáo dục Việt Nam hiện đại đang rất cần nghiên cứu, áp dụng. Việc hình thành nhân cách con người là do yếu tố gia đình trước hết, nhưng việc biến đổi, phát triển nhân cách con người lại do tác động xã hội là chủ yếu. Do vậy, trong suốt cuộc đời, con người vẫn luôn phải học tập, tu dưỡng, rèn luyện, luôn phải tự trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết. Xây dựng một xã hội học tập, bảo đảm cho mọi người dân đều được học khi có nhu cầu là nền tảng quan trọng và bền vững cho sự phát triển.
LHQ-ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét