Văn Cao nổi tiếng trong âm nhạc với kho tàng tác phẩm phong phú, từ lãng mạn, tiền chiến đến hành khúc, trường ca, đặc biệt là Tiến quân ca - quốc ca Việt Nam. Ông còn là nghệ sĩ gạo cội trong hội họa, với hơn 1.000 tác phẩm tranh sơn dầu, tranh minh họa và cả bìa sách. Tuy không được xếp vào bậc danh họa, nhưng những đóng góp của Văn Cao ở lĩnh vực hội họa là không thể phủ nhận.
Đi tìm cái riêng, ủng hộ cái mới
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Kha kể, hồi nhỏ ở Hải Phòng, Văn Cao chỉ mới dừng ở mức độ thích vẽ, thích tìm hiểu về hội họa. Khoảng năm 1942, Văn Cao quyết định lên Hà Nội. Lúc ấy, ông đã rất nổi tiếng bởi những nhạc phẩm Buồn tàn thu, Thiên Thai, Bến xuân và Suối mơ, nhưng Tân nhạc chỉ để chơi, không làm ra cơm áo được. Vì thế, lên Hà Nội, Văn Cao chuyển hướng sang hội họa. Ông nhập học khóa dự bị của Trường Mỹ thuật Đông Dương với sự khuyến khích của họa sĩ Lưu Văn Sìn. Ở triển lãm đầu năm 1944, ba bức sơn dầu của ông: Cô gái dậy thì, Thái Hà ấp đêm mưa và Cuộc khiêu vũ của những người tự tử đã làm giới mỹ thuật ngạc nhiên về bút pháp và màu sắc. Ba bức tranh được treo ở vị trí tốt nhất của phòng tranh Hội Khai Trí Tiến Đức.
Tuy chỉ học dự bị hai năm, số lượng tranh không nhiều, và cái tên nhạc sĩ Văn Cao che lấp phần nào cái tên họa sĩ Văn Cao, nhưng theo họa sĩ Lê Thiết Cương, “không thể phủ nhận những đóng góp của ông cho giai đoạn đầu tiên của mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Thế hệ họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương dứt khoát phải có tên Văn Cao. Đặc điểm dễ nhận biết nhất trong thẩm mỹ hội họa của ông chính là kết hợp hài hòa giữa hội họa và đồ họa. Tạo hình bằng nét kết hợp mảng phẳng, không sa đà vào chi tiết, bỏ qua kiểu vờn tỉa, tả khối, sáng tối. Đặt tác phẩm của ông trong những năm tháng đó, bên cạnh những tác phẩm của các họa sĩ khác mới thấy cái riêng, cái mới của Văn Cao. Đi tìm cái mới, ủng hộ cái mới là tính tình của ông”.
Họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng không cần đặt câu hỏi nếu Văn Cao tiếp tục theo học Trường Mỹ thuật Đông Dương sau hai năm dự thính (1942 - 1944) thì thế nào. Bởi lẽ tháng 3.1945 khi Nhật đảo chính Pháp thì trường cũng đóng cửa, hơn nữa như đã nhắc bản thân Văn Cao là người có tố chất tự học rất cao và cuối cùng, cái khác biệt - điều quan trọng nhất để nhận định về một họa sĩ - mà Văn Cao đóng góp cho hội họa đã đủ để ông là họa sĩ Văn Cao rồi.
“Tuy là người chỉ ghé dạo chơi qua ngôi nhà của hội họa, nhưng Văn Cao đã để lại tiếng thơm với bóng hình lưu luyến mến thương, pha lẫn ngạc nhiên của những người chủ nhà. Từ việc sử dụng cọ màu, mà sự sắc sảo mặn nồng của ông cũng chuyên nghiệp không khác gì các họa sĩ chuyên nghiệp. Sau những bức họa đầu tay triển lãm năm 1944, các bức tranh sơn dầu sau đó thể hiện bằng hình thức mới như: Nửa đêm, Cô gái dậy thì, Sám hối... đã đưa Văn Cao mặc nhiên đứng vào hàng ngũ những họa sĩ thành công về thể loại sơn dầu, trở thành “người ám ảnh hội họa” như lời bình của nhà phê bình Thái Bá Vân”, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, TS.KTS. Phan Đăng Sơn nhận định.
Thế hệ đầu tiên của hội họa kháng chiến
Đánh giá hành trình nghệ thuật của Văn Cao, PGS.TS. Phạm Xuân Thạch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, có sự gần gũi đặc biệt giữa Văn Cao với Tô Ngọc Vân, họa sĩ quan trọng của mỹ thuật Việt Nam hiện đại. “Các ông cùng đến với cách mạng cả bằng con người nghệ sĩ lẫn con người công dân, con người trí thức”.
Văn Cao bắt đầu minh họa trên báo năm 1945. Tờ báo đầu tiên ông minh họa là Độc lập, sau đó lần lượt là các tờ báo của Hải Phòng gồm Quân Bạch Đằng và Gió Biển. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Văn Cao và gia đình lên chiến khu, song chủ yếu hoạt động âm nhạc và ít vẽ. Tuy nhiên, với các bức họa thời kỳ sau này, ông khéo léo sử dụng màu tiết chế và tối thiểu, mang lại sự ám ảnh cho người thưởng thức cảm nhận.
Theo TS.KTS. Phan Đăng Sơn, có thể thấy rõ điều đó ở những họa phẩm chỉ thiên về màu xanh âm trầm của ông. Đó là bìa tiểu thuyết Sông Lô của nhà văn Siêu Hải được Văn Cao kết nối chữ Sông Lô chủ đạo với màu nâu trầm, trên nền bìa vệt ngang ngắn dài tự do, như thấy được Trường ca Sông Lô rộn ràng với tàu chiến, họng pháo, cuộc chiến cùng sự hy sinh máu lửa can trường.
Bìa tùy bút Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi của Nguyễn Tuân, lấy cảm hứng từ hố trú ẩn cá nhân trên hè phố, cùng câu thơ Cái vỉa hè như áo cài khuy/ Hố phòng không sũng nước của Đào Trọng Khánh đã cộng hưởng để Văn Cao vẽ thành hình nền, chỉ bằng đơn sắc đen trắng, nhưng thể hiện được trùng điệp thiên la địa võng và tính “một lòng”, đồng ý chí của Hà Nội đánh Mỹ...
Đáng chú ý, Văn Cao dành tâm huyết không ít cho việc vẽ bìa và minh họa bài các trang báo Tết, báo Xuân cho Tuần Báo Văn nghệ, Báo Lao động, Báo Đại đoàn kết, Người Hà Nội... Như trang bìa tờ Cứu quốc Xuân 1963, với hình ảnh một thiếu nữ mắt mở to trong trẻo và quyết chí trên nền vòm xanh xây dựng vươn cao, một ẩn dụ để nói về thái độ tích cực trong ứng phó với “thời chiến” của đất nước đang bị chia cách hai miền. Hay trang bìa Báo Lao động Xuân Nhâm Tuất 1982, mầm non phơi phới xuân được đặt trên nền khung cửa sổ, mở ra khung cảnh biếc xanh của đất trời, cùng thiếu nữ đang ngời hy vọng chồi lá, tất cả tạo nên cảm xúc trẻ trung, nồng nàn, rạo rực cho người thưởng thức, gợi sức sống diệu kỳ khi mùa xuân đến với người lao động...
“Đến bây giờ xem lại chúng ta vẫn cảm thấy nguyên niềm xao xuyến”, TS.KTS. Phan Đăng Sơn khẳng định./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét