Ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” của người nhạc sĩ tài hoa Văn Cao được viết cách đây gần 50 năm. Tôi đã nghe đến hàng chục lần mà lần nào cũng thấy dường như ông vừa mới viết xong cách đây chưa lâu, bởi sự trẻ trung, mượt mà, dịu êm và sâu lắng từ giai điệu đến ca từ của nó. Thế nhưng, mấy ai đã biết...
Những mùa xuân đầu tiên
Với nhạc sĩ Văn Cao, nhiều người bảo rằng ông có hai “mùa xuân đầu tiên”. Mùa xuân thứ nhất là vào đầu năm 1946, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chọn bài hát “Tiến quân ca” của ông làm Quốc ca. Ba mươi mùa xuân sau, ông lại cho ra đời ca khúc “Mùa xuân đầu tiên”.
Điều không quá khó để lý giải cho “hiện tượng” Văn Cao, người nhạc sĩ, nhà thơ, họa sĩ tài hoa nhưng đa đoan này, bởi âm nhạc của ông như là thứ chỉ dành cho “người trong mộng” nghe, chứ không phải dành cho những cái tai “thế tục” nghe để phán, mà phải thẩm để ngấm, ngấm để suy, nghe để say. Dẫu rằng giai điệu, cũng như ca từ trong các ca khúc của ông, nghe qua, đọc qua không có gì là quá khó hiểu, trái lại chúng rất gần gũi, thân quen, quê kiểng, chỉ cần đọc vài lần là có thể nhớ, thuộc được ngay.
Mở đầu ca khúc “Mùa xuân đầu tiên”, nhạc sĩ Văn Cao viết trên nền giai điệu valse mềm mại, chậm rãi:
“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông
...
Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn...”
“Mùa xuân đầu tiên” ấy là khát vọng ngàn đời của một dân tộc vừa thoát khỏi những năm tháng chiến tranh, bom rơi, đạn nổ, máu chảy suốt hàng chục, hàng trăm năm ròng. Trong hoàn cảnh ấy, một mùa bình thường, có “khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông” cũng là “một mùa xuân mơ ước”. Nghe đến nao lòng, xót xa biết nhường nào!
Và năm 1975, cả dân tộc vỡ òa trong niềm vui chiến thắng thì bất cứ ai cũng không thể đứng ngoài cuộc. Bày tỏ niềm vui trước ngày toàn thắng của dân tộc, mỗi người có thể chọn cho mình một cách riêng. Người nhạc sĩ “mộng mơ” Văn Cao đã chọn cách:
“... Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người...”.
Về lý mà nói, đây chỉ là cách lựa chọn riêng của Văn Cao. Bởi lẽ theo nhận thức của ông, cũng như nhiều người, chiến tranh là loạn ly, xa quê, biệt xứ, là đầu rơi máu chảy, huynh đệ tương tàn, là thù ghét, chối bỏ lẫn nhau. Không chỉ riêng ông, mà bất cứ ai bước ra từ cuộc chiến đều phải chấp nhận thực tế nghiệt ngã là nhiều cặp vợ chồng, anh em, bố con... vì những lý do khách quan nào đó, ngoài ý muốn chủ quan, họ vô tình trở thành những người đứng ở hai bờ chiến tuyến, trở thành kẻ thù không đội trời chung của nhau.
Trong cuộc chiến giáp mặt nhau, một mất một còn, đối với những người ở hai đầu chiến tuyến, chắc chắn sẽ không có chỗ dành cho “thương người, yêu người”, đơn giản vì mục tiêu của cuộc chiến, chứ chưa hẳn là do ý muốn chủ quan của bất kỳ ai. Chiến tranh qua đi là cơ hội bằng vàng để con người nhận chân ra giá trị làm người của chính mình, để thương, yêu nhau là cần thiết và trên hết. Mùa xuân 1976, chính là “mùa xuân đầu tiên” theo nghĩa ấy. Một mùa xuân đem đến cho con người những giá trị nhân văn sâu sắc.
Một nghệ sĩ vốn rất nhạy cảm như Văn Cao, nhìn thấy điều ấy trước, trong sự vỡ òa của niềm vui chiến thắng là điều vừa rất đáng để chia sẻ, vừa rất đáng kính trọng những dự cảm nghệ thuật của ông. Thế nhưng cuộc đời không đơn giản như những gì mà người nghệ sĩ tài hoa này đã từng nghĩ và làm.
Thông điệp mang tính lịch sử
Hình như nhạc sĩ Văn Cao là người “nghiện” mùa xuân ngay từ khi khởi nghiệp âm nhạc của mình. Vì thế trong hầu hết các giai phẩm của ông, bóng dáng mùa xuân khi ẩn lúc hiện, khi xa lúc gần, có khi hòa quện vào giai điệu chứ không cất lên bằng ca từ. Có thể nói cảm thức xuân trong các giai phẩm của ông đến rất sớm, từ “Thiên Thai”, “Trương Chi”, “Suối mơ” đến “Bến xuân”, “Đàn chim Việt”, rồi “Sông Lô”, “Mùa xuân không nở”, “Mùa xuân đời tôi”...
Có những người thường chọn mùa thu, mùa hạ hay mùa đông làm điểm tựa cảm xúc cho thi hứng sáng tạo nghệ thuật của mình. Còn với Văn Cao, mùa xuân là mùa khởi đầu của một năm theo quy luật vần xoay của đất trời, vũ trụ. Ở đấy, cây cối đâm chồi nảy lộc để rồi trổ hoa, kết trái. Mùa xuân cũng là mùa sinh sôi, nảy nở của muôn vật, vạn loài. Mùa xuân là mùa khởi đầu cho một đời người.
Nhưng mùa xuân cũng là mùa của “vạn sự khởi đầu nan”. Chọn mùa xuân theo cách của nhạc sĩ Văn Cao, âu cũng là sự sắp đặt của số phận. Đối với ông, có một mùa xuân trở thành bất tử và tương đối suôn sẻ, từ khi chàng trai đất Cảng mới ngoài đôi mươi (1946). Đấy là mùa xuân của “Tiến quân ca”! Từ khi ca khúc trở thành Quốc ca, Văn Cao không viết ca khúc nào nữa mà chỉ viết nhạc phim, nhạc khí.
Sau này, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, một người rất yêu thích nhạc của Văn Cao và đã trở thành người bạn vong niên, thân thiết của nhạc sĩ đã thuật lại trên một tờ tạp chí lời tâm sự của nhạc sĩ với nhà văn đại ý: Khi viết “Tiến quân ca”, Văn Cao không hề chuẩn bị trước để sáng tác một bài Quốc ca, mà đơn giản chỉ là viết một nhạc phẩm như bao nhạc phẩm khác mà ông đã từng làm.
Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thu về một mối, non sông thống nhất, người nhạc sĩ đa tài dường như cảm thấy có một mùa xuân khác đang đến, nên ông đã cầm bút viết nên ca khúc “Mùa xuân đầu tiên”. Đối với người nghệ sĩ vốn rất nhạy cảm về những biến cố không chỉ trong lịch sử dân tộc, mà còn đối với cả lòng người, nhưng tiếc thay sự trắc ẩn của cuộc đời không phải lúc nào cũng chiều theo những dự cảm của người nghệ sĩ. Thế là ca khúc “Mùa xuân đầu tiên”, được viết ngay từ đầu năm 1976, nhưng phải chờ tới 20 năm sau, mãi đến 1996 nó mới thực sự được lan rộng và thấm sâu vào đời sống âm nhạc nước nhà.
Mặc dù trước đấy ở một vài chương trình ca nhạc, “Mùa xuân đầu tiên” đã được các ca sĩ như Minh Hoa, Thanh Thúy, Quốc Đông thể hiện, nhưng chỉ ở một phạm vi hẹp. Phải đợi đến sau khi người được coi là “một viên ngọc trên bức khảm văn hóa, nghệ thuật của dân tộc Việt Nam” - như lời nhận xét của Giáo sư Đặng Thai Mai, thì khúc ca mang âm hưởng khải huyền ấy, có thể là một sự chiêm nghiệm đau đớn, là ước mơ nhân bản của cả một đời người nghệ sĩ mới được chính thức vang lên và có một sức sống riêng trong đời sống âm nhạc đương đại Việt Nam.
Đánh giá về tài năng của Văn Cao trong cả tư cách: Âm nhạc, hội họa và thi ca, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho rằng: “Trong âm nhạc, Văn Cao sang trọng như một ông hoàng. Trên cánh đồng ca khúc, tôi như một đứa bé ước mơ mặt trời là con diều giấy thả chơi. Âm nhạc của anh Văn là âm nhạc của thần tiên bay bổng. Tôi la đà đi giữa cõi con người. Anh cứ bay và tôi cứ chìm khuất. Bay và chìm trong những thân phận riêng tư...”.
Vậy là những dự cảm vượt thời gian của Văn Cao đã đem đến cho ông không chỉ có những vinh quang, mà còn xiết bao cay đắng. Nhưng âu đấy cũng là một cái giá cần phải trả cho những giá trị nghệ thuật đích thực, vĩnh hằng mà không phải ai cũng có thể làm được như người nhạc sĩ tài hoa mang tên Văn Cao./.
Môi trường ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét