Thứ Tư, 1 tháng 5, 2024

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP - HIỆN THÂN CỦA SỰ GẮN KẾT Ý CHÍ, NIỀM TIN

 Tình cảm đặc biệt giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một biểu tượng sáng ngời về tình cảm của một nhà lãnh đạo, một người chỉ huy, một người thầy, một người anh, một người thân thích với một trợ lý, một vị tướng, một người học trò… của tình đồng chí và tình thân trong nghĩa đồng bào sâu đậm. Đó là hiện thân của sự gắn kết ý chí, niềm tin, sự chân thành, sự tận tụy của hai con người vĩ đại, của sức mạnh dân tộc Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc ấy với tên gọi Nguyễn Tất Thành (Văn Ba) vừa rời Bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) ra đi tìm đường cứu nước, để rồi gần 30 năm sau có cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai con người, hai người chiến sĩ cách mạng, hai vĩ nhân của dân tộc Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hồi tưởng, viết về những cảm xúc khi lần đầu tiên được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1940: "Tôi nhận ra ngay chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Nếu so với bức ảnh ngày trước tôi đã được xem thì trông Bác ở ngoài linh hoạt và sắc sảo hơn nhiều (Hồi đó Bác chưa để râu)… Gặp Bác, tôi thấy Bác hoàn toàn không giống như những điều mình hằng tưởng tượng. Ngay từ phút đầu, tôi đã cảm thấy như mình được ở rất gần Bác, được quen Bác từ lâu rồi. Con người của Bác toát ra một cái gì rất trong sáng, giản dị…".
Cuộc gặp gỡ ấy là cuộc gặp gỡ đặc biệt, là lần đầu tiên nhưng như đã rất thân quen. Đó sự khởi đầu gắn bó của hai con người đặc biệt, tên tuổi và mang tầm vóc lịch sử, một sự gặp gỡ của những con người trở thành huyền thoại có một không hai trong suốt những chặng đường đầy gian nan và thử thách nhưng hết sức vinh quang và oanh liệt, hào hùng của cách mạng Việt Nam, gắn với những chiến công, những kỳ tích vĩ đại của dân tộc. Mối quan hệ, tình cảm giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng vượt trên cả tình đồng chí, tình thầy trò, đó còn là một tình cảm, một mối quan hệ đặc biệt thiêng liêng, sâu sắc…
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy tài năng, trí tuệ và nhân cách của người thanh niên yêu nước, nhà báo, nhà hoạt động cách mạng Võ Nguyên Giáp và đã trao những trọng trách: thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là bước quan trọng chuẩn bị lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, sau đó, ông đảm nhận cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ chỉ huy các cuộc đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc. Trong những chặng đường gian nan ấy của cách mạng Việt Nam luôn chứng kiến và ghi dấu ấn sâu sắc sự gắn bó, gần gũi, cùng gánh vác, chia sẻ sự nghiệp cách mạng giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng luôn giành sự kính trọng, ngưỡng mộ với vị lãnh tụ của mình: “Mỗi lần đi công tác về cơ quan cảm thấy như đang trở về với gia đình… Được ở gần Bác một thời gian, tôi đã nhận thấy qua cái bề ngoài vô cùng giản dị của Bác, con người Bác thật vĩ đại, và chính bản thân cách sống giản dị đó cũng là một điều vĩ đại trong con người của Bác”.
Sau chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông giành thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh phong hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, sau Lễ phong hàm ngày 28/5/1948, khi một phóng viên phương Tây hỏi Bác việc phong hàm này được thực hiện dựa trên những tiêu chuẩn nào, “Bác trả lời đơn giản:
- Đánh thắng đại tá thì phong đại tá. Đánh thắng thiếu tướng, phong thiếu tướng, đánh thắng trung tướng phong trung tướng, đánh thắng đại tướng thì phong đại tướng!”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn thấu hiểu tâm tư, niềm mong mỏi đau đáu tâm can của vị lãnh tụ kính yêu. Đại tướng đã vận dụng, hiện thực hóa những ý tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Khi trực tiếp làm việc và dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng luôn trao đổi, bàn bạc, xin ý kiến và tuân thủ sự chỉ đạo của lãnh tụ, nhất là trước những nhiệm vụ khó khăn, quan trọng.
Khi nhận nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, sau buổi họp trước khi lên đường đi chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hỏi Đại tướng: “Chú đi xa như vậy, chỉ đạo các chiến trường, có gì trở ngại không?”. Đại tướng trả lời: “Các đồng chí Tổng tham mưu phó, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị đều đã có mặt trên đó. Sẽ tổ chức cơ quan tiền phương của Bộ Tổng tư lệnh để chỉ đạo chiến trường toàn quốc, kể cả bộ đội tình nguyện ở Lào và Cămpuchia. Anh Nguyễn Chí Thanh và anh Văn Tiến Dũng ở lại khu căn cứ, phụ trách mặt trận đồng bằng Bắc Bộ. Chỉ trở ngại là ở xa có vấn đề quan trọng và cấp thiết, khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị”. Nghe vậy, Bác Hồ nói với Đại tướng: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận, “Tướng quân tại ngoại”!. Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau”. Bác Hồ căn dặn Đại tướng: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Đại tướng đã khắc ghi lời căn dặn ấy của Bác, lý giải phần nào với từng quyết định thận trọng của Đại tướng trong chiến dịch, đặc biệt với Quyết định khó khăn nhất, chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”…
Với Đại tướng, hình ảnh Bác Hồ luôn hiện hữu trong tâm trí ông, song hành cùng bước đường hoạt động và cuộc sống của ông cùng cách mạng Việt Nam, không chỉ khi Bác còn sống, làm việc với Đại tướng mà cả về sau này, khi Người đã đi xa…
Ngày 30/4/1975, quân ta đã toàn thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, khi nhớ lại ngày lịch sử đó, Đại tướng đã viết: Sáng ngày 30…, 11 giờ, quân đoàn 2 báo cáo, cờ của ta tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Liền sau đó là điện báo tin chiến thắng của Bộ Chỉ huy Chiến dịch và Trung ương Cục. Các anh, các cán bộ, chiến sĩ ở mặt trận giờ phút này sung sướng đến nhường nào! Tiếng reo mừng phút chốc ầm vang khắp cơ quan Bộ Tổng tư lệnh. Ước mơ độc lập, thống nhất từ bao đời đã thành hiện thực. Nhiều đồng chí trong Bộ Chính trị sung sướng đến ứa nước mắt. Để có được ngày hôm nay, bao nhiêu đồng chí, đồng bào đã ngã xuống. Nguyện ước bình sinh của Bác Hồ đã được thực hiện. Chiến lược “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” của Người đã thành công rực rỡ! Người như đang cùng ta cùng chia sẻ niềm vui của cả dân tộc…
"Buổi chiều, sau cuộc họp vắn của Bộ Chính trị, tôi ra phố một lát. Cả Hà Nội rợp cờ đỏ, cả Hà Nội xuống đường. Tiếng hò reo: Hoan hô, hoan hô…! Hồ Chủ tịch muôn năm, muôn năm!” hòa trong tiếng pháo. Nhiều người thả bóng bay. Tôi đi bộ vòng quanh Bờ Hồ, trong niềm hạnh phúc dạt dào, lòng lại bùi ngùi nhớ tới Bác, vô cùng nhớ Bác”. Những dòng tâm can ấy, cảm xúc dâng trào ấy của Đại tướng là người thấu hiểu tâm tư, mong muốn ấy của vị lãnh tụ, của người thầy của mình.
Những năm tháng xây dựng đất nước trong hòa bình, độc lập, thống nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng tư tưởng, tấm gương, hình ảnh của Người luôn song hành cùng các thế hệ người dân Việt Nam… và trong lòng Đại tướng, để rồi, trong những khoảnh khắc sâu lắng của nỗi lòng, trong từng hoạt động của Đại tướng luôn dành trọn tình với lãnh tụ, biến những tình cảm ấm áp, chân tình, sự ngưỡng mộ, niềm tin thành hành động. Tình cảm của Đại tướng dành cho Bác Hồ hết sức thiêng liêng, trân quý. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, Đại tướng luôn trân quý, tôn vinh và vững chắc niềm tin: “Thế giới sẽ còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn sống mãi”.
Thực vậy, không chỉ trong công tác, mà trong cuộc sống hàng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp có một sự gắn bó đặc biệt của những con người có chung chí hướng. Đó là một biểu tượng sáng ngời về tình cảm, sự đồng cảm của một nhà lãnh đạo, một người chỉ huy, một người thầy, một người anh, một người thân thích với một trợ lý, một vị tướng, một người học trò…, của tình đồng chí và của tình thân trong nghĩa đồng bào sâu đậm. Đó là hiện thân của sự gắn kết ý chí, niềm tin, sự chân thành, sự tận tụy của hai con người vĩ đại, của sức mạnh dân tộc Việt Nam./.
ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét