Thứ Hai, 20 tháng 5, 2024

DANH DỰ”, “PHẨM CHẤT” ĐẢNG VIÊN VÀ Ý NGHĨA TRONG ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

 

Danh dự được hiểu là sự coi trọng, tôn trọng của xã hội đối với một cá nhân, tổ chức nào đó và được pháp luật ghi nhận, bảo vệ. Nhân phẩm là toàn bộ phẩm chất mà mỗi con người có được, hay nói cách khác nhân phẩm chính là giá trị làm người của mỗi con người.

Cán bộ, đảng viên thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng về phẩm chất, đạo đức đó chính là quá trình nâng cao khả năng, sức đề kháng trước sự tấn công của “giặc tham nhũng, tiêu cực”. Cán bộ, đảng viên, trước hết là người chủ trì lãnh đạo, chỉ đạo điều hành cơ quan, đơn vị nếu biết trọng danh dự, biết giữ liêm sỉ, thì họ sẽ cảm thấy xấu hổ khi bản thân hoặc người nhà có những hành vi sai trái, vi phạm kỷ luật, pháp luật nói chung và tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nói riêng. Phát biểu trước các hội nghị liên quan, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh và nhắc đi nhắc lại về “Phẩm chất” và “Danh dự” bởi hai khái niệm này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và tác động trực tiếp đến uy tín, năng lực lãnh đạo của Đảng, chất lượng đội ngũ đảng viên, đặc biệt là ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thực tế cho thấy, một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay đã từng “vào sinh ra tử” trong kháng chiến, không “gục ngã” bởi hòn tên mũi đạn của quân xâm lược nhưng trong hoà bình, xây dựng phát triển kinh tế - xã hội lại “gục ngã” bởi những “viên đạn bọc đường”. Đúng như Đảng ta đã cảnh báo và chỉ rõ, trong nội bộ ta, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thực tế đáng buồn ấy đã và đe dọa sự tồn vong của Đảng, sự mất - còn của chế độ, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Biểu hiện suy thoái hóa, biến chất ở một số cán bộ, đảng viên thì có nhiều, nhưng biểu hiện đáng lo nhất hiện nay là sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân. Không ít cán bộ, đảng viên, nhất là những đồng chí có chức, có quyền họ đã quên đi bổn phận của mình trước Đảng, trước nhân dân, làm gì họ cũng lồng vào đó lợi ích cá nhân, tìm cách thu vén lợi ích cho riêng mình, trục lợi cho gia đình mình. Có thể khẳng định: Chính sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân là nguyên nhân cơ bản dẫn tới sự gia tăng các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Và cũng chính bởi chủ nghĩa cá nhân mà dẫn tới lợi ích nhóm ngày càng trầm trọng, tinh vi hơn.

Cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, tham nhũng, tiêu cực gây ra những tổn hại rất ghê gớm. Điều rõ thấy là tổn hại về kinh tế, vật chất làm nghèo đất nước. Nhưng có lẽ cái tổn hại không thể tính được bằng tiền nhưng cực kỳ nặng nề, đáng lo là làm cho Đảng ta yếu đi, làm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ giảm sút.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét