Thứ Hai, 20 tháng 11, 2023

Yêu cầu và giải pháp đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh

 

Để chống chủ nghĩa cá nhân, Hồ Chí Minh đã xác định rõ chủ thể của cuộc đấu tranh này là: tổ chức (bao gồm Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền từ Trung ương đến cơ sở, cơ quan, đơn vị, các đoàn thể xã hội); bản thân mỗi cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đồng thời để phát huy hiệu quả trong cuộc đấu tranh này càn phải quán triệt các nguyên tác đó là: Phải đảm bảo tính toàn diện, hệ thống; phải thường xuyên, kiên trì, cụ thể và phải có quyết tâm cao; phải tôn trọng, bảo vệ, khuyến khích động lực cá nhân chính đáng và phải kết hợp chặt chẽ giữa chống chủ nghĩa cá nhân với xây dựng đạo đức cách mạng cho mỗi cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở những nguyên tắc xây dựng đạo đức mới cùng với những nhận thức sâu sắc về bản chất cũng như sự nguy hiểm của chủ nghĩa cá nhân đối với một đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh đã đưa ra những biện pháp chủ yếu để đẩy lùi và tẩy trừ căn bệnh này.

 

Một là, phát huy vai trò của Đảng và tổ chức đảng trong đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân.

 

Phải thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng. Việc chỉnh đốn Đảng, thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng là một trong những biện pháp hết sức quan trọng. Mỗi cơ quan lãnh đạo, mỗi người lãnh đạo phải làm sao để cho các đảng viên và cán bộ dám nói ý kiến của mình, dám phê bình. Trong một tổ chức, nếu cách lãnh đạo không được dân chủ thì dẫn đến cán bộ, đảng viên không dám nói ra những điều họ nghĩ, rồi sinh ra uất ức, chán nản từ đó nảy sinh ra thói “không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng”, sinh ra nhiều thói xấu khác, từ đó dẫn đến cấp trên với cấp dưới cách biệt nhau, quần chúng với Đảng xa rời nhau.

 

Hai là, thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng.

 

Thực hiện tốt tự phê bình và phê bình, con người sẽ làm chủ và điều chỉnh được mọi hoạt động của bản thân. Khi cán bộ, đảng viên nhận thức được sự tổng hòa các mối quan hệ xã hội một cách tự giác, xét ở góc độ nhân cách, đó còn là lòng tự trọng, nghĩa là họ hành động do sự thôi thúc của chính mình, coi đó là nhu cầu sống và lẽ sống, chứ không bởi sự hối thúc của ngoại cảnh; và khi đạt tới trạng thái tự do trong tự phê bình và phê bình, thì quan hệ giữa mỗi cán bộ, đảng viên sẽ mang đậm tính nhân bản, chứa đựng tính nhân văn sâu sắc. Triết lý tự phê bình và phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực chất là triết lý tu thân, một triết lý đậm tính nhân văn cao cả và sâu sắc; triết lý này góp phần quan trọng làm nên lẽ sống, lối sống của người Cộng sản, đồng thời, là một nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng Cộng sản. Theo đó, tự phê bình và phê bình là việc phải làm thường xuyên như “rửa mặt hàng ngày” của mỗi cán bộ, đảng viên. Vì vậy, mỗi đảng viên, mỗi cán bộ, cần phải tự xét mình và xét đồng chí mình, ai có khuyết điểm nào, thì phải thật thà cố gắng tự sửa chữa và giúp sửa chữa lẫn nhau. Tự phê bình và phê bình cho đúng chẳng những không làm giảm thể diện, uy tín của cán bộ, của Đảng, trái lại nó còn làm cho sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn, do đó mà uy tín và thể diện càng tăng thêm.

 

Ba là, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải chặt chẽ; kỷ luật Đảng phải nghiêm minh, tự giác.

 

Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng chặt chẽ; chế độ sinh hoạt và kỷ luật đảng nghiêm minh, tự giác luôn là một trong những biện pháp hữu hiệu để góp phần chống chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên của Đảng. Sinh hoạt và kỷ luật đảng nghiêm minh, tự giác giúp cho mỗi tổ chức đảng, mỗi đảng viên luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Đặc biệt, trong điều kiện Đảng cầm quyền, ở những vị trí lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy nhà nước đều là đảng viên. Họ là những người cán bộ có chức, có quyền; trong đó gắn liền với chức, quyền là danh và lợi. Do đó, nếu đảng buông lỏng kỷ luật sẽ dễ làm nảy sinh đầu óc cá nhân chủ nghĩa trong mỗi cán bộ, đảng viên.

 

Bốn là, phát huy vai trò của Nhân dân trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân.

 

Hồ Chí Minh viết: lực lượng của dân chúng nhiều vô cùng. Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có thì việc gì làm cũng không xong. Theo Hồ Chí Minh, biện pháp quan trọng hàng đầu để phát huy vai trò của quần chúng trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là phải giáo dục tư tưởng cho quần chúng. Đồng thời, Chính phủ và Nhà nước cần không ngừng nâng cao dân trí, nâng cao hiểu biết của người dân để họ phát huy quyền làm chủ của mình trong cuộc đấu tranh này. Theo đó, Người yêu cầu, báo chí phải góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục; phải phân tích cho người dân thấy tác hại nghiêm trọng của chủ nghĩa cá nhân và giúp họ thấy sự cần thiết của việc chống lại căn bệnh này; cần sớm hoàn thiện cơ chế để huy động được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân.

 

Năm là, phát huy tính tích cực, tự giác của bản thân cán bộ, đảng viên trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân.

 

Đối với mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng, tu dưỡng đạo đức cá nhân là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu để chống chủ nghĩa cá nhân. Bởi, đạo đức cách mạng là đạo đức dấn thân, đạo đức trong hành động vì độc lập tự do của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân. Chỉ có trong hành động, đạo đức cách mạng mới bộc lộ rõ những giá trị của mình. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà trong tác phẩm “Đường kách mệnh”, Hồ Chí Minh đưa phần giáo dục đạo đức lên hàng đầu, trong đó trước hết phải xử lý mối quan hệ với chính mình, phải tu dưỡng cá nhân. Chỉ có ra sức học tập và rèn luyện, mỗi người mới trở thành người tốt hơn, đạo đức hơn. Để phát huy tinh thần tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cá nhân, Hồ Chí Minh cho rằng, phải làm sao để mỗi cán bộ, đảng viên tự nhận thấy việc trau dồi đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân là một việc “sung sướng, vẻ vang nhất trên đời”. Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác rèn luyện thông qua hoạt động thực tiễn, trong công việc, trong các mối quan hệ của mình, phải nhìn thẳng vào mình, không tự lừa dối, huyễn hoặc; phải thấy rõ cái hay, cái tốt, cái thiện của mình để phát huy và thấy rõ cái dở, cái xấu, cái ác của mình để khắc phục; phải kiên trì rèn luyện, tu dưỡng suốt đời như công việc rửa mặt hàng ngày./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét