Thứ Hai, 6 tháng 5, 2024

Câu chuyện từ những số phận khác nhau trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Từ nguồn tư liệu sống thu thập được, hai nhà sử học đã giúp người đọc giải đáp được nhiều câu hỏi liên quan tới chiến dịch Điện Biên Phủ. Những câu trả lời đến từ những cựu binh đã có mặt tại "chảo lửa" Điện Biên Phủ năm 1953-1954.

Họ đã chia sẻ hồi ức của mình về những điểm khác biệt muôn hình vạn trạng của "cứ điểm" Điện Biên Phủ, công tác chuẩn bị của người Pháp, những thất bại trong cuộc chiến đấu, "cơn đại hồng thủy ngày 30/3/1954 và trận chiến ở năm quả đồi".

Những tiết lộ về kỳ tích làm nên chiến thắng hay những gì diễn ra sau cuộc chiến, lòng cảm kích với sự nhân văn của phe chiến thắng… cũng được các cựu binh người Pháp kể lại chi tiết.

Theo PGS. TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hồi ức Điện Biên Phủ - Những nhân chứng lên tiếng đã đưa ra góc nhìn mới mẻ của các tác giả về một sự kiện đã được nhiều người thể hiện trong các công trình đã xuất bản.

Đó là góc nhìn từ các nhân chứng, những người có vị trí khác nhau trong cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ năm 1954, và sau cuộc chiến, số phận họ cũng rất khác nhau.

Trả lời phóng viên Dân trí, TS. Trần Xuân Trí, giảng viên khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội, chủ trì dịch và hiệu đính cuốn sách cho biết, đây là một cuốn sách quý giá và đáng đọc bởi nhiều giá trị: Giá trị sử liệu, mang đến cho người đọc góc nhìn đa chiều về Điện Biên Phủ, giúp giáo dục về chính trị tư tưởng, lòng yêu nước tự hào tự tôn dân tộc, giáo dục lòng yêu chuộng hòa bình.

"Qua những câu chuyện mà người lính Pháp kể, tôi thực sự xúc động và tự hào trước chiến thắng của cha ông trong cuộc chiến.

Người Pháp đã nhìn nhận đúng sức mạnh của dân tộc Việt Nam, từ người dân bình thường đến những dân công hỏa tuyến hay những chiến sĩ trực tiếp chiến đấu trên mặt trận. Họ ca ngợi những người dân công đó là "những đội quân bóng đêm", "đội quân ngựa sắt" - vượt hàng trăm cây số đã tải được nhiều tấn lương thực, đạn dược cho chiến trường…

Người Pháp cũng đã nhìn nhận, khen ngợi chính sách nhân văn của Chính phủ, quân đội và người dân Việt Nam đối với hơn 10.000 tù binh bị bắt tại Điện Biên Phủ", TS. Trần Xuân Trí chia sẻ về những điều ấn tượng nhất khi chủ trì dịch và hiệu đính cuốn sách.

Chia sẻ tại sự kiện ra mắt sách chiều 3/5, PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết, Hồi ức Điện Biên Phủ - Những nhân chứng lên tiếng là một trong những cuốn sách hay nhất ông từng đọc.

"Cuốn sách giúp tôi hiểu hơn suy nghĩ của phía Pháp về cuộc chiến. Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với suy nghĩ của những người lính Pháp đã chiến đấu tại chiến trường, điều này giúp cho chúng tôi có cái nhìn toàn diện và cân bằng hơn về cuộc chiến.

Những câu chuyện cụ thể tác giả cung cấp giúp cho hai dân tộc có thể hòa giải được với nhau, hố ngăn cách về suy nghĩ và quan điểm về cuộc chiến sẽ thu hẹp lại rất nhiều", PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà nói.

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), đồng thời tiếp tục phát triển Tủ sách Sử học và thực hiện các dự án hợp tác quốc tế trong xuất bản sách, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm giới thiệu bản tiếng Việt cuốn sách Hồi ức Điện Biên Phủ - Những nhân chứng lên tiếng được dịch và xuất bản từ nguyên bản tiếng Pháp.

Cuốn sách không chỉ là lời chia sẻ của những người có vai trò chủ chốt trong trận chiến mà còn là câu chuyện cá nhân, những lá thư viết cho người thân, những cảm xúc khi thất bại, nỗi ám ảnh trước cái chết,... của những binh sĩ bình thường - những nhân vật khiêm tốn nhất.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét