Thứ Tư, 22 tháng 5, 2024

Để bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, không chỉ có đường lối chính trị đúng mà Đảng cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng


Ở những bước ngoặt khó khăn của cách mạng, đứng trước những thách thức Đảng luôn luôn tỏ rõ và nâng cao bản lĩnh chính trị.

Bản lĩnh chính trị của Đảng thể hiện trước hết là sự kiên định con đường cách mạng, bằng nhiệt tình cách mạng và trình độ trí tuệ kiên trì thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Không bi quan, dao động trước những khó khăn, thử thách, giữ vững niềm tin vào lý tưởng cách mạng, vào con đường cách mạng mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Đó là sự kiên định con đường giải phóng dân tộc phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết và trước hết, nhiệm vụ chống phong kiến rải ra từng bước, phục vụ cho nhiệm vụ chống đế quốc, thực hiện nhiệm vụ cơ bản, trước mắt của cách mạng. Đó là quyết định vấn đề của từng quốc gia dân tộc phải giải quyết trong phạm vi quốc gia dân tộc mình theo quyền tự quyết của các dân tộc. Đó là quyết định đồng thời tiến hai chiến lược cách mạng ở hai miền trong bối cảnh đất nước tạm thời bị chia cắt... Đặc biệt, trong bối cảnh những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, trước sự khủng hoảng trầm trọng của CNXH trên thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục kiên định con đường cách mạng mà Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã nêu: "Đối với nước ta, không còn con đường nào khác để có độc lập dân tộc thật sự và tự do hạnh phúc cho nhân dân. Cần nhấn mạnh rằng đây là sự lựa chọn của chính lịch sử, sự lựa chọn đã dứt khoát từ năm 1930 với sự ra đời của Đảng"

Bản lĩnh chính trị của Đảng thể hiện ở những thời điểm khó khăn, cam go của cách mạng, Đảng đã có những quyết sách sáng suốt, kịp thời, chủ động chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua thách thức. Đó là quyết định lựa chọn con đường cách mạng vô sản cho cách mạng Việt Nam trước sự khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước những năm 20 của thế kỷ XX. Đó là những quyết sách tạo thời cơ và chớp thời cơ trong quá trình chuấn bị và tiến hành Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đó là quyết định ra "Thông cáo giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương" ngày 11-11-1945, thực chất là rút vào hoạt động bí mật để bảo vệ Đảng, tiếp tục lãnh đạo cách mạng, củng cố chính quyền cách mạng còn non trẻ khi vận mệnh của dân tộc Việt Nam đứng trước "tình thế như ngàn cân treo sợi tóc". Trong Thông cáo đã viết: " những đảng viên cộng sản là những chiến sự tiền phong của dân tộc, bao giờ cũng hy sinh tận tụy vì sự nghiệp giải phóng của toàn dân, sẵn sàng đặt quyền lợi  quốc gia lên trên quyền lợi của giai cấp, hy sinh rèn luyện lợi riêng của đảng phái cho quyền lợi chung của dân tộc" . Đó là quyết định của Nghị quyết Trung ương 15 (1959) khởi nghĩa từng phần, mở đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ một cách độc đáo, khéo léo, đáp ứng khát vọng của nhân dân yêu nước và cán bộ miền Nam, được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Đặc biệt là với phương châm "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật" để đi đến quyết sách đổi mới toàn diện trước sự khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm 80 của thế kỷ XX.

Bản lĩnh chính trị thể hiện ở sự dũng cảm thừa nhận sai lầm, khuyết điểm và kiên quyết sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm, thẳng thắn tự phê bình và phê bình. V.I.Lênin cho rằng “tự phê bình là một việc tuyệt đối cần thiết cho hết thảy mọi chính đảng sống và đầy sức sống”. Theo V.I.Lênin, một đảng “công khai thừa nhận sai lầm, tìm ra nguyên nhân sai lầm, phân tích hoàn cảnh đã đẻ ra sai lầm, nghiên cứu cẩn thận những biện pháp để sửa chữa sai lầm ấy, - đó là dấu hiệu chứng tỏ một đảng nghiêm túc, đó là đảng làm tròn những nghĩa vụ của mình”. Quán triệt quan điểm của V.I.Lênin,  Hồ Chí Minh coi tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng. Người cho rằng: “Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình, cũng như có bệnh mà giấu bệnh. Không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết "cũng la lết quả dưa". Và "một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Theo Hồ Chí Minh phê bình và tự phê bình, cần cho Đảng như con người cần không khí để sống: "Người ta luôn luôn cần không khí để sống. Người cách mạng và đoàn thể cách mạng cần phê bình và tự phê bình thiết tha như người ta cần không khí. Cách mạng sở dĩ phát triển mãi, tiến bộ mãi, càng gặp nhiều gian khổ, càng mạnh mẽ thêm, là do có phê bình và tự phê bình”.Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng đã có những lúc phạm sai lầm khuyết điểm. Bản lĩnh chính trị của Đảng đã thể hiện trong phê và tự phê một cách nghiêm túc. Ngoài những văn kiện quan trọng về phê bình và tự phê bình trong các kỳ đại hội Đảng, ngay trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng đang phải hoạt động bí mật, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã có tác phấm Tự chỉ trích. Những năm đầu toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tác phẩm Sửa đổi lối làm việc. Trong kháng chiến chống Mỹ, Người có bài viết Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Trong các tác phẩm ấy đã phản ánh tinh thần phê và tự phê của Đảng trong mọi hoàn cảnh.

 Suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Đảng đã dũng cảm, kịp thời chỉ rõ những hạn chế khiếm khuyết và tích cực sửa chữa khuyết điểm nên đã lấy lại niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Chẳng hạn, Chỉ thị gửi Xứ ủy Trung Kỳ về vấn đề thanh Đảng ở Trung Kỳ, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 20-5-1931; Các nghị quyết trong Hội nghị lần thứ 10 khóa II(năm 1956) về sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức; Về Kết luận của Bộ Chính trị về một số khiếm khuyết trong chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ; Về những nhân định, đánh giá trong Văn kiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, trong Cương lĩnh năm 1991. Đặc biệt là trong các văn kiện của các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương về công tác xây dựng Đảng trong công cuộc đổi mới, nhất là trong Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư khóa XII.

Bản lĩnh chính trị còn là tinh thần đấu tranh để bảo vệ lý luận Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, phê phán và bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch.

Bản lĩnh chính trị chẳng những là cần thiết trong hoạch định đường lối chính sách mà cả trong lãnh đạo và tổ chức thực tiễn. Bản lĩnh chính trị trở thành một nội dung quan trọng trong xây dựng Đảng về chính trị ở các thời kỳ lịch sử trước đây và cũng đặt ra thường xuyên hiện nay.vn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét